lcp

Bismuth subsalicylate


Bismuth subsalicylate, được bán chung là bismuth hồng và dưới tên thương hiệu Pepto-Bismol và BisBacter, là một loại thuốc kháng axit được sử dụng để điều trị những khó chịu tạm thời của dạ dày và đường tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, ợ chua, khó tiêu, đau bụng và tiêu chảy.

Thông tin chung Bismuth subsalicylate

  • Tên thường gọi: Bismuth Subsalicylate
  • Tên khác: Basic bismuth salicylate, Bismuth oxide salicylate, Bismuth oxysalicylate, pink bismuth, Wismutsubsalicylat
  • Công thức: C7H5BiO4
  • ID CAS: 14882-18-9 
  • Điểm sôi: 336,3 °C
  • Khối lượng phân tử: 362,093 g/mol
  • Mã ATC: A02BX05, A02BX12

Chỉ định của Bismuth subsalicylate

Thuốc được chỉ định để giảm chứng khó tiêu, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ợ nóng, đầy hơi.

Bismuth subsalicylate là một thành phần của liệu pháp HELIDAC (bismuth subsalicylate, metronidazole và tetracycline), là một phác đồ điều trị được chỉ định để điều trị bệnh nhân nhiễm H. pylori và bệnh loét tá tràng.

Chống chỉ định Bismuth subsalicylate

Không dùng thuốc Bismuth subsalicylate cho các trường hợp sau:

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, quá mẫn với aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác.

Bệnh nhân rối loạn chức năng thận.

Phụ nữ có thai và cho con bú.

Thận trọng khi dùng Bismuth subsalicylate

Do thuốc có chứa salicylate, có thể gây hội chứng Reye khi dùng cho trẻ em, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não và gan, thậm chí có thể gây tử vong. Do đó, không được dùng thuốc cho trẻ dưới 16 tuổi, trừ khi có chỉ định cụ thể.

Không dùng chung với aspirin.

Không dùng khi đang bị bệnh gout.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng chung bismuth subsalicylate với các thuốc kháng acid, thuốc trị tiêu chảy hoặc các thuốc chứa salicylate khác.

Liên hệ bác sĩ nếu vẫn bị tiêu chảy sau 2 ngày sử dụng bismuth subsalicylate.

Bismuth subsalicylate có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa tiêu chảy khách du lịch. Thời gian sử dụng cho đối tượng này không được vượt quá 3 tuần.

Không nên sử dụng bismuth subsalicylate cho bệnh nhân có vấn đề về chảy máu, loét dạ dày, có máu trong phân.

Không dùng bismuth subsalicylate cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên đang bị sốt, có các triệu chứng cúm hoặc thủy đậu.

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Chưa có đầy đủ dữ liệu về tác động của thuốc với thai nhi. Tuy nhiên, không thể loại trừ các nguy cơ tiềm ẩn. Không khuyến cáo dùng bismuth subsalicylate cho phụ nữ có thai.

Thời kỳ cho con bú

Không đủ thông tin về sự bài tiết của bismuth subsalicylate qua sữa mẹ và cũng không loại trừ nguy cơ với trẻ đang bú. Do vậy, không nên sử dụng thuốc với phụ nữ đang cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp

Buồn nôn, nôn; táo bón, phân đen, lưỡi đen (không gây nguy hiểm, sẽ hết khi ngưng dùng thuốc).

Hiếm gặp

Xuất huyết dạ dày, ruột.

Liều lượng và cách dùng Bismuth subsalicylate

Liều dùng

Người lớn

Chứng khó tiêu:

  • 524 mg uống mỗi 30 - 60 phút khi cần thiết, không vượt quá 8 liều trong 24 giờ.
  • Hoặc 1048 - 1050 mg uống mỗi giờ, không vượt quá 4 liều trong 24 giờ.

Tiêu chảy hoặc tiêu chảy khách du lịch:

  • 524 mg uống mỗi 30 đến 60 phút khi cần thiết, không vượt quá 8 liều trong 24 giờ.
  • Hoặc 1048 - 1050 mg uống mỗi giờ, không vượt quá 4 liều trong 24 giờ.

Nhiễm Helicobacter pylori:

  • 524 mg/lần, uống 4 lần/ngày.

Trẻ em

Trẻ em trên 16 tuổi: Liều và cách dùng như người lớn.

Tiêu chảy không đặc hiệu:

  • Dưới 3 tuổi: Sử dụng thận trọng.
  • Từ 3 - 6 tuổi: 87 mg mỗi 30 phút - 1 giờ khi cần thiết.
  • Từ 6 - 9 tuổi: 175 mg mỗi 30 phút - 1 giờ khi cần thiết.
  • Từ 9 - 12 tuổi: 262 mg mỗi 30 phút - 1 giờ khi cần thiết.

Tiêu chảy mạn tính:

  • 2 - 24 tháng: 44 mg mỗi 4 giờ.
  • 24 - 48 tháng: 87 mg mỗi 4 giờ.
  • 48 - 70 tháng: 175 mg mỗi 4 giờ.

Nhiễm Helicobacter pylori:

  • ≤ 10 tuổi: 262 mg/lần, 4 lần/ngày trong sáu tuần.
  • > 10 tuổi: 524 mg/lần, 4 lần/ngày trong sáu tuần.

Cách dùng

Lắc đều hỗn dịch trước khi uống. Nếu là viên nhai thì nhai kỹ trước khi nuốt.

Quá liều và xử trí quá liều

Quá liều và độc tính

Triệu chứng ngộ độc bismuth: Rối loạn tiêu hóa, phản ứng trên da, viêm miệng và đổi màu màng nhầy, có thể xuất hiện một đường màu xanh lam đặc trưng trên nướu răng.

Triệu chứng ngộ độc salicylate: Nôn mửa, mất nước, ù tai, chóng mặt, điếc, đổ mồ hôi, tứ chi nóng lên có xung động, tăng nhịp thở, giảm thông khí, sự rối loạn cân bằng acid – base, nôn ra máu, sốt cao, hạ đường huyết, hạ kali máu, giảm tiểu cầu, tăng INR và thời gian prothrombin, đông máu nội mạch, suy thận và phù phổi không do tim.

Ngộ độc salicylate thường xảy ra khi nồng độ trong huyết tương > 350 mg/L (2,5 mmol/L). Hầu hết các trường hợp tử vong ở người trưởng thành khi nồng độ salicylate trong máu bệnh nhân vượt quá 700 mg/L (5,1 mmol/L). Liều đơn dưới 100 mg/kg không có khả năng gây ngộ độc nghiêm trọng.

Các đặc điểm của hệ thần kinh trung ương bao gồm lú lẫn, mất phương hướng, hôn mê và co giật ít phổ biến hơn ở người lớn so với trẻ em.

Nhiễm kiềm hô hấp và nhiễm toan chuyển hóa với pH động mạch bình thường hoặc cao thường xảy ra ở người lớn và trẻ em trên 4 tuổi. Ở trẻ em từ 4 tuổi trở xuống, tình trạng nhiễm toan chuyển hóa với pH động mạch thấp (nồng độ ion H+ tăng) là phổ biến. Nhiễm toan có thể làm tăng vận chuyển salicylate qua hàng rào máu não.

Cách xử lý khi quá liều

Nếu ngộ độc trong vòng 1 giờ, cho uống than hoạt liều hơn 250 mg/kg. Nên theo dõi nồng độ salicylate trong huyết tương và độ pH nước tiểu. Kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicarbonate 1,26% giúp tăng đào thải salicylate.

Điều trị tình trạng nhiễm toan chuyển hóa bằng natri bicarbonate 8,4% tiêm tĩnh mạch (kiểm tra kali huyết thanh lần đầu). Không nên sử dụng bài niệu cưỡng bức vì nó không tăng cường bài tiết salicylate mà còn có thể gây phù phổi.

Thẩm tách máu là phương pháp điều trị được lựa chọn trong trường hợp ngộ độc nặng và cần được cân nhắc ở những bệnh nhân có nồng độ salicylate trong huyết tương > 700 mg/L (5,1 mmol/L), hoặc nồng độ thấp hơn nhưng liên quan đến các đặc điểm lâm sàng hoặc chuyển hóa nghiêm trọng.

Bệnh nhân dưới 10 tuổi hoặc trên 70 tuổi tăng nguy cơ nhiễm độc salicylate và có thể phải lọc máu ở giai đoạn sớm hơn.

Tương tác với các thuốc khác

Thuốc có chứa salicylate, có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông coumarin và thuốc hạ đường huyết đường uống nhóm sulphonylurea. Ngoài ra, thuốc còn làm giảm tác dụng của các uricosuric (thuốc giúp tăng thải acid uric).

Nếu đang dùng thuốc kháng sinh tetracycline (demeclocycline, doxycycline, minocycline, tetracycline), uống chúng ít nhất 1 giờ trước hoặc 3 giờ sau khi dùng bismuth subsalicylate.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.

Dược lý

Dược lực học

Bismuth có đặc tính kháng acid yếu. Thuốc có thể phát huy tác dụng chống tiêu chảy bằng cách kích thích sự hấp thu chất lỏng và chất điện giải qua thành ruột, giảm viêm đường tiêu hóa và thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét nếu có trong dạ dày.

Ngoài ra, bismuth subsalicylate còn được thủy phân thành acid salicylic, ức chế tổng hợp prostaglandin gây viêm và tăng trương lực ruột. Thêm vào đó, bismuth subsalicylate liên kết với các chất độc do E. coli tạo ra.

Bismuth subsalicylate phân hủy trong đường tiêu hóa tạo thành các hợp chất organobismuth, ức chế sự phát triển của Helicobacter pylori, các vi khuẩn khác có liên quan đến rối loạn tiêu hóa và một số loại nấm. Thuốc ngăn chặn sự kết dính của H. pylori với các tế bào biểu mô dạ dày và ngăn chặn các hoạt động enzyme của vi khuẩn (gồm phospholipase, protease và urease).

Bismuth subsalicylate được sử dụng như một phần của phác đồ điều trị H. pylori (PPI, tetracycline và metronidazole) và được chứng minh là loại bỏ tới 90% vi khuẩn này. Ngoài ra, bismuth subsalicylate còn thể hiện hoạt tính kháng khuẩn chống lại Clostridium difficile, Escherichia coli, norovirus, các vi khuẩn đường ruột phổ biến khác như Salmonella và Shigella (bằng cách ngăn chặn vi khuẩn bám và phát triển trên các tế bào niêm mạc của dạ dày).

Dược động học

Hấp thu

Sau khi uống, lượng bismuth được hấp thu không đáng kể, trong khi thành phần salicylate được hấp thu hoàn toàn và nhanh chóng từ ruột non. Ở người bình thường sau khi uống 1050 mg bismuth subsalicylate, nồng độ đỉnh trong huyết tương là 40,1 μg/mL, đạt được sau 1,8 giờ.

Phân bố - Chuyển hóa

Bismuth subsalicylate phần lớn được thủy phân trong dạ dày thành bismuth oxychloride và acid salicylic. Trong ruột non, bismuth subsalicylate không phân ly sẽ phản ứng với các anion khác để tạo thành muối bismuth không hòa tan.

Trong ruột kết, salicylate không phân ly và các muối bismuth khác phản ứng với hydro sulfide để tạo ra bismuth sulfide, một loại muối đen không hòa tan cao gây ra hiện tượng đen lưỡi và phân. Khoảng 90% thuốc liên kết với với protein huyết tương.

Thải trừ

Bismuth chủ yếu được bài tiết qua phân, trong khi thành phần salicylate chủ yếu được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng acid salicylic tự do hoặc các chất chuyển hóa liên hợp.

Sau khi uống 525 mg bismuth subsalicylate, thời gian bán thải trung bình của bismuth là 5 – 11 ngày, còn của acid salicylic là 2 – 5 giờ. Độ thanh thải qua thận của bismuth là 50 ± 18 ml/phút.

Bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 15 - 300C, đựng trong bao bì kín.

Dược sĩ

Dược sĩ Lê Trương Quỳnh Ly

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Dược sĩ Lê Trương Quỳnh Ly đã có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng với chuyên môn sâu về cung cấp thông tin thuốc qua các bài viết chuyên môn, cập nhật các thông tin dược phẩm, các loại thuốc đang lưu hành, đảm bảo cung ứng thuốc đúng chất lượng, đúng giá.

Sản phẩm có thành phần Bismuth subsalicylate

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Sản phẩm có thành phần Bismuth subsalicylate

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn