lcp

Calcium gluconate


Calcium gluconate hay còn gọi là Calci gluconat là một loại thuốc được sử dụng để kiểm soát tình trạng hạ calci huyết, ngừng tim và nhiễm độc tim do tăng kali huyết hoặc tăng magnesi huyết . Nó được xếp vào loại muối canxi

Thông tin chung

  • Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Calcium gluconate.
  • Tên khác: Calcarea gluconica, Calcii gluconas, Calcio gluconato, Calcium di-gluconate, Canxi gluconat
  • Loại thuốc: Thuốc bổ sung calci; thuốc giải độc acid hydrofluoric.
  • Điểm nóng chảy: 120 °C
  • Công thức: C12H22CaO14
  • Khối lượng phân tử: 430,373 g/mol
  • ID IUPAC: canxi (2R, 3S, 4R, 5R) - 2,3,4,5,6-pentahydroxyhexanoat
  • Có thể hòa tan trong: Nước

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Ống/lọ tiêm: 500 mg/5 ml, 1 g/10 ml, 5 g/50 ml, 10 g/100 ml, 20 g/200 ml. Mỗi mililit chứa 100 mg calci gluconat hoặc 9 mg (0,46 mEq) ion Ca++. 
  • Viên nén: 0,5 g; 0,65 g; 1 g. Mỗi viên lần lượt chứa 500 mg calci gluconat hoặc 45 mg ion Ca++; 650 mg calci gluconat hoặc 58,5 mg ion Ca++; 1 000 mg calci gluconat hoặc 90 mg ion Ca++. 
  • Viên nang: 515 mg; 700 mg. Mỗi viên lần lượt chứa 515 mg calci gluconat hoặc 50 mg ion Ca++; 700 mg calci gluconat hoặc 65 mg ion Ca++. 
  • Viên sủi bọt: 1 g. Mỗi viên chứa 1 000 mg calci gluconat hoặc 90 mg ion Ca++. 
  • Bột: 347 mg/thìa (480 g). Mỗi thìa chứa 347 mg calci gluconat hoặc 31,23 mg ion Ca++. 
  • Chế phẩm tùy ứng: Pha chế gel calci gluconat bằng cách nghiền 3,5 g calci gluconat viên thành bột mịn, cho bột này vào một tuyp (5 oz) chất bôi trơn tan trong nước dùng trong phẫu thuật.

Chỉ định Calcium gluconate

Hạ calci huyết cấp (tetani, tetani trẻ sơ sinh, do thiểu năng cận giáp, do hội chứng hạ calci huyết, do tái khoáng hóa sau phẫu thuật tăng năng cận giáp, do thiếu vitamin D), dự phòng thiếu calci huyết khi thay máu. 

Điều trị bằng thuốc chống co giật trong thời gian dài (tăng hủy vitamin D). 

Dự phòng bổ sung calci và điều trị loãng xương. 

Chế độ ăn thiếu calci, đặc biệt trong thời kỳ nhu cầu calci tăng: Thời kỳ tăng trưởng, thời kỳ mang thai, thời kỳ cho con bú, người cao tuổi. 

Rối loạn tim do tăng kali huyết, hồi sức tim khi epinephrin không cải thiện được co thắt cơ tim, tăng magnesi huyết ở phụ nữ có thai bị chứng kinh giật.

Sau truyền máu khối lượng lớn chứa calci citrat gây giảm Ca++ máu. 

Điều trị tại chỗ bỏng acid hydrofluoric.

Chống chỉ định Calcium gluconate

Quá mẫn với calci gluconat hay với bất kỳ thành phần nào chứa trong thuốc; rung thất trong hồi sức tim; bệnh tim và bệnh thận; tăng calci huyết; u ác tính phá hủy xương; calci niệu nặng và loãng xương do bất động; người bệnh đang dùng digitalis (vì nguy cơ ngộ độc digitalis); nghi ngờ bị ngộ độc do digoxin. Chống chỉ định tiêm tĩnh mạch khi nồng độ calci trong huyết thanh trên mức bình thường.

Thận trọng khi dùng Calcium gluconate

Thuốc tiêm calci gluconat chỉ được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch, không được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. 

Tránh tiêm tĩnh mạch quá nhanh (trên 5 ml/phút) và tránh thoát ra ngoài tĩnh mạch; dùng thận trọng trong trường hợp suy hô hấp, nhiễm toan máu, suy thận, bị sarcoid, và người bệnh có tiền sử sỏi thận; tăng calci huyết có thể xảy ra khi chức năng thận giảm, dung dịch có thể chứa nhôm, các mức độ độc có thể xảy ra khi dùng kéo dài ở người bệnh rối loạn chức năng thận; cần thường xuyên kiểm tra calci huyết, cần duy trì nồng độ calci huyết thanh ở mức 9 - 10,4 mg/decilit; tránh nhiễm toan chuyển hóa (chỉ dùng 2 - 3 ngày sau đó chuyển sang dùng các muối calci khác). Phải tránh dùng calci tiêm cho người bệnh đang dùng glycosid trợ tim, calci gluconat tiêm có thể đẩy nhanh loạn nhịp, có thể gây ngừng tim, dùng thận trọng cho người có bệnh tim; khi thật cần, phải tiêm chậm calci với lượng nhỏ và theo dõi chặt chẽ điện tâm đồ. Tăng calci huyết và tăng calci niệu có thể phát triển ở liều điều trị dùng trong thời gian dài; chứng giảm năng tuyến cận giáp có thể gây tăng calci huyết và tăng calci niệu, đặc biệt ở người bệnh dùng vitamin D liều cao. Dùng thận trọng cho người bệnh bị tăng phosphat huyết nặng.

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Không gây hại khi dùng liều theo nhu cầu thông thường hàng ngày. Tuy nhiên, người mang thai nên được cung cấp calci bằng chế độ ăn uống đầy đủ. Dùng quá nhiều loại vitamin và calci cùng các chất khoáng khác có thể gây hại cho mẹ hoặc thai nhi.

Thời kỳ cho con bú

Không gây hại khi dùng liều theo nhu cầu thông thường hàng ngày. Calci vào sữa mẹ trong thời kỳ cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR >1/100 

  • Tuần hoàn: Hạ huyết áp (chóng mặt), giãn mạch ngoại vi. 
  • Tiêu hóa: Táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn. 
  • Da: Đỏ da, nổi ban, đau hoặc nóng nơi tiêm, cảm giác ngứa buốt. Đỏ bừng và/hoặc có cảm giác ấm lên hoặc nóng. 

Ít gặp, 1/100 >ADR > 1/1 000 

  • Thần kinh: Vã mồ hôi. 
  • Tuần hoàn: Loạn nhịp, rối loạn chức năng tim cấp. 

Hiếm gặp, ADR < 1/1 000 

Máu: Huyết khối. 

Chưa xác định tỉ lệ 

  • Nhịp tim chậm, ngất có thể xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh. 
  • Vị phấn, rối loạn tiêu hóa, gây kích ứng dạ dày ruột (thuốc uống). 
  • Áp xe và hoại tử sau khi tiêm bắp. 
  • Cảm giác ngột ngạt, cảm giác đau nhói dây thần kinh. 
  • Ngừng tim. 

Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Thoát thuốc quanh mạch nơi tiêm, có thể điều trị như sau: 

Ngừng ngay tiêm tĩnh mạch. Tiêm truyền dung dịch natri clorid 0,9% vào vùng đó. Chườm nóng nơi tiêm. 

Điều trị thoát mạch bằng hyaluronidase: Thêm 1 ml nước cất tiêm hay dung dịch natri clorid 0,9% vào lọ 150 đvqt hyaluronidase để có nồng độ 150 đvqt/ml; hòa trộn 0,1 ml dung dịch trên với 0,9 ml nước cất tiêm hay dung dịch natri clorid 0.9% trong bơm tiêm 1 ml để có nồng độ cuối cùng 15 đvqt/ml. Tiêm vào vùng thoát mạch càng sớm càng tốt sau khi phát hiện thoát mạch. 

Tương tác với các thuốc khác

Những thuốc sau đây ức chế thải trừ calci qua thận: Các thiazid, clopamid, ciprofloxacin, chlorthalidon, thuốc chống co giật. 

Calci làm giảm hấp thu demeclocyclin, doxycyclin, metacyclin, minocyclin, oxytetracyclin, tetracyclin, enoxacin, fleroxacin, levofloxacin, lomefloxacin, norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin, sắt, kẽm, và những chất thiết yếu khác. 

Calci làm tăng độc tính đối với tim của các glycosid digitalis vì tăng nồng độ calci huyết sẽ làm tăng tác dụng ức chế Na+ - K+ - ATPase của glycozid tim.

Calci gluconat có thể làm giảm tác dụng của các dẫn xuất biphosphonat, các chất phong bế kênh calci, dobutamin, eltrombopag, estramustin, các chất bổ sung phosphat, các kháng sinh quinolon, các sản phẩm tuyến giáp, trientin.

Trientin có thể làm giảm tác dụng của calci gluconat. 

Glucocorticoid, phenytoin làm giảm hấp thu calci qua đường tiêu hóa. Chế độ ăn có phytat, oxalat làm giảm hấp thu calci vì tạo thành những phức hợp khó hấp thu. 

Phosphat, calcitonin, natri sulfat, furosemid, magnesi, cholestyramin, estrogen, một số thuốc chống co giật cũng làm giảm calci huyết. 

Thuốc lợi niệu thiazid, trái lại làm tăng nồng độ calci huyết.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng

Có thể dùng calci gluconat bằng đường tiêm, uống hoặc tại chỗ. 

Calci gluconat tiêm chỉ được tiêm tĩnh mạch, không được tiêm bắp thịt, tiêm vào cơ tim, tiêm dưới da (trừ trường hợp điều trị ngộ độc acid hydrofluoric) hoặc không được để thuốc thoát ra khỏi mạch vào các mô khi tiêm vì có thể gây hoại tử mô và/hoặc tróc vảy và áp xe. 

Calci gluconat dạng uống được dùng điều trị hạ calci huyết mạn và thiếu calci. 

Dạng gel calci gluconat dùng tại chỗ là biện pháp hàng đầu để điều trị bỏng acid hydrofluoric trên da sau khi đã tưới rửa vết bỏng. 

Trong trường hợp bỏng vừa đến bỏng nặng ở tay và chân, cần truyền calci gluconat vào động mạch, đặc biệt ở người bệnh có đau kéo dài sau khi đã tưới rửa vết bỏng và đã bôi gel calci gluconat tại chỗ. 

Một số công trình giới thiệu sử dụng chưa ghi nhãn: Dung dịch calci gluconat 10% truyền tĩnh mạch để điều trị quá liều thuốc chẹn kênh calci. 

Liều lượng được biểu thị theo mmol calci hoặc mEq calci, mg calci hoặc lượng muối calci. 11,2 g calci gluconat (monohydrat) tương ứng với 1 g calci. 

Uống: Dùng với nhiều nước trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn; đối với loại thuốc kết hợp phosphat, uống khi bụng đói trước bữa ăn để có tác dụng tối ưu; có thể cho bột thuốc vào thức ăn. 

Tiêm tĩnh mạch: Để tiêm tĩnh mạch trực tiếp, truyền chậm vào tĩnh mạch trong 3 - 5 phút hoặc với tốc độ tối đa 50 - 100 mg calci gluconat/phút qua kim tiêm nhỏ vào tĩnh mạch lớn để tránh tăng calci huyết thanh quá nhanh và tránh thoát mạch; trong trường hợp ngừng tim, có thể tiêm trong 10 - 20 giây. 

Truyền tĩnh mạch: Pha loãng đến nồng độ 50 mg/ml và truyền với liều 120 - 240 mg/ kg thể trọng trong 1 giờ. 

Không được tiêm bắp hoặc tiêm dưới da vì có thể gây bong vảy hoặc hoại tử nghiêm trọng; thoát mạch calci có thể dẫn tới tróc mô và hoại tử nghiêm trọng. Không dùng những tĩnh mạch da đầu hay tĩnh mạch nhỏ ở chân, tay để tiêm tĩnh mạch. Không dùng trong khí quản.

Dùng tại chỗ: Xoa bóp gel calci gluconat vào vùng đau trong 15 phút 

Liều lượng

Bổ sung dinh dưỡng, liều uống hàng ngày (tính theo calci nguyên tố): 

  • Trẻ em: 0 - 6 tháng: 210 mg/ngày; 7 - 12 tháng: 270 mg/ngày; 1 - 3 tuổi: 500 mg/ngày; 4 - 8 tuổi: 800 mg/ngày; 9 - 18 tuổi: 1 300 mg/ngày. 
  • Người lớn: 19 - 50 tuổi: 1 000 mg/ngày;  51 tuổi: 1 200 mg/ngày. 
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai/thời kỳ cho con bú: Liều giống như liều người lớn. 

Chống hạ calci huyết (liều phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và mức calci huyết thanh tính theo calci gluconat): 

Liều uống: 

  • Trẻ sơ sinh: 500 - 1 500 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 4 - 6 lần; trẻ con và trẻ em: 500 - 725 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 3 - 4 lần. 
  • Người lớn: 500 mg đến 2 g/lần, 2 - 4 lần/ngày. 

Liều tiêm tĩnh mạch: 

  • Trẻ sơ sinh: 200 - 800 mg/kg thể trọng/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục hoặc chia làm 4 lần tiêm tĩnh mạch. Trẻ em: 200 - 500 mg/kg thể trọng/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục hoặc chia làm 4 lần tiêm tĩnh mạch. 
  • Người lớn: 2 - 15 g/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục hoặc chia làm nhiều lần tiêm tĩnh mạch. 

Hạ calci huyết sau truyền máu citrat, liều tiêm tĩnh mạch: 

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em: Dùng liều 98 mg calci gluconat (0,45 mEq calci nguyên tố) cho 100 ml máu citrat đã truyền. 
  • Người lớn: Dùng liều 500 mg đến 1 g calci gluconat cho 500 ml máu citrat (truyền vào tĩnh mạch khác). Cũng khuyên dùng liều duy nhất đến 2 g. 

Lưu ý: Nói chung không khuyên dùng thông thường calci khi không có các dấu hiệu/triệu chứng giảm calci huyết. Có một số khuyến cáo đã công bố hạ calci huyết có khả năng xảy ra trong khi truyền máu citrat khối lượng lớn; tuy nhiên nhiều thầy thuốc lâm sàng khuyên chỉ thay thế theo các biểu hiện lâm sàng có giảm calci huyết và/hoặc theo sự theo dõi thường kỳ ion calci. 

Co cứng cơ do hạ calci huyết, liều tiêm tĩnh mạch (tính theo calci gluconat): Trẻ sơ sinh và trẻ em: 100 - 200 mg/kg/liều, tiêm trong 5 - 10 phút, cách 6 - 8 giờ, có thể nhắc lại liều hoặc theo cách truyền một liều tối đa 500 mg/kg/ngày. Người lớn: 1 - 3 g/liều, tiêm tĩnh mạch trong 10 - 30 phút, có thể nhắc lại liều sau 6 giờ. 

Ngừng tim khi tăng kali huyết hoặc hạ calci huyết, độc tính magnesi hoặc độc tính chất đối kháng calci. Tiêm tĩnh mạch, tiêm trong xương (I.O) (liều tính theo calci gluconat): 

Trẻ sơ sinh và trẻ em: 60 - 100 mg/kg/liều (tối đa: 3 g/liều); nếu cần có thể nhắc lại liều sau 10 phút; nếu có tác dụng, hãy tính đến truyền tĩnh mạch. Người lớn: 500 - 800 mg (tối đa: 3 g/liều); nếu cần có thể nhắc lại liều sau 10 phút. 

Duy trì nhu cầu điện giải hàng ngày, theo đường tĩnh mạch (tính theo calci gluconat): 

Trẻ sơ sinh: 645 - 860 mg/kg/ngày; trẻ em < 25 kg: 215 - 430 mg/ kg/ngày; trẻ em 25 - 45 kg: 107,5 - 322,6 mg/kg/ngày; trẻ em > 45 kg và người lớn: 43 - 64,5 mg/kg/ngày, hoặc 2,15 - 4,3 g/ngày, hoặc 1,7 - 3,4 g/1 000 kcal/24 giờ. 

Bồi phụ dự phòng và điều trị loãng xương, liều uống (tính theo calci nguyên tố): 

Người lớn: 500 mg calci nguyên tố, ngày uống 2 - 3 lần; liều khuyến cáo bao gồm cả lượng calci đưa vào cơ thể trong chế độ ăn uống và cần phải điều chỉnh theo chế độ ăn uống của người bệnh; để tăng hấp thu, không dùng quá 500 mg calci nguyên tố/liều. 

Suy giảm chức năng thận: 

Trường hợp suy giảm chức năng thận có độ thanh thải < 25 ml/ phút, có thể phải điều chỉnh liều lượng theo mức calci huyết thanh. 

Bỏng do acid hydrofluoric: Bôi gel gluconat sau khi đã rửa bằng nhiều nước. Tiêm dưới da chỉ trong trường hợp này, có tác dụng rất tốt trong điều trị bỏng acid hydrofluoric ở da. Dùng kim tiêm cỡ 25 - 30, với liều lượng 0,5 ml/cm2 da, tiêm dưới da vào dưới mô bị bỏng. Tiêm truyền động mạch 10 ml calci gluconat 10% (94,7 mg ion calci) pha với 40 ml nước muối sinh lý hoặc dung dịch dextrose 5%, truyền khi bị bỏng vừa và nặng ở tay và chân, trong 4 giờ.

Ngộ độc acid hydrofluoric toàn thân: Thêm 20 ml dung dịch calci gluconat 10% (189 mg ion calci) vào 1 lít dịch truyền đầu tiên. 

Sử dụng đang khảo sát: 

Quá liều chất chẹn kênh calci: 

Người lớn: Truyền tĩnh mạch dung dịch calci gluconat 10% với liều 0,6 - 1,2 ml/kg/giờ hoặc tiêm tĩnh mạch 0,2 - 0,5 ml/kg/liều, cách 15 - 20 phút, cho 4 liều (tối đa 2 - 3 g/liều). Trường hợp đe dọa tính mạng, cứ 1 - 10 phút dùng liều 1 g cho đến khi đạt được tác dụng lâm sàng (Có trường hợp hạ huyết áp có sức đề kháng đã sử dụng tổng cộng 12 - 18 g).

Quá liều và xử trí

Nồng độ calci máu vượt quá 2,6 mmol/lít (10,5 mg/100 ml) được coi là tăng calci huyết. Ngừng tiêm calci hoặc bất cứ thuốc gì có khả năng gây tăng calci huyết sẽ có thể giải quyết được tình trạng tăng calci huyết nhẹ ở người bệnh không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và có chức năng thận bình thường.

Khi nồng độ calci huyết vượt quá 2,9 mmol/lít (12 mg/100 ml) phải ngay lập tức dùng các biện pháp sau đây: 

  • Bù dịch bằng truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9%. Cho lợi tiểu cưỡng bức bằng furosemid hoặc acid ethacrynic để tăng thải trừ nhanh calci va natri khi đã dùng quá nhiều dung dịch natri clorid 0,9%. 
  • Theo dõi nồng độ kali và magnesi trong máu và thay thế máu sớm để đề phòng biến chứng trong điều trị. Theo dõi điện tâm đồ và có thể sử dụng các chất chẹn beta adrenecgic để phòng loạn nhịp tim nặng. Có thể thẩm phân máu, có thể dùng calcitonin và adrenocorticoid trong điều trị. 
  • Xác định nồng độ calci máu theo từng khoảng thời gian nhất định một cách đều đặn để có định hướng cho điều trị. 

Dược lý

Dược lực học

Chế phẩm bổ sung dinh dưỡng calci được sử dụng để dự phòng hoặc điều trị thiếu calci trong cân bằng calci, giúp dự phòng hoặc làm giảm tốc độ mất xương trong bệnh loãng xương. Calci trong các muối calci tiết chế hoạt động của thần kinh và cơ qua điều chỉnh ngưỡng kích thế động tác và cho phép chức năng tim hoạt động bình thường. Calci cần thiết để duy trì bảo toàn chức năng của hệ thống thần kinh, hệ thống cơ và hệ thống bộ xương và tính thấm qua màng tế bào và mao mạch. 

Calci gluconat tiêm (dung dịch 10%; 9 mg hoặc 0,46 mEqCa++/ml) là nguồn cung cấp ion calci có sẵn và được dùng điều trị hạ calci huyết trong các bệnh cần tăng nhanh nồng độ ion calci huyết như: Co giật do hạ calci huyết ở trẻ sơ sinh, do suy cận giáp, hạ calci huyết do bù chất điện giải, sau phẫu thuật cường cận giáp, thiếu vitamin D, nhiễm kiềm. Calci gluconat có thể được sử dụng như một chất bù điện giải, một chất chống tăng kali và magnesi huyết. Phần lớn các thầy thuốc lâm sàng đều cho calci gluconat tiêm tĩnh mạch là muối được lựa chọn để điều trị giảm calci huyết cấp tính. Một số thầy thuốc lâm sàng cho rằng calci gluconat là sự điều trị lựa chọn cho những trường hợp bị độc hại do magnesi ở những phụ nữ có thai bị chứng kinh giật. 

Hạ calci huyết mạn xảy ra trong các trường hợp: Suy cận giáp mạn và giả suy cận giáp, nhuyễn xương, còi xương, suy thận mạn, hạ calci huyết do dùng thuốc chống co giật, hoặc khi thiếu vitamin D. Thiếu calci xảy ra khi chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ calci, đặc biệt là ở thiếu nữ và người cao tuổi, phụ nữ trước và sau thời kỳ mãn kinh, thiếu niên. Do tăng nhu cầu về calci nên trẻ em và phụ nữ là người có nhiều nguy cơ nhất. 

Giảm calci huyết gây ra các chứng: Co giật, cơn tetani, rối loạn hành vi và nhân cách, chậm lớn và chậm phát triển trí não, biến dạng xương, thường gặp nhất là còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn. Sự thay đổi xảy ra trong nhuyễn xương bao gồm mềm xương, đau kiểu thấp trong xương ống chân và thắt lưng, yếu toàn thân kèm đi lại khó và gẫy xương tự phát. 

Việc bổ sung calci được sử dụng như một phần của việc phòng và điều trị bệnh loãng xương ở người ăn uống thiếu calci. Uống calci gluconat tan trong nước lợi hơn dùng muối calci tan trong acid, đối với người bệnh giảm acid dạ dày hoặc dùng thuốc giảm acid dịch vị như thuốc kháng thụ thể H2 . 

Calci gluconat tiêm cũng được dùng trong trường hợp hạ calci huyết do ngộ độc ethylen glycol (phụ thuộc vào nồng độ calci trong máu), hạ calci huyết và hạ huyết áp do nhiễm độc toàn thân acid hydrofluoric. Các cation hóa trị 2 (thí dụ calci) cũng có thể liên kết với fluorid tự do và do đó giải độc HF khi tiêm calci gluconat

Dược động học

Dược động học Sự hấp thu calci ở ruột tỷ lệ nghịch với lượng calci ăn vào, vì vậy khi chế độ ăn ít calci sẽ dẫn đến tăng hấp thu bù, phần nào do tác động của vitamin D. Ở dạng hoạt hóa, vitamin D cần cho sự hấp thu calci và làm tăng khả năng cơ chế hấp thu. Calci được hấp thu ở dạng ion hòa tan; độ hòa tan của calci tăng trong môi trường acid (pH ở ruột có tính acid là cần thiết để ion hóa calci, pH kiềm ngăn cản sự hấp thu). 

Sinh khả dụng của calci uống từ nguồn không phải thức ăn và từ các chất bổ sung phụ thuộc vào pH ở ruột, vào lúc có hoặc không có thức ăn và vào liều sử dụng. Dùng một liều calci 250 mg cùng bữa ăn sáng tiêu chuẩn, calci có sinh khả dụng uống ở người lớn trong khoảng từ 25% đến 35% với các loại muối calci khác nhau. Hấp thu calci bị giảm khi không có thức ăn. Mức độ hấp thu lớn nhất của calci từ các chất bổ sung khi đưa calci vào cơ thể với liều 500 mg hoặc ít hơn. 

Hấp thu ion calci thay đổi theo tuổi, hấp thụ cao nhất ở tuổi thơ ấu (khoảng 60%), giảm xuống đến khoảng 28% ở trẻ em trước tuổi dậy thì, và lại tăng lên trong thời kỳ đầu của tuổi dậy thì (khoảng 34%); sự hấp thu phân đoạn còn lại là khoảng 25% ở người lớn trẻ tuổi, nhưng lại tăng lên trong 2 quý cuối của thai kỳ. Hấp thu giảm sút ở tuổi cao, trung bình giảm khoảng 0,21% hàng năm ở phụ nữ thời kỳ sau mãn kinh. Sự hấp thu giảm sút tương tự hình như cũng xảy ra ở tuổi cao của đàn ông. 

Hấp thu calci bị chậm bởi một số anion (như oxalat, phytat, sulfat) và các acid béo, các chất này kết tủa hoặc tạo phức hợp với các ion calci; tuy nhiên pH ruột từ 5 đến 7 tạo điều kiện hòa tan và phân ly tối đa những phức hợp này. Do đó, calci có thể được hấp thu rất ít từ những thức ăn giàu acid oxalic hoặc acid phytic. Mặc dầu đậu tương chứa hàm lượng acid phytic cao, nhưng hấp thu calci ở loại thực phẩm này lại tương đối cao. Glucocorticoid và nồng độ calcitonin trong huyết thanh thấp có thể làm giảm hấp thu calci. Hấp thu calci giảm ở người bệnh có kèm các chứng thiếu toan dịch vị, kém hấp thu mãn tính ở ruột, loạn dưỡng xương ở thận, chứng phân có mỡ, ỉa chảy hoặc urê máu.

Sau khi dùng, lượng ion calci thải qua nước tiểu là hiệu số lượng được lọc tại cầu thận và lượng được tái hấp thu. Sự tái hấp thu ở ống thận rất có hiệu lực vì có đến hơn 98% lượng ion calci lọc qua cầu thận được tái hấp thu vào máu. Hiệu quả tái hấp thu được điều hòa chính bởi hormon cận giáp và cũng bị ảnh hưởng bởi sự thanh lọc Na+ , sự có mặt của các anion không bị tái hấp thu, và các chất lợi niệu. Thuốc lợi niệu tác động tại nhánh lên của quai Henle làm tăng calci niệu. Ngược lại chỉ có thuốc lợi niệu thiazid là không gắn liền sự thải trừ Na+ và Ca++, dẫn đến giảm calci niệu. Hormon cận giáp luôn điều hòa nồng độ ion calci huyết bằng tác động lên ống thận. 

Sau khi hấp thu, đầu tiên calci đi vào dịch ngoại bào, sau đó nhanh chóng đưa vào các mô bộ xương. Tuy nhiên, dùng calci không kích thích tạo xương. Xương chứa 99% calci của cơ thể, 1% còn lại phân bố đều giữa các dịch nội bào và ngoại bào. 

Nồng độ calci toàn phần trong huyết thanh bình thường là 9 - 10,4 mg/decilít, nhưng chỉ ion calci là có hoạt tính sinh lý. Calci dưới dạng ion chiếm 50% và calci dưới dạng phức hợp với phosphat, citrat và các anion khác chiếm 5% nồng độ calci toàn phần trong huyết thanh. Khoảng 45% calci trong huyết thanh liên kết với protein của huyết tương. Tăng protein huyết gắn liền với tăng nồng độ calci toàn phần trong huyết thanh; hạ protein huyết thì nồng độ calci toàn phần trong huyết thanh bị giảm. Chứng nhiễm acid làm cho nồng độ calci tăng lên, trong khi chứng nhiễm kiềm thúc đẩy nồng độ ion calci trong huyết thanh giảm xuống. Calci niệu chỉ bị ảnh hưởng ít bởi chế độ ăn calci ở người bình thường. Calci thừa dư thải trừ chủ yếu qua thận. Phần calci không hấp thu sẽ thải trừ chủ yếu ở phân, cũng thải trừ ở mật và dịch tụy; 20% calci thải trừ ở nước tiểu. Một số ít thải trừ qua mồ hôi, da, tóc, móng. Calci qua nhau thai và phân bố vào sữa mẹ. 

Bảo quản

Bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ khoảng 15 - 30oC, trừ những thông báo khác của nhà sản xuất. Không làm đông lạnh các dung dịch; các dung dịch truyền tĩnh mạch ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng. Chỉ dùng những dung dịch trong; nếu có tinh thể xuất hiện, phải hòa tan lại ở nhiệt độ 30 - 40oC

Nguồn tham khảo

https://media.amaassn.org/2021/02/Duoc-thu-Quoc-gia-2018.pdf page 292

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Calcium gluconate

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn