lcp

Calcium hydrogen phosphate


Tên chung quốc tế: Calcium hydrogen phosphate.

Tên khác: Calcium phosphate, Calcium phosphate dibasic, Dicalcium phosphate, Canxi photphat.

 

Chỉ định của Calcium hydrogen phosphate

Calcium phosphate dihydrate được chỉ định dùng trong các trường hợp:

Điều trị hỗ trợ loãng xương (sau thời kỳ mãn kinh, ở tuổi già hay do điều trị bằng corticoid) và còi xương (hỗ trợ liệu pháp vitamin D đặc hiệu).

Điều trị thiếu calci trong thời kỳ tăng trưởng, khi có thai hay cho con bú.

Liều dùng và cách dùng Calcium hydrogen phosphate

Liều dùng Calcium phosphate dihydrate

Người lớn: 2 gói/ngày.

Trẻ em

  • Trẻ em dưới 5 tuổi: 1/2 gói mỗi ngày.
  • Trẻ em trên 5 tuổi: 1 hoặc 2 gói mỗi ngày.

Cách dùng thuốc Calcium phosphate dihydrate

Đổ lượng thuốc chứa trong gói vào một cốc nước khoảng 50ml. Dùng thìa khuấy đều để thu được hỗn dịch rồi uống.

Chống chỉ định Calcium hydrogen phosphate

Calcium phosphate dihydrate chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Tăng calci huyết, tăng calci niệu, sỏi calci, vôi hóa mô, suy thận mạn tính.
  • Bất động kéo dài kèm theo tăng calci niệu và/hoặc tăng calci huyết.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Không xác định được tần suất của các phản ứng phụ.

Thuốc có thể gây nôn hoặc buồn nôn, gây rối loạn tiêu hoá nhẹ, táo bón, đầy hơi.

Trường hợp điều trị kéo dài với liều cao gây tăng calci huyết, tăng calci niệu. Dư thừa calci trong nước tiểu có thể thúc đẩy sỏi thận.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Tương tác thuốc

Những thuốc sau đây ức chế thải trừ calci qua thận: Nhóm thiazid, clopamid, ciprofloxacin, chlorthalidon, thuốc chống co giật.

Calci làm giảm hấp thu demeclocyclin, doxycyclin, metacyclin, minocyclin, oxytetracyclin, tetracyclin, enoxacin, fleroxacin, levofloxacin, lomefloxacin, norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin, sắt, kẽm và những chất khoáng thiết yếu khác.

Calci làm tăng độc tính đối với tim của các glycosid digitalis vì tăng nồng độ calci huyết sẽ làm tăng tác dụng ức chế kênh Na+ - K+ - ATPase của glycosid tim.

Glucocorticoid, phenytoin làm giảm hấp thu calci qua đường tiêu hóa.

Phosphat, calcitonin, natri sulfat, furosemid, magnesi, cholestyramin, estrogen, một số thuốc chống co giật cũng làm giảm calci huyết.

Thuốc lợi niệu thiazid làm tăng nồng độ calci huyết.

Nhôm hydroxit, calci acetat, calci cacbonat, calci clorua, calci glucoheptonate, calci gluconat, calci lactat, calci phosphate, calci polycarbophil có thể làm giảm hấp thu calci phosphate dihydrate, làm giảm nồng độ trong huyết thanh và giảm hiệu quả điều trị.

Thời kỳ mang thai

Không gây hại khi dùng liều theo nhu cầu thông thường hàng ngày.

Thời kỳ cho con bú

Không gây hại khi dùng liều theo nhu cầu thông thường hàng ngày.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng quá liều: khát nước, tiểu nhiều, buồn nôn, nôn mửa, mất nước, cao huyết áp, rối loạn vận mạch, táo bón.

Cách xử lý khi quá liều: Ngưng tất cả nguồn cung cấp calci và vitamin D, bù nước và tùy theo độ nặng nhẹ của việc ngộ độc mà dùng thêm đơn dược hay phối hợp các thuốc lợi tiểu, corticoid, calcitonin, thẩm tích phúc mạc.

Dược lý

Dược lực học

Calcium phosphate dihydrate dạng uống được dùng điều trị hạ calci huyết mạn và thiếu calci.

Hạ calci huyết mạn xảy ra trong các trường hợp: Suy cận giáp mạn và giả suy cận giáp, nhuyễn xương, còi xương, suy thận mạn, hạ calci huyết do dùng thuốc chống co giật hoặc khi thiếu vitamin D.

Thiếu calci xảy ra khi chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ calci, đặc biệt là ở thiếu nữ và người già, phụ ñữ trước và sau thời kỳ mãn kinh, thiếu niên. Do tăng nhu cầu về calci nên trẻ em và phụ nữ là người có nhiều nguy cơ nhất.

Giảm calci huyết gây ra các chứng: Co giật, cơn tetani, rối loạn hành vi và nhân cách, chậm lớn và chậm phát triển trí não, biến dạng xương, thường gặp nhất là còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn. Sự thay đổi xảy ra trong nhuyễn xương bao gồm mềm xương, đau kiểu thấp trong xương ống chân và thắt lưng, yếu toàn thân kèm đi lại khó và gãy xương tự phát.

Việc bổ sung calci được sử dụng như một phần của việc phòng và điều trị bệnh loãng xương ở người ăn uống thiếu calci.

Dược động học

Hấp thu
Sự hấp thu calci ở ruột tỷ lệ nghịch với lượng calci ăn vào, vì vậy khi chế độ ăn ít calci sẽ dẫn đến tăng hấp thu bù, phần nào do tác động của vitamin D. Mức độ hấp thu giảm đáng kể theo tuổi. Các bệnh có kèm chứng phân có mỡ, tiêu chảy, kém hấp thu mạn tính ở ruột cũng tăng thải calci qua phân.

Phân bố
Khoảng 40% canxi huyết tương liên kết với protein, đặc biệt là albumin.

Chuyển hóa
Không có báo cáo.

Thải trừ
Sau khi dùng, lượng ion calci được thải qua nước tiểu là hiệu số lượng được lọc tại cầu thận và lượng được tái hấp thu. Sự tái hấp thu ở ống thận rất có hiệu lực vì có đến hơn 98% lượng ion calci lọc qua cầu thận được tái hấp thu vào máu.

Hiệu quả tái hấp thu được điều hòa chính bởi hormone cận giáp và cũng bị ảnh hưởng bởi sự thanh lọc Na+, sự có mặt của các anion không bị tái hấp thu và các chất lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu tác động tại nhánh lên của quai Henle làm tăng calci niệu. Ngược lại chỉ có thuốc lợi tiểu thiazid là không gắn liền sự thải trừ Na+ và Ca2+, dẫn đến giảm calci niệu.

Hormone cận giáp điều hòa nồng độ calci huyết do huy động calci từ xương, vì vậy làm tăng calci huyết. Calci niệu chỉ bị ảnh hưởng ít bởi chế độ ăn ở người bình thường. Một lượng calci đáng kể được thải trừ vào sữa trong thời kỳ cho con bú và một phần được thải trừ qua mồ hôi và qua phân.

Sản phẩm có thành phần Calcium hydrogen phosphate

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn