lcp

Cát căn


Cát căn hay còn gọi là Sắn dây, cam cát căn, phấn cát, củ sắn dây,... thuộc họ Đậu với danh pháp khoa học là Pueraria thomsoni Benth. Trong y học, cát căn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sốt cao, nôn mửa, trị tiêu chảy, gáy vai cứng đau.

Cát căn còn là thức uống giải khát dân dã trong mùa hè. Tuy nhiên, việc dùng Cát căn sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Cát căn cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Cát căn

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Sắn dây, cam cát căn, phấn cát, củ sắn dây
  • Tên khoa học: Pueraria thomsoni Benth.
  • Họ:  họ Đậu (Fabaceae)
  • Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, sốt cao, nôn mửa, trị tiêu chảy, gáy vai cứng đau.

Mô tả cây Cát căn

Cát căn là cây thuốc nam quý, dạng cây thảo, có rễ nạc, bột, có thân hơi có lông.

Lá có 3 lá chét, lá chét hình trái xoan, mắt chim, có mũi nhọn ngắn, nhọn sắc, nguyên hoặc chia 2-3 thùy, có lông áp sát cả hai mặt. Hoa màu xanh lơ, thơm, xếp thành chùm ở nách, lá bắc có lông.

Quả đậu có lông dựng đứng màu vàng. Củ phình dài ra có khi thành khối nặng tới 20kg ăn được

Cát căn

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây Mọc hoang, trồng khắp nơi.

Thu hoạch: Trồng vào tháng 3-4 đến hết tháng 11 đã có thể đào lấy củ, biến chế thành dược liệu để dùng.

Chế biến: Sau khi thu hái về có thể bào chế dược liệu theo những cách sau:

  • Khúc củ: Rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài sau cắt thành từng đoạn ngắn 13cm. Xếp vào bên trong vại và cho nước muối đặc vào ngâm trong nửa ngày. Sau đó tiếp tục pha nước muối ngâm dược liệu trong 7 ngày rồi vớt ra, đem ngâm dưới sông trong 3 – 4 giờ rồi phơi trong 2 – 3 ngày. Bỏ dược liệu vào hòm và xông với lưu hoàng trong 2 ngày đêm cho củ mềm và trong, mất màu vàng chỉ còn lại màu trắng bột. Đem dược liệu phơi khô hoàn toàn và bảo quản dùng dần.
  • Miếng vuông: Gọt bỏ vỏ ngoài, cắt thành khối vuông có cạnh từ 1.5 – 3cm, sau đó xông với lưu hoàng và đem sấy khô là dùng được.
  • Khoanh củ: Bóc bỏ vỏ ngoài, cắt thành khúc dài từ 8 – 15cm, xông với lưu hoàng 3 lần. Sau đó đem phơi dược liệu vào ban ngày và tối đến sấy lưu hoàng cho đến khi khô hoàn toàn.
  • Chế bột sắn dây: Cạo bỏ vỏ, xay giã cả củ, lọc lấy nước, thêm nước lạnh vào rồi dùng khăn mỏng lọc xác, tạp chất và bụi bặm, đất cát. Thực hiện lọc trong vòng 1 tháng cho đến khi khuấy nước không còn đục là được. Sau đó đổ bột ra miếng vải và phơi khô thành bột, bảo quản dùng dần

Bộ phận sử dụng của Cát căn

Dùng rễ (thường gọi là củ), hình trụ đường kính không đều vỏ có màu trắng đục, thường cắt và bổ dọc thành từng miếng trắng vàng

Cát căn

Thành phần hóa học

Puerarin, Puerarin – Xyloside, Daidzein, Daidzin, b-Sitosterol, Arachidic acid (Trung Dược Học).

Daidzein, Daidzin, Puerarin, 4’-Methoxypuerarin, Daidzein-4’, 7-Diglucoside (Chương Dục Trung, Dược Vật Phân Tích Tạp Chí 1984, 4 (2): 67).

Daidzein-7-(6-O-Malonyl)-Glucoside (Hirakura K và cộng sự, C A 1990, 112: 42557y).

Puerarinxyloside, PG 2, 3’-Hydroxypuerarin PG-1, 3’-Methyoxypuerarin, PG-3

Tác dụng của Cát căn

Theo y học cổ truyền

Vị ngọt, cay, tính bình, không độc. Tác dụng: Tán nhiệt, tuyên độc, giải biểu, thấu chẩn, sinh tân dịch, chỉ tả, giải co giật, chỉ khát, giải độc rượu, thoái nhiệt, giải cơ và thăng đề Vị khí.

Chủ trị: Sỏi thời kỳ đầu, chứng biểu nhiệt, tiêu chảy, gáy đau vai cứng, đau trước trán, tà ở kinh dương minh, lưng sau cứng

Theo y học hiện đại

Thực nghiệm trên súc vật nhận biết nước sắc dược liệu có tác dụng giải nhiệt mạnh.

Daidzein trong thuốc có thể làm giãn cơ ruột ở chuột thực nghiệm. Cơ chế hoạt động tương tự Spasmaverine.

Cát căn làm tăng lưu lượng máu trong động mạch vành và não của người bị xơ vữa động mạch.

Nước sắc dược liệu có thể ngăn chặn tiến triển của bệnh huyết áp cao (58%) và kiểm soát triệu chứng của bệnh (33%). Dùng phối hợp nước sắc dược liệu kèm theo vitamin B có thể hỗ trợ điều trị điếc đột ngột.

Tác dụng giãn co thắt cơ, tiêu viêm, thu liễm

Liều lượng và cách dùng Cát căn

Dược liệu được dùng ở dạng sắc và ép lấy nước là chủ yếu. Mỗi ngày dùng từ 4 – 40g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Cát căn

  • Trị tổn thương gân đến nỗi ra máu: Cát căn giã lấy nước uống, dùng khô thì sắc mà uống còn bã đắp nơi đau (Ngoại Đài Bí Yếu Phương).
  • Trị say rượu không tỉnh: Cát căn sống uống 2 thăng, đái ra thì lành (Thiên Kim Phương).
  • Trị đau nhức vùng thắt lưng: Cát căn sống nhai nuốt nước cho đến khi khỏi (Trửu Hậu Phương).
  • Trị trúng độc các loại thuốc, ngộ độc sinh ra bứt rứt, bồn chồn, phát cuồng, nôn mửa: Cát căn sắc uống (Trửu Hậu Phương).
  • Trị thời khí có nhức đầu sốt cao: Cát căn sống, rửa sạch, giã nát lấy một chén nước lớn, một chén Đậu xị, sắc còn 6 phân, bỏ bã, chia uống cho ra được mồ hôi thì tốt, nếu chưa ra mồ hôi, uống tiếp. Nếu tâm nhiệt thêm Kha tử nhân 10 hạt 
  • Trị chảy máu mũi không cầm: Cát căn sống, giã ép lấy nước uống 3 lần thì khỏi (Thánh Huệ Phương).

Lưu ý khi sử dụng Cát căn

Không dùng cát căn cho trường hợp âm hư hỏa vượng và thương thực hạ hư. Đồng thời cần thận trọng khi dùng cho người sốt nóng mà sợ lạnh.

Bảo quản Cát căn

Đậy kín nơi khô ráo. Dễ mốc mọt, tránh ẩm.

Cát căn (bột sắn dây) là vị thuốc nam quen thuộc và được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Cát căn. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Sản phẩm có thành phần Cát căn

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn