lcp

Chitosan là gì? Công dụng của Chitosan trong y học và cách sử dụng


Chitosan là hoạt chất quan trọng được tìm thấy trong vỏ tôm, tép... Ngày nay, hoạt chất này có rất nhiều ứng dụng khác nhau như dùng làm thuốc, thực phẩm chức năng, bảo quản thực phẩm, xử lý hạt giống… Vậy Chitosan có lợi ích như thế nào đối với sức khỏe con người? Mời bạn đọc bài viết sau đây để tìm hiểu nhé

Giới thiệu chung về Chitosan

Chitosan là gì?

Chitosan là một loại polisaccarit mạch thẳng được tạo nên từ các phân tử N-acetyl-D-Glucosamine (đơn vị chứa nhóm acetyl) và D-glucosamine (đơn vị đã deacetyl hóa) kết nối với nhau tại vị trí β-(1-4). Chất này được tổng hợp bằng cách sử dụng dung dịch NaOH để xử lý vỏ của các loài giáp xác (tôm, cua…).

Chitosan

Chitosan là một loại polisaccarit mạch thẳng

Chitosan được sử dụng trong những lĩnh vực nào?

Hoạt chất chitosan được sử dụng vô cùng rộng rãi trong các lĩnh vực y sinh và thương mại:

  • Trong nông nghiệp: Được dùng để xử lý hạt giống, sản xuất thuốc trừ dịch hại sinh học để bảo vệ các loài cây trồng khỏi các bệnh do nấm.
  • Trong sản xuất rượu vang: Dùng làm chất lọc cặn và bảo quản rượu.
  • Trong công nghiệp: Là nguyên liệu sản xuất sơn tự làm liền vết xước polyurethane.
  • Trong y học: Truyền tải thuốc qua da, được dùng để sản xuất băng gạc y tế giúp chống nhiễm khuẩn và giảm chảy máu.

Phương pháp sản xuất Chitosan

Trong công nghiệp, người ta sản xuất chitosan bằng cách deacetyl hóa chitin – chất cấu thành nên tế bào của loài nấm và lớp vỏ của các loài giáp xác. Độ deacetyl hóa (%DD) được xác định thông qua việc đo phổ NMR, theo đó, chitosan thương mại thường có %DD từ 60 – 100%, với mức phân tử lượng khoảng 3800 – 20.000 Daltons. Cách thức deacetyl hóa chitosan phổ biến nhất là sử dụng lượng dư dung dịch NaOH. Với phương pháp này, %DD của chitosan thu được có thể đạt tới 98%.

Chitosan

Chitosan được sản xuất bằng cách deacetyl hóa chitin

Chitosan và ứng dụng trong y học

  • Được sử dụng trong điều trị chứng cholesterol máu cao, béo phì hay bệnh Crohn.
  • Dùng để điều trị các biến chứng thường gặp ở người bệnh suy thận chạy thận như mất ngủ, thèm ăn, suy nhược, thiếu máu, cholesterol cao.
  • Nhai kẹo cao su có thành phần chitosan giúp phòng chống sâu răng.
  • Khi phẫu thuật ghép mô, đôi khi các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có thể dùng Chitosan trực tiếp ở những vị trí đã lấy mô ghép cho bộ phận khác trên cơ thể. Đó là nhờ đặc tính kích thích tạo mô mới của chitosan.
  • Người ta cũng sử dụng chitosan làm chất độn khi sản xuất viên nén hoặc dùng như chất vận chuyển có trong những loại thuốc phóng thích có kiểm soát nhằm giảm vị đắng trong thuốc dạng dung dịch và tăng khả năng hòa tan của thuốc.
Chitosan

Chitosan được sử dụng làm băng gạc

Liều lượng và, đối tượng sử dụng và cách dùng Chitosan

  • Trong các nghiên cứu lâm sàng về giảm cân và giảm cholesterol, người ta đã sử dụng chitosan với liều lượng từ 0,24 – 15g/ngày (trung bình mỗi ngày khoảng 3,7g) trong vòng 4 – 24 tuần.
  • Người bệnh bị suy thận và chạy thận nhân tạo được chỉ định dùng chitosan dài hạn mà không gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào cụ thể.
  • Người bệnh tiền tiểu đường có thể sử dụng chitosan để duy trì đường huyết ổn định với liều lượng 1.500mg/ngày.
  • Dung dịch 1% chitosan được dùng như một loại nước súc miệng, trong khi đó dung dịch 0,1% chitosan được ứng dụng trong lĩnh vực nhãn khoa.
  • Chế phẩm chitosan 2% là một loại thuốc mà người dùng có thể thoa trực tiếp lên vùng da bị tổn thương khi cần.

Một số lưu ý cần biết khi sử dụng Chitosan

Tác dụng phụ không mong muốn của Chitosan

Chitosan được cho là an toàn với hầu hết mọi người khi bôi lên da hoặc dùng bằng miệng trong tối đa là 6 tháng. Chế phẩm này nếu dùng qua đường uống có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó chịu nhẹ ở dạ dày, đầy hơi hoặc táo bón.

Để đảm bảo an toàn, khi nhận thấy bất cứ triệu chứng nào bất thường xuất hiện trong quá trình sử dụng chitosan bạn hãy hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ điều trị.

Tương tác thuốc

Sử dụng chế phẩm từ chitosan có thể dẫn đến hiện tượng hiệp đồng hoặc cạnh tranh giữa thuốc và thực phẩm/đồng uống hoặc giữa các thuốc. Từ đó khiến cho tác dụng, khả dụng sinh học và độc tính của thuốc cũng thay đổi theo. Do đó bạn nên liệt kê toàn bộ các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang hoặc mới ngừng sử dụng trong thời gian ngắn và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Một số nghiên cứu cho rằng chitosan có thể tăng cường khả năng làm loãng máu của Warfarin, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ bị chảy máu hoặc bầm tím. Do đó bạn nên tránh sử dụng chitosan nếu trong đơn thuốc có Warfarin.

Chitosan

Sử dụng chitosan với các loại thuốc khác có thể gây tương tác thuốc

Lưu ý khi sử dụng Chitosan

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú: Chưa có nhiều thông tin về độ an toàn của chitosan đối với phụ nữ trong thai kỳ và đang cho con bú. Do đó tốt nhất là không nên sử dụng chitosan trong khoảng thời gian này.

Đối với người bị dị ứng với động vật có vỏ: Chitosan được tổng hợp từ lớp vỏ bên ngoài của các loài tôm, cua, tôm hùm… Do đó nhiều ý kiến cho rằng chế phẩm này không phù hợp với người bị dị ứng với động vật có vỏ. Tuy nhiên trên thực tế, chính phần thịt của các loài động vật có vỏ mới gây ra dị ứng chứ không phải phần vỏ. Do đó theo các chuyên gia chitosan có thể không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào với người dị ứng với động vật có vỏ.

Ngay lập tức thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy những hiện tượng sau đây: co thắt dạ dày, bụng khó chịu, các vấn đề về máu hoặc dạ dày.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn đang trong thai kỳ, đang cho con bú hoặc dự định mang thai.

Trên đây là một số những thông tin về chitosan bao gồm đặc điểm, công dụng và lưu ý khi sử dụng. Đến nay, chitosan vẫn được coi là thực phẩm chức năng, không được dùng để thay thế thuốc chữa bệnh. Do đó bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Chitosan

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn