lcp

Cây Cỏ Mực: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Cỏ mực hay còn được gọi là Cỏ nhọ nồi; hàn liên thảo; kim lăng thảo, thuộc họ Cúc với danh pháp khoa học là Asteraceae. Trong dân gian, cỏ nhọ nồi được nhắc đến là thảo dược hữu ích trong điều trị rất nhiều căn bệnh. Cỏ mực có tác dụng bổ máu, chữa ho ra máu; chảy máu cam; xuất huyết nội tạng viêm gan mạn; chấn thương sưng tấy lở loét, mẩn ngứa.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Cỏ mực sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Cỏ mực cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cỏ mực; cỏ nhọ nồi; hàn liên thảo; kim lăng thảo.
  • Tên khoa học:  Eclipta prostrata L. hay Verbesina prostrata L.
  • Họ: họ Cúc (Asteraceae).
  • Công dụng: bổ máu, chữa ho ra máu; chảy máu cam; xuất huyết nội tạng viêm gan mạn; chấn thương sưng tấy lở loét, mẩn ngứa.

Mô tả cây Cỏ mực

Cây thảo 1 năm cao 10-60cm, có thân màu lục, đôi khi hơi đỏ tím, có lông. Lá mọc đối, hẹp, dài 3-10cm, rộng 0,5-2,5cm, có lông ở cả hai mặt, mép khía răng. Hoa màu trắng, tập hợp thành đầu ở nách lá hoặc đầu cành, các hoa cái hình lưỡi ở ngoài, các hoa lưỡng tính hình ống ở giữa. Quả bế dẹt, có 3 cạnh có cánh dài 3mm. Cây ra hoa tháng 7-9, quả tháng 9-10.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây cỏ mực được tìm thấy nhiều ở một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Pakistan và một số nước khác thuộc vùng Nam Á. Ở mỗi nước, loại cây cỏ hàng năm này được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Thu hoạch: Đây là loài cây được thu hái quanh năm.

Chế biến: Phơi hay sấy khô.

Bộ phận sử dụng của Cỏ mực

Bộ phận sử dụng được của Cỏ mực là toàn cây, dùng tươi (giã, ép lấy nước) hoặc khô.

Thành phần hóa học

Theo các nhà nghiên cứu trước, trong nhọ nồi có một ít tinh dầu, chất đắng, tannin, carotene, chất alkaloid là ecliptin (Cũng có sách nói là nicotin).

Năm 1959, Govindachari T.R. và các đồng nghiệp đã chiết xuất wedelolacton là một cumarin lacton. Sau đó, các tác giả cũng tìm thấy chất này trong cây sài đất.

Ngoài wedelolactone, methyl wedelolactone và một flavonoid không xác định được K.K Bhargava phân lập vào năm 1972 (Ind.J.Chem 8,72: 810).

Tác dụng của Cỏ mực

Theo y học cổ truyền

Tính vị theo tài liệu có: Vị ngọt, chua, tác dụng bổ thận âm, tính lương vào hai kinh can và thận, chỉ huyết lỵ. Dùng chữa can thận âm kém, lỵ và đi tiêu ra máu, làm đen râu tóc.

Nhân dân vẫn dùng cây Cỏ mực giã ra rồi vắt lấy nước uống để cầm máu trong rong kinh, bị thương chảy máu, trĩ ra máu. Ngoài ra còn dùng chữa ho hen, ho lao, viêm họng, ngày dùng từ 6 đến 12g dưới dạng sắc uống hay làm thành viên mà uống. Những người thợ nề chữa bệnh bỏng rát do vôi bằng cách dùng cỏ nhọ nồi để xoa tay. Có người dùng chữa bệnh nấm ở ngoài da, nhuộm tóc, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi), bôi lên những chỗ chóc ở da thịt để có màu tím đen.

Theo y học hiện đại

Về tác dụng cầm máu:

Nước sắc Cỏ mực khô với liều 3g/kg thể trọng trên khỉ làm tăng tỷ lệ prothrombin toàn phần dẫn đến tác dụng làm giảm thời gian quick rõ rệt. Nhọ nồi có tác dụng chống lại tác dụng của dicuramin như vitamin K.

Cỏ mực làm tăng trương lực của tử cung cô lập. Trường hợp chảy máu tử cung, nếu dùng Cỏ mực có thể làm nén thành tử cung, làm tăng prothrombin. Góp phần hỗ trợ việc chống chảy máu.

Đối với thỏ mang thai có thể gây sẩy thai.

Cỏ mực không gây tăng huyết áp và không làm giãn mạch.

Liều lượng và cách dùng Cỏ mực

Ngày dùng 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc viên. Dược liệu tươi có thể dùng ngoài với lượng thích hợp.

Cỏ mực sử dụng tươi hay giã lấy nước uống hoặc có thể sao cháy đen với liều 15 - 30g sắc uống. Có thể phối hợp với Ngó sen, lá Trắc bá hoặc sử dụng riêng. Trong trường hợp sát trùng giã tươi lấy nước uống, bã đắp hoặc dùng sắc uống. Có thể dùng tươi xoa tay chữa rát do vôi, trị bệnh nấm ngoài da và nhuộm tóc màu tím đen.

Bài thuốc chữa bệnh từ Cỏ mực

Chảy máu cam, nôn ra máu từ dạ dày

Cỏ mực 30g, Lá sen 15g, Trắc bá diệp 10g. Đun sôi tất cả với nước và chia ra uống làm 3 lần.

Chứng vàng da, rụng tóc, đau thận

Cỏ nhọ nồi và cành cây Râm, sắc uống mỗi vị 15g.

Loét chảy máu ống tiêu hóa

Cỏ mực 30g, Cỏ bấc 30g. Tất cả đun sôi rồi uống.

Trị cơ thể suy nhược, ăn không ngon, gầy yếu, thiếu máu, kém sức

Cỏ nhọ nồi 100g, gừng khô 50g, cỏ mần trầu 100g, các vị chặt nhỏ sao sơ rồi khử thổ, nấu cùng 3 chén nước dừa tươi còn 8 phân, uống ngày 2 lần.

Trị viêm họng

20g cỏ nhọ nồi, 20g bồ công anh, 16g kim ngân hoa, 12g củ rẻ quạt, 16g cam thảo đất, tất cả sắc lấy nước uống. Mỗi ngày uống một thang, sử dụng từ 3 – 5 ngày.

Trị sốt cao

Khi bị sốt cao dùng sài đất, Cỏ mực, củ sắn dây mỗi vị 20g và 16g cam thảo đất, 16g cây cối xay, 12g ké đầu ngựa, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang thuốc.

Trị chảy máu cam

Cỏ nhọ nồi 20g, cam thảo đất 16g, hoa hoè sao đen 20g, tất cả sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang thuốc.

Trị nổi mề đay

Nhọ nồi, lá xương sông, lá khế, lá dưa chuột, rau diếp cá, lá nhài giã nát, lá huyết dụ, cho nước vào rồi vắt lấy nước uống. Bã còn lại dùng để xoa và đắp vào chỗ sưng.

Trị sốt phát ban

Sắc 60g cỏ nhọ nồi uống ngày một thang, chia 2 – 4 lần uống trong ngày.

Trị bạch biến

Nhọ nồi 30g, Sa uyển tử 15g, Đảng sâm 15g, Xích thược 10g, Bạch chỉ 12g, Hà thủ ô 30g, Đan sâm 15g, Thiền thoái 6g, Bạch truật 10g, Đương quy 10g, các vị rửa sạch đem sắc uống ngày 1 thang, mỗi liệu trình uống 15 ngày.

Trị eczema ở trẻ em

Trị eczema ở trẻ em, dùng 50g cỏ nhọ nồi, sắc lấy nước cô đặc lại rồi bôi vào chỗ đau. Thường 2 – 3 ngày sau là dịch rỉ giảm rõ, đóng vẩy và đỡ ngứa, khoảng 1 tuần là khỏi.

Trị sốt xuất huyết nhẹ

Cỏ mực 20g, hoa Hòe sao đen 12g, lá Trắc bá sao đen 12g, Cam thảo đất 16g, củ hoặc lá Sắn dây 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị gan nhiễm mỡ

Cỏ nhọ nồi 30g, Nữ trinh tử 20g, Trạch tả 15g, Đương quy 15g.

Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm Cát căn 30g, Bồ công anh 15g và Chỉ củ tử 15g.

Người bệnh béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: Lá sen 15g, Đại hoàng 6g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang.

Lưu ý khi sử dụng Cỏ mực

Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy phân sống không nên dùng.

Bảo quản Cỏ mực

Nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Cỏ mực cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Cỏ mực

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn