Ginkgo Biloba
Ginkgo Biloba (bạch quả) là một loại cây xuất hiện khá lâu đời, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ xa xưa, con người đã sử dụng chiết xuất từ cây bạch quả này để sản xuất thành những sản phẩm dưới dạng viên nang, viên nén, chiết xuất lỏng và trà. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn tác dụng của Ginkgo Biloba đối với sức khỏe con người đặc biệt là não bộ bạn nhé!
1. Ginkgo Biloba là gì?
Ginkgo Biloba hay còn gọi là bạch quả, đây là một loài cây thuộc họ Ginkgoaceae có thân gỗ, lá hình quạt. Ginkgo Biloba có xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên loài cây này cũng có mặt rất nhiều tại Nhật Bản, Hàn quốc. Cây bạch quả được xem là loài cây có tuổi thọ lâu đời nhất trên thế giới, chúng xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 290 triệu năm.

Ginkgo Biloba là loài cây lâu đời nhất trên thế giới
Ginkgo Biloba đã được nghiên cứu và ứng dụng trong việc điều trị các bệnh liên quan đến não bộ như tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa bệnh Alzheimer, Parkinson, lưu thông máu,...Ngoài ra, Ginkgo Biloba cũng dùng để cải thiện các bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn.
2. Thành phần của Ginkgo Biloba
Một số thành phần chính của Ginkgo Biloba
- Flavonoid: Là chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do có hại và terpenoid.Việc tiêu thụ và hấp thu Flavonoid thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch và các chứng bệnh sa sút trí nhớ.
- Terpenoid: Hợp chất này có tác dụng giúp cải thiện và lưu thông tuần hoàn máu não. Tương tự như Flavonoid, hóa hợp chất thực vật Terpenoid cũng giúp phòng ngừa và điều trị các bệnh ung thư. Đặc biệt, chúng có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, chống dị ứng, hạ đường huyết.

Thành phần chính trong lá cây bạch quả giúp chống oxy hóa mạnh mẽ
3. Tác dụng của Ginkgo Biloba trong điều trị bệnh
3.1 Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer
Ginkgo Biloba có một loại chiết xuất gọi là EGb 761, có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng tư duy nhận thức giúp người bệnh cải thiện hành vi xã hội, hỗ trợ người bệnh thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày tốt hơn. Bạch quả giúp thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn, đồng thời cũng giúp bảo vệ não bộ và các tế bào thần kinh khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng, EGb 761 có thể sử dụng lâu dài cho người bệnh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ta sử dụng với liều lượng hợp lý.

Giúp cải thiện trí nhớ
3.2 Ginkgo Biloba giúp giảm chứng rối loạn lo âu
Chiết xuất từ lá bạch quả có tác dụng giảm bớt căng thẳng, lo âu. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Psychiatric Research chỉ ra rằng Ginkgo Biloba giúp giảm các triệu chứng lo âu đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát.

Giảm triệu chứng lo âu, căng thẳng
3.3 Kháng viêm và ngăn ngừa ung thư
Ginkgo Biloba được nghiên cứu là có tác dụng kháng viêm và góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng.
3.4 Tăng nhãn áp
Theo nghiên cứu, Ginkgo Biloba còn có tác dụng cải thiện thị lực ở những người bị tăng nhãn áp, người bệnh chỉ cần sử dụng 120mg bạch quả mỗi ngày trong vòng 8 tuần sẽ thấy thị lực bắt đầu được cải thiện. Ngoài ra, bạch quả còn giúp giữ thị lực lâu hơn đối với những bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng.

Chiết xuất từ lá bạc quả giúp tăng cường thị lực
3.5 Một vài công dụng khác của Ginkgo Biloba
Ngoài các tác dụng vừa nêu ở trên, Ginkgo Biloba còn có một số công dụng khác như
- Cải thiện đau đầu, đau nửa đầu: Bổ sung thêm chiết xuất từ cây bạch quả giúp giảm các triệu chứng đau đầu, đau nửa đầu do stress, thiếu máu não,...
- Cải thiện da: Chiết xuất từ lá cây bạch quả được ứng dụng vào sản xuất mỹ phẩm giúp làm sáng da, tái tạo da và ngăn chặn oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa trên da.
- Giảm ù tai: Ginkgo Biloba giúp cải thiện các triệu chứng ù tai, đặc biệt đối với bệnh nhân ù tai do gặp các vấn đề liên quan đến mạch máu.

Ginkgo Biloba với nhiều tác dụng giúp cải thiện sức khỏe
4. Tác dụng phụ khi sử dụng Ginkgo Biloba
Một số tác dụng phụ khi sử dụng Ginkgo Biloba: Chóng mặt, buồn nôn, đau đầu nhẹ, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, dị ứng da,...Thuốc không thích hợp sử dụng với những bệnh nhân có tiền sử bị động kinh hoặc co giật vì trong lá và hạt của cây bạch quả có chứa một lượng lớn ginkgo toxin có thể gây co giật.
Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng kết hợp Ginkgo Biloba với các loại thuốc khác. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, cho con bú và người bệnh đang mắc các chứng bệnh chảy máu. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và xử lý kịp thời.
Nhìn chung, Ginkgo Biloba mang lại những hiệu quả bất ngờ cho não bộ, giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng liều lượng trong thời gian dài từ 4-6 tuần trở lên để mang lại hiệu quả tích cực như mong muốn.