lcp

Glycopyrronium


Tên chung quốc tế: Glycopyrronium bromid

Mã ATC: R03BB06

Loại thuốc: Thuốc kháng cholinergic

Dạng thuốc và hàm lượng: 

  • Viên nén: 1 mg, 2 mg.
  • Dung dịch uống: 1mg/5 ml, 400 mcg/ml.

Dược lý

Dược lực học

Glycopyrronium là một chất kháng muscarinic, ức chế cạnh tranh hoạt động của acetylcholine tại các thụ thể muscarinic thuộc thần kinh đối giao cảm.

Tiết nước bọt chủ yếu qua trung gian hoạt động của tuyến nước bọt đối giao cảm. Glycopyrronium ức chế cạnh tranh các thụ thể muscarinic cholinergic ở tuyến nước bọt và các mô ngoại vi khác, do đó gián tiếp làm giảm tốc độ tiết nước bọt.

Dược động học

Hấp thu

Sinh khả dụng tuyệt đối đường uống trung bình của glycopyrronium so với liều uống 50 µg/kg duy nhất và liều tiêm tĩnh mạch 5 µg/kg duy nhất là thấp khoảng 3% ở trẻ em từ 7 - 14 tuổi trải qua phẫu thuật nội nhãn.

Sinh khả dụng của glycopyrronium đường uống ở trẻ em là giữa khả dụng sinh học của người lớn trong điều kiện được cho ăn và nhịn ăn. Dùng chung với thức ăn làm giảm rõ rệt mức độ phơi nhiễm glycopyrronium toàn thân.

Phân bố

Thể tích phân bố 0,64 ± 0,29 L/kg ở người lớn, thể tích phân bố có phần cao hơn ở (các) dân số trẻ em, trong khoảng từ 1,31 - 1,83 L/kg.

Chuyển hóa và thải trừ

Con đường thải trừ chính của glycopyrronium là qua đường bài tiết qua thận, chủ yếu dưới dạng thuốc không thay đổi. Khoảng 65% liều tiêm tĩnh mạch được thải trừ qua thận trong vòng 24 giờ đầu. Một tỷ lệ nhỏ (~ 5%) được thải trừ qua mật.

Thời gian bán thải của glycopyrronium phụ thuộc vào đường dùng là 0,83 ± 0,27 giờ sau khi tiêm tĩnh mạch, 75 phút sau khi dùng tiêm bắp và trong khoảng 2,5 - 4 giờ sau khi uống (dung dịch).

Chỉ định của Glycopyrronium

Glycopyrronium bromid được chỉ định dùng trong điều trị triệu chứng bệnh chảy nước dãi nặng (bệnh lý chảy nước dãi mãn tính) do rối loạn thần kinh mãn tính khởi phát thời thơ ấu ở bệnh nhân từ 3 tuổi trở lên.

Chống chỉ định Glycopyrronium

Glycopyrronium bromid chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Quá mẫn với (các) hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong chế phẩm;
  • Mang thai và cho con bú;
  • Bệnh tăng nhãn áp góc đóng;
  • Bệnh nhược cơ;
  • Tiền sử tắc ruột;
  • Liệt ruột;
  • Viêm loét đại tràng;
  • Hẹp môn vị;
  • Bí tiểu;
  • Phì đại tuyến tiền liệt;
  • Suy thận nặng (eGFR < 30 ml/phút/1,73m2), kể cả những người bị bệnh thận giai đoạn cuối cần lọc máu;
  • Điều trị đồng thời với sản phẩm liều uống dạng rắn kali clorua.

Thận trọng khi dùng Glycopyrronium

Các tác dụng kháng cholinergic như bí tiểu, táo bón và nóng bức do ức chế bài tiết mồ hôi.

Người chăm sóc nên ngừng điều trị và tìm lời khuyên từ bác sĩ trong trường hợp: táo bón, bí tiểu, viêm phổi, dị ứng, tăng thân nhiệt, nóng bức, thay đổi hành vi.

Glycopyrronium nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp tính, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, các tình trạng đặc trưng bởi nhịp tim nhanh (bao gồm nhiễm độc giáp, suy tim, phẫu thuật tim); những bệnh nhân bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, táo bón và tiêu chảy từ trước.

Bệnh nhân nên vệ sinh răng miệng đầy đủ hàng ngày và kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên.

Glycopyrronium có thể làm tăng dịch tiết, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi.

Các tác dụng phụ ở hệ thần kinh trung ương đã được báo cáo bao gồm: khó chịu, buồn ngủ, bồn chồn, kích động, giảm chú ý, thất vọng, thay đổi tâm trạng, tính khí thất thường, nhạy cảm quá mức, khóc thường xuyên, sợ hãi. Cần thận trọng ở những bệnh nhân có hàng rào máu não bị tổn thương.

Do kéo dài thời gian thải trừ qua thận, nên tránh sử dụng glycopyrronium bromid liều lượng nhiều lần hoặc lặp lại ở những bệnh nhân bị urê máu cao.

Dung dịch uống glycopyrronium bromid chứa natri propyl parahydroxybenzoat (E217) và natri metyl parahydroxybenzoat (E219). Chúng có thể gây ra các phản ứng dị ứng.

Sản phẩm thuốc này chứa ít hơn 1 mmol natri (23 mg) cho mỗi liều tối đa, tức xem như là 'không có natri'.

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Chống chỉ định trong thai kỳ.

Thời kỳ cho con bú

Chống chỉ định sử dụng trong khi cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp

Các phản ứng bất lợi kháng cholinergic phổ biến là khô miệng, táo bón, tiêu chảy và nôn mửa, bí tiểu, đỏ bừng và nghẹt mũi.

Chảy máu cam, giảm tiết dịch phế quản, đỏ bừng, cáu gắt, kích động.

Buồn ngủ, suy hô hấp cấp, viêm phổi.

Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Ít gặp

Đau đầu, giãn đồng tử, rung giật nhãn cầu, hôi miệng, nhiễm nấm Candida, rối loạn tiêu hóa, mất nước, khát nước.

Không xác định tần suất.

Phù mạch, dị ứng, tiểu gấp, ức chế tiết mồ hôi, khô da, buồn nôn, viêm xoang, nhịp tim chậm thoáng qua, khô mắt, mất ngủ, tăng nhãn áp góc đóng, buồn, sợ hãi, khóc, nhạy cảm, tâm trạng thất thường, bồn chồn.

Liều lượng và cách dùng Glycopyrronium

Liều dùng

Trẻ em

Trẻ em và thanh thiếu niên từ 3 tuổi trở lên.

Lịch dùng thuốc cho viên nén glycopyrronium bromid dựa trên cân nặng của trẻ với liều ban đầu là 0,02 mg/kg, uống 3 lần mỗi ngày và điều chỉnh theo mức tăng 0,02 mg/kg mỗi 5 - 7 ngày dựa trên đáp ứng điều trị và phản ứng có hại. Liều khuyến cáo tối đa là 0,1 mg/kg 3 lần mỗi ngày, không vượt quá 1,5 - 3 mg mỗi liều dựa trên cân nặng.

Với dung dịch uống 400 mcg/ml, liều bắt đầu với khoảng 16 microgam/kg glycopyrronium bromid, 3 lần mỗi ngày và tăng dần liều 7 ngày 1 lần. Liều tối đa là 6 ml (tương đương 2,4 mg glycopyrronium bromid) 3 lần 1 ngày.

Trẻ nhỏ hơn có thể dễ bị các tác dụng phụ hơn và điều này cần được ghi nhớ khi tiến hành điều chỉnh liều.

Sau khoảng thời gian điều chỉnh liều, không quá 3 tháng 1 lần, bệnh chảy nước dãi của trẻ phải được theo dõi, kết hợp với người chăm sóc, để đánh giá những thay đổi về hiệu quả và/hoặc khả năng dung nạp theo thời gian để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.

Glycopyrronium bromid không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 3 tuổi.

Người lớn

Đối với thanh thiếu niên bị chảy nước dãi do rối loạn thần kinh mãn tính thời thơ ấu, có thể tiếp tục sử dụng liều ổn định viên nén glycopyrronium bromid cho đến tuổi trưởng thành. Đối với người lớn bị chảy nước dãi do rối loạn thần kinh mãn tính khởi phát ở thời thơ ấu bắt đầu sử dụng viên nén glycopyrronium bromid, nên tuân theo lịch dùng thuốc được mô tả trong phân nhóm dân số trẻ em và tóm tắt trong bảng trên.

Đối tượng khác

Người cao tuổi:

Người cao tuổi có thời gian bán thải dài hơn cũng như dữ liệu hạn chế để chứng minh hiệu quả khi sử dụng ngắn hạn. Vì vậy không nên dùng cho bệnh nhân trên 65 tuổi.

Suy thận:

Sự đào thải glycopyrronium bị suy giảm nghiêm trọng ở bệnh nhân suy thận. Glycopyrronium chống chỉ định ở những người bị suy thận nặng. Đối với bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình (eGFR 30 - 90 ml/phút/1,73m2) liều nên giảm 30%.

Suy gan:

Các nghiên cứu lâm sàng chưa được thực hiện ở bệnh nhân suy gan. Glycopyrronium được đào thải qua thận và suy gan không được cho là dẫn đến sự gia tăng tiếp xúc toàn thân với glycopyrronium có liên quan về mặt lâm sàng.

Cách dùng

Viên nén và dung dịch uống glycopyrronium bromid được khuyến khích sử dụng ngắt quãng trong thời gian ngắn. Liều lượng dung dịch uống phải được đo lường và sử dụng với ống tiêm chia độ có trong gói.

Sử dụng đồng thời với thực phẩm làm giảm rõ rệt sự phân bố của thuốc trong cơ thể.

Liều dùng nên ít nhất một giờ trước hoặc ít nhất hai giờ sau bữa ăn hoặc vào thời điểm cố định và cùng lượng thức ăn. Thức ăn nhiều chất béo nên tránh. Khi nhu cầu cụ thể của bệnh nhân xác định rằng cần phải dùng đồng thời với thức ăn, thì việc định lượng sản phẩm thuốc phải được thực hiện nhất quán trong khi ăn.

Quá liều và xử trí quá liều

Quá liều và độc tính

Quá liều glycopyrronium có thể dẫn đến hội chứng kháng cholinergic. Các biểu hiện thường gặp bao gồm đỏ bừng, khô da và niêm mạc, giãn đồng tử kèm theo mất định hướng, thay đổi trạng thái tinh thần và sốt. Các biểu hiện khác bao gồm nhịp xoang nhanh, giảm nhu động ruột, chức năng hồi tràng, bí tiểu, tăng huyết áp, run và giật cơ.

Cách xử lý khi quá liều Glycopyrronium

Bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc kháng cholinergic nên được chuyển đến cơ sở cấp cứu gần nhất với khả năng hỗ trợ sự sống nâng cao.

Tương tác thuốc

Tương tác Glycopyrronium với các thuốc khác

Chống chỉ định sử dụng đồng thời kali clorid rắn đường uống, thuốc kháng cholinergic.

Có thể cần giảm liều dung dịch uống glycopyrronium bromid ở những bệnh nhân dùng đồng thời hai hoặc nhiều loại thuốc kháng muscarinic.

Nên thận trọng khi sử dụng đồng thời các sản phẩm thuốc sau: thuốc chống co thắt, topiramat, thuốc kháng histamine an thần, thuốc an thần/thuốc chống loạn thần, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm ba vòng và MAOI, opiod, corticosteroid.

Sử dụng đồng thời với viên nén tan chậm của digoxin, atenolol hoặc metformin có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của những loại thuốc này.

Tương tác với thực phẩm

Sử dụng đồng thời với thực phẩm làm giảm rõ rệt sự phân bố của thuốc trong cơ thể.

Thức ăn nhiều chất béo nên tránh.

Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô, nhiệt độ dưới 30°C, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao.

Dược sĩ

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng. Hiện là cửa hàng trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà thuốc, chuyên môn sâu tư vấn về thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, cung cấp thông tin và đào tạo kiến thức về thuốc cho Dược sĩ tư vấn.

Sản phẩm có thành phần Glycopyrronium

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Sản phẩm có thành phần Glycopyrronium

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn