lcp

Gừng: Đặc điểm, tác dụng và cách dùng Gừng trị bệnh


Gừng hay còn được gọi là Khương, Sinh khương, Co khinh (Thái), Sung (Dao), thuộc họ Gừng với danh pháp khoa học là Zingiberaceae. Trong y học, Gừng có tác dụng chữa đau bụng, ỉa chảy, dễ tiêu, tê thấp, nhức đầu, ngạt mũi, nôn mửa, bụng đầy trướng (Thân rễ sắc uống). Vỏ củ chữa phù thũng. Củ gừng còn phối hợp với các vị thuốc khác chữa trúng phong.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Gừng sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Gừng cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

gừng

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Gừng, Khương, Sinh khương, Co khinh (Thái), Sung (Dao).
  • Tên khoa học: Zingiber officinale Rose.,Rhizoma Zingiberis.
  • Họ: Gừng (Zingiberaceae).
  • Công dụng: Chữa đau bụng, ỉa chảy, dễ tiêu, tê thấp, nhức đầu, ngạt mũi, nôn mửa, bụng đầy trướng (Thân rễ sắc uống). Vỏ củ chữa phù thũng. Củ gừng còn phối hợp với các vị thuốc khác chữa trúng phong.

Mô tả cây Gừng

Cây gừng thuộc dạng thân thảo, mọc thẳng, có chiều cao trung bình khoảng 1 mét

Thân rễ ( củ) mập, mọng thịt, có thể phân làm nhiều nhánh nhỏ. Một số củ có hình dáng tương tự như bàn tay sưng phồng.Vỏ ngoài củ màu nâu, ruột bên trong màu vàng nhạt, chắc, có xớ, mùi cay nồng.

Chồi lá mọc ra từ thân rễ. Nhiều bẹ lá quấn chặt lại với nhau tạo thành thân giả. Lưỡi bẹ dạng màng, có chiều dài trung bình từ 2 – 10mm, chia làm 2 thùy.

Lá cây gừng màu xanh lục, hình mác, thường không có cuống hoặc nếu có thì cuống rất ngắn. Mỗi lá có bề dài từ 15 – 30 cm và bề ngang khoảng 2 – 2,5 cm, nhọn ở phần đỉnh và đáy. Các lá mọc so le với nhau. Một số lá khi còn non có thể có lông tơ nhưng sau lại nhẵn nhụi. Ngoài ra, còn có lá bắc hình trứng, màu xanh lục nhạt, đôi khi ở mép có màu ánh vàng.

Hoa gừng mọc thành cụm, phát triển từ thân rễ vào tháng 10 hàng năm. Cuống của cụm hoa có thể dài từ 15 – 30cm. Cành hoa có hình dạng giống như bông thóc hình trứng hay hình trụ. Đài hoa như thủy tinh, chiều dài từ 1 – 2,5 cm. Trong khi đó, tràng hoa có ống dài từ 2 – 2,5 cm, có các màu xanh lục ánh vàng, màu trắng hoặc màu vàng. Nhị hoa màu tía sẫm, có bao phấn màu trắng. Khi mới phát triển, lá bắc con có hình ống, màu xanh lục nhưng nhạt.

Cây gừng có tuyến mật dạng thuôn dài.

củ gừng

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Nguồn gốc của cây gừng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng, loại cây này bắt nguồn từ Ấn Độ, khu vực tây nam Trung Quốc hay Đông Himalaya.

Hiện nay, củ gừng là loại gia vị không thể thiếu trong ẩm thực của nhiều nước. Chính vì vậy mà loại cây này được trồng rộng rãi ở khắp nơi, nhất là các nước có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Các nước có diện tích trồng cây gừng lớn nhất phải kể đến Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. 

Tại Việt Nam, cây gừng được trồng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ miền núi cho đến đồng bằng và cả hải đảo. Cây ưa phát triển ở những nơi đất ẩm và có ánh sáng.

Thu hoạch: Cây gừng được trồng bằng củ và được thu hoạch sau khoảng 1 năm. Cây sinh trưởng mạnh nhất vào mùa hè hoặc mùa thu khi có khí hậu nóng ẩm. Sau một năm trồng, nếu không thu hoạch thì lá thường có khuynh hướng lụi tàn vào mùa đông và có thể tái sinh trở lại từ mầm nhú ra từ thân rễ.

Khi thu hoạch, cây được nhổ lên và cắt lấy phần củ, loại bỏ sạch đất cát. Sau đó đem về rửa sạch, dùng ở dạng tươi hoặc đem phơi khô.

Chế biến: Tùy theo hình thức sử dụng và cách bào chế mà Đông y có các vị thuốc từ gừng như sau:

  • Sinh khương: Gừng tươi
  • Tiêu khương: Củ gừng tươi được thái lát dày, đem phơi khô. Sau đó sao đến khi xém vàng, vẩy vào gừng một ít nước khi còn đang nóng, đậy kín lại để nguội.
  • Bào khương: Gừng khô đã được bào chế
  • Thán khương ( hắc khương): Gừng khô thái lát dày, đem nướng hoặc sao cháy đen tồn tính.
  • Khương bì: Vỏ củ gừng đã phơi khô.
  • Can khương: Củ gừng được đem phơi hoặc sấy khô

Bộ phận sử dụng của Gừng

Cả củ (thân rễ) và lá của cây gừng đều được sử dụng trong nấu ăn. Tuy nhiên, y học cổ truyền chủ yếu dùng củ gừng để bào chế thuốc chữa bệnh.

tác dụng của gừng

Thành phần hóa học

Trong củ gừng có khoảng 2 – 3% là tinh dầu. Bao gồm các chất như:

  • B-zingiberen (35%)
  • B-curcumenen (17%)
  • B-farnesen (10%)
  • Alcol monoterpenic( geraniol, linalol và borneol)
  • Zingeron
  • Shogaol
  • Zingerol
  • A-camphen
  • B-phelandren
  • Eucalyptol
  • Các gingerol
  • Gingeridion

Tác dụng của Gừng

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ Sinh khương vị cay tính hơi ôn, vào ba kinh tỳ, phế và vị. Sinh khương có tác dụng ôn trung, phát biểu tán hàn, tiêu đờm, làm hết nôn, hành thuỷ giải độc dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng bụng trướng đầy, giải độc bán hạ, nôn mửa, nam tinh, đờm ẩm sinh ho, cua cá. Can khương tính ôn, vị cay, bào khương (can khương bào chế rồi) vị cay đắng tính đại nhiệt vào sáu kinh tâm, tỳ, phế, vị thận và đại tràng. Có tác dụng hồi dương thông mạch, ôn trung tán hàn dùng để trị bụng đau, thổ tả, mạch nhỏ, chân tay lạnh, hàn ẩm suyễn ho phong hàn thấp tỳ.

Theo y học hiện đại

Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra nhiều tác dụng của gừng đối với sức khỏe như:

Ở đường hô hấp: Ức chế virus hợp bào ở đường hô hấp. Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng ho, khó thở, sưng đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi và các triệu chứng liên quan đến bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hen suyễn, viêm họng hay viêm phế quản.

Ở đường tiêu hóa: Gừng có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm viêm ở niêm mạc ruột, chống trào ngược dạ dày thực quản, xoa dịu cơn đau bụng, đau dạ dày. Bên cạnh đó, thảo dược này cũng giúp thúc đẩy tiêu hóa, giảm ợ chua, khó tiêu.

Trên hệ tuần hoàn: Một số hoạt chất trong gừng có khả năng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, đồng thời giảm cholesterol trong máu.

Với hệ cơ xương khớp: Gừng giúp giảm đau nhức xương khớp. Đặc tính chống viêm của dược liệu này cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp, phong thấp, bệnh gout và nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ xương khớp.

Ở hệ thần kinh: Gừng có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, chóng mặt, xoa dịu cơn đau đầu.

Các tác dụng khác: Ngăn ngừa tiểu đường, chống say tàu xe, hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa ung thư, tăng cường sinh lý.

Liều lượng và cách dùng Gừng

Trong dân gian, Gừng là một vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa chữa chứng rối loạn tiêu hóa, ăn uống không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, cảm mạo, phong hàn, ra mồ hôi trộm, ho, mất tiếng… Gừng tươi (Sinh khương) được dùng với liều lượng từ 3 - 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc pha hoặc rượu gừng tươi (mỗi ngày 2 - 5ml).

Dùng gừng khô (Can khương) khi bị cảm mà đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, nôn mửa. Liều lượng cũng như gừng tươi.

Bài thuốc chữa bệnh từ Gừng

Trị nhức đầu, lạnh bụng, nôn ói, có đờm

Chích cam thảo 4g, Can khương 10g, nước 300ml sắc còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Thấy đỡ thì uống bớt đi.

Đi tiêu ra nước

Gừng sấy khô nghiền nhỏ, dùng nước cơm chiêu với thuốc, mỗi lần uống 2 - 4g.

Gừng nướng, bóc vỏ, cắt lát nhai với búp chè hay búp ổi.

Đi lỵ ra máu

Can khương thiêu tồn tính ngày uống nhiều lần, mỗi lần 2 – 4g, chiêu bằng cháo hay nước cơm.

Cảm cúm, ho, nhức đầu, thân thể đau mỏi

Giã nhỏ gừng sống. Bó tóc rối, tẩm rượu sôi, đánh khắp người, xoa vào chỗ đau.

Trị nôn mửa

Nhấm gừng sống từng ít một cho đến khi hết nôn.

Trị ho lâu ngày và ợ

Giã gừng tươi lấy nước (1 thìa) trộn với 1 thìa mật ong. Đun nóng rồi uống dần ít một.

Trị sổ mũi

Nước Gừng và bột Bạch chỉ trộn lẫn bôi vào huyệt thái dương.

Trị cảm mạo phong hàn

Tía tô 10g, Bạc hà 10g, Kinh giới 10g, Bạch chỉ 6g, vỏ quýt 6g, Gừng tươi 3 lát, Địa liền 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang trong 3 ngày.

Lưu ý khi sử dụng Gừng

Không sử dụng gừng cho các đối tượng đang gặp các vấn đề sau:

  • Âm suy kìm vượng nhiệt trong cơ thể
  • Huyết áp cao
  • Nội nhiệt âm hư
  • Nhiệt hao (hen) đại suyễn
  • Đau nhọt chứng huyết
  • Đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường hoặc thuốc điều trị cao huyết áp
  • Rối loạn chảy máu
  • Thai sản sa trướng
  • Mắt đỏ bệnh hầu
  • Chảy máu tử cung
  • Viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan
  • Bệnh nhân bị trĩ và phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều gừng.

Bảo quản Gừng

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Gừng cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 


 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Gừng

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn