lcp

Hậu phác là gì? Tác dụng và vị thuốc từ hậu phác


Hậu phác còn có rất nhiều tên gọi khác như tiền sơn phác, xuyên phác ty, thần phác, ngoa đồng phác… Từ lâu, loài thảo mộc này đã được dùng để trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa, đau đầu, hen suyễn... Nếu chưa hiểu hết về công dụng, cách dùng của vị thuốc hậu phác thì bạn hãy theo dõi bài viết sau đây của Medigo nhé.

Tìm hiểu về hậu phác

Hậu phác (danh pháp khoa học: Cortex Magnoliae officinalis) là vị thuốc từ vỏ cây Magnolia officinalis Rehd. et Wils, thuộc họ Mộc lan (Magnoliaceae), chi Magnolia. Tuy nhiên cần lưu ý rằng tên hậu phác cũng được dùng cho nhiều dược liệu khác nhau. Chỉ có hậu phác nhập từ Trung Quốc mới được xác định một cách chính xác. Còn các vị thuốc hậu phác được trồng và khai thác trong nước cần phải xác định lại.

Hậu phác còn có rất nhiều tên gọi khác như tiền sơn phác, xuyên phác ty, thần phác, ngoa đồng phác, tiểu xuyên phác, dã phác, chế tiểu phác, chế xuyên phác, tử du phác, chế quyển phác, xuyên hậu phác, đạm bá, trùng bì, liệt phác, hậu bì, xích phác.

Hậu phác vẫn chưa được trồng rộng rãi ở Việt Nam. Cây chủ yếu được khai thác ở Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Tây… Ngoài ra người ta cũng tìm thấy hậu phác ở một số tỉnh Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc như Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang.

hậu phác

Hậu phác là vị thuốc từ vỏ cây Magnolia officinalis Rehd. et Wils, họ Mộc lan

Đặc điểm sinh thái

Cây hậu phác chính thức (Magnolia officinalis Rehd. et Wils.) là một loại cây thân gỗ to, chiều cao thường trên 715m. Thân cây có vỏ màu tím nâu. Lá cây mọc so le, phiến lá thuôn hình trứng, chiều dài từ 22 – 40cm, chiều rộng từ 10 – 20cm, đầu lá hơi hơi nhọn, thu hẹp dần về cuống lá. Phần cuống không có lông, chiều dài từ 2,4 – 4,4cm. Hoa hậu phác có đường kính khá lớn, lên đến 12cm, hoa có mùi thơm, màu trắng, phần cuống to thô. Quả kép (được cấu thành bởi nhiều đại rời), dạng hình trứng với đường kính 5 – 6,5cm, chiều dài từ 9 – 12cm.

Ngoài ra còn có cây thứ hậu phác (Magnolia officinalis var biloba Rehd et Wils) với các đặc điểm sinh thái có nhiều điểm tương đồng với hậu phác chính thức. Tuy nhiên lá của cây thứ hậu phác có phần đầu hõm xuống tạo thành hai thùy.

cây hậu phác

Bộ phận dùng của hậu phác

Bộ phận sử dụng của hậu phác chủ yếu là vỏ thân cây. Vỏ sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô và cuộn thành ống đơn hoặc kép, gọi là ống hậu phác hay đồng phát. Dược liệu dài 30 – 35cm, dày 0,2 – 0,7cm. Vỏ thân gần rễ gọi là hoa đồng phác, dài 13 – 25cm, dày 0,3 – 0,8cm. Vỏ có mặt ngoài màu nâu xám, bề mặt thô ráp, vân dọc rõ, lỗ, vỏ hình bầu dục. Ngoài ra người ta còn sử dụng vỏ rễ (căn phác) và vỏ cành (chi phác) để làm dược liệu.

Thu hái, sơ chế và bảo quản

Tháng 5 – 6 là thời điểm lý tưởng để thu hoạch vỏ thân cây hậu phác. Người ta chỉ chọn những cây đã sống từ 20 năm trở lên. Sau đó cạo lấy vỏ cây và chế biến theo 2 phương pháp phổ biến sau đây:

  • Cách 1: Cho vỏ cây vào ngăn gỗ và đun nóng đến khi thấy hơi nước bốc lên, phun nước lạnh vào, tiếp tục đun và phun nước lạnh liên tiếp 3 lần. Cuối cùng lấy ra và làm thành cuộn.
  • Cách 2: Đào hố dưới đất rồi đổ vỏ cây vào, chất rơm lên trên và ủ khoảng 3 – 4 ngày đến khi bốc hơi nước, cuối cùng cuộn lại thành ống.

Vỏ thân cây hậu phác được bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp và tránh ẩm mốc.

hậu phác

Cách thu hái, chế biến và bảo quản dược liệu hậu phác

Thành phần hóa học

  • Vỏ hậu phác có nguồn gốc Trung Quốc có chứa thành phần khoảng 5% hợp chất phenol gọi là magnolol C18H18O2 (nhiệt độ nóng chảy 103oC) và tetrahydro magnolol (144oC) và iso-magnolol C18H18O2 (143oC).
  • Bên cạnh đó, trong vỏ cây người ta còn tìm thấy 1% tinh dầu, chiếm tỷ lệ lớn nhất là machilol C15H26O.
  • Năm 1951 – 1952, 2 nhà khoa học là Tomita và Masao của Nhật đã chiết tách từ loài hậu phác Nhật Bản (Magnolia abovata Thunb) một chất có tên magnocurarin C19H25O4.1/4H2O, với nhiệt độ nóng chảy ở 200 độ C.

Tác dụng của hậu phác

Theo y học cổ truyền

Hậu phác có vị cay đắng, tính ôn và không độc, quy vào kinh đại tràng, phế, tỳ, vị. Tác dụng của hậu phác là ôn trung hạ khí, táo thấp tiêu đờm. Trong Đông y, loại dược liệu này dùng để điều trị các chứng hen suyễn, ho, tiết tả, nôn mửa, thực tích, thượng vị đầy trướng.

Theo y học hiện đại

  • Nước sắc từ vỏ cây hậu phác được cho là có tác dụng kìm hãm sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn như phẩy khuẩn tả, tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ.
  • Alcaloid toàn phần có trong dược liệu có khả năng làm giãn mạch ngoại biên in vitro, ức chế hoạt động của tim mạch, hạ huyết áp in vivo khi được thử nghiệm trên động vật
  • Vỏ hậu phác có công dụng lợi tiểu, giảm đau khá hiệu quả.
  • Từ vỏ hậu phác người ta chiết được các hoạt chất honokiol và magnolol có khả năng kìm hãm sự sinh sôi của các loại nấm và vi khuẩn Gram dương. Cao ether và methanol có hai hoạt chất trên có khả năng ức chế loại vi khuẩn Streptococcus mutans gây sâu răng. Ngoài ra 2 chất này còn có công dụng ức chế thần kinh trung ương, giãn cơ, ức chế tập kết tiểu cầu gây ra bởi collagen khi thử nghiệm trên thỏ, kết quả đạt được mạnh hơn gấp 3 lần so với aspirin.
  • Chất magnolol cũng có hoạt tính chống loét dạ dày gây ra do stress khi ngâm mình trong nước và chống chảy máu dạ dày do stress.

Một số vị thuốc từ hậu phác

  • Trị trướng bụng khó tiêu, đau bụng do lạnh: 12g xích phục linh, 6g thảo đậu khấu, 8g trần bì, 4g mộc hương, 12g gừng sống, 4g gừng khô, 12g đại táo, 4g cam thảo, 12g hậu phác. Sắc lấy nước uống.
  • Trị chứng đại tiện táo, đầy hơi trướng bụng: 8g chỉ thực, 12g đại hoàng, 12g hậu phác, sắc lấy nước uống.
  • Trị chứng tỳ vị hư hàn, bụng trướng đầy: 8g sinh khương, 12g đảng sâm, 8g cam thảo, 12g bán hạ, 8g hậu phác. Sắc lấy nước uống.
  • Trị đờm thấp vướng ở phổi gây suyễn: 16g tiểu mạch, 20g thạch cao sống, 2g tế tân, 4g ngũ vị tử, 4g ma hoàng, 12g hạnh nhân, 2g gừng khô, 12g bán hạ, 8g hậu phác. Sắc lấy nước uống.
  • Điều trị tự toát mồ hôi, ngực đầy suyễn, sợ gió: 12g quế chi, 12g hạnh nhân, 12g gừng sống, 12g đại táo, 4g cam thảo, 12g bạch thược, 12g hậu phác. Sắc lấy nước uống.

Lưu ý khi sử dụng hậu phác

  • Liều dùng tham khảo từ 3 – 9g, dùng kết hợp với các vị thuốc khác.
  • Thận trọng khi dùng trong trường hợp tỳ vị hư nhược, khí huyết kém, tân dịch khô
  • Kiêng kỵ đối với phụ nữ có thai
vị thuốc từ hậu phác

Các bài thuốc từ cây hậu phác và lưu ý khi sử dụng

Như vậy là bạn đã nắm được một số đặc điểm và công dụng của vị thuốc hậu phác rồi. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo, vì vậy Medigo khuyên bạn bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ. 

Dược sĩ

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng. Hiện là cửa hàng trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà thuốc, chuyên môn sâu tư vấn về thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, cung cấp thông tin và đào tạo kiến thức về thuốc cho Dược sĩ tư vấn.

Sản phẩm có thành phần Hậu phác

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn