lcp

Hoa Hồng


Hoa hồng hay còn gọi là Hồng đỏ, Hường,... thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) có danh pháp khoa học là Rosa chinensis Jacq.. Trong y học, Hoa hồng có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu thũng, giải độc…Ngoài ra, tinh dầu Hoa hồng còn có tác dụng chống mất ngủ rất tốt.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Hoa hồng sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Hoa hồng cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Hoa Hồng

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Hoa hồng, Hồng đỏ, Hường, Co coi (Thái), Bjooc coi (Tày)
  • Tên khoa học: Rosa chinensis Jacq.
  • Họ: họ Hoa hồng (Rosaceae).
  • Công dụng: Chữa băng huyết, tiêu chảy, thuốc điều kinh, ho (hoa).

Mô tả cây Hoa hồng

Cây nhỏ, dạng bụi, cao 0,5 – 1,5m. Thân cành có gai dẹt, cong, vỏ nhẵn màu nâu hoặc xám nhạt. Lá mọc so le, cuống ngắn có rãnh, lá chét 3 (ở gần ngọn) hoặc 5 (ở phía dưới) hình bầu dục – mũi mác, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, có gai ngắn ở gân; lá chét tận cùng to và có cuống dài hơn, mép khía răng nhọn, lá kèm dài chẻ đôi, dính liền với cuống. Cụm hoa mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc thành ngù ở đầu cành, hoa to rất đa dạng, màu hồng, đỏ hồng hoặc đỏ tía, thơm, lá bắc hẹp, dài hình đấu, 5 răng hẹp và mảnh, nhẵn, tràng gồm nhiều cánh khum, hình trứng rộng, nhị rất nhiều, màu vàng, đế hoa lõm chứa nhiều lá noãn rời nhau.

Quả giả, hình trứng ngược hoặc hình cầu chứa nhiều quả bế thuôn dài.

Mùa hoa quả gần như quanh năm.

Hoa Hồng

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Chi Rosa L gồm nhiều loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam chi này có khoảng 10 loài, trong đó một số loài là cây trồng làm cảnh và làm thuốc.

Hoa hồng vốn xuất xứ ở vùng Đông Á, sau được thuần hóa thành cây trồng làm cảnh ở khắp nơi trên thế giới. Hoa hồng được trồng ngày nay đã có hàng trăm giống, có những loại chuyên để sản xuất tinh dầu ở những nước vùng Địa Trung Hải và Đông Âu. 

Hoa hồng ở Việt Nam cũng có nhiều giống. Các giống cổ như hồng đại đoá, hồng nhung, hồng quế thường có mùi thơm quyến rũ. 

Tuỳ theo loại giống, cây có thể thích nghi với vùng có khí hậu ẩm mất quanh năm, như Sapa, Đà Lạt.. hay có thể trồng ở vùng nắng nóng, lượng mưa hàng năm rất thấp, như ở Nam Trung Bộ (Ninh Thuận. Bình Thuận). 

Thu hoạch: Thu hái chồi, hoa từ tháng 5 tới tháng 9. Thu hái rễ vào xuân thu.

Chế biến: Rễ sau thu hái, rửa sạch phơi khô. Lá thường dùng tươi. 

Bộ phận sử dụng của Hoa hồng

Rễ và hoa.

Hoa Hồng

Thành phần hóa học

Hoa hồng chứa tinh dầu trong đó có linalyl acetat 14,98%, limonen 12,07%, methoxymethyl benzen 9.88%, citronelo 4,82%, p – caryophyllen 4,55%, acetat hexanyl 3,98%, linalol 3, 18%, hexanol 3.17% (Gu xin và cs, 1987)

Ngoài ra, hoa hồng còn có acid galic.

Tác dụng của Hoa hồng

Theo y học cổ truyền

Hoa hồng đỏ có vị ngọt, tính ôn, vào kinh can, có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu thũng, giải độc.

Theo y học hiện đại

Hoa hồng đỏ có tác dụng kháng khuẩn. Acid galic có trong cây với nồng độ 5 mg/ml, thuốc đã có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn.

Liều lượng và cách dùng Hoa hồng

Hoa hồng đỏ được dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, xích bạch đới, vết thương sưng tấy, ung nhọt, tràng nhạc Liều dùng hàng ngày 3 – 6g sắc nước uống hoặc nghiền thành bột uống. Dùng ngoài đắp tại chỗ. Ngoài ra, hoa hồng đỏ còn dùng chữa băng huyết, lở mồm, loét lợi, rộp lưỡi, ho viêm họng.

Ngoài ra, theo phương pháp Ajuveda – Ấn Độ tinh dầu hoa hồng (1 giọt) cho vào nước tắm có tác dụng chống mất ngủ.

Bài thuốc chữa bệnh từ Hoa hồng

Chữa rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh: Hoa hồng đỏ, ích mẫu, mỗi vị 9g. Sắc nước uống trong ngày 1 hoặc lấy rễ hoa hồng đỏ phối hợp với hoa mào gà (mỗi vị 30g), ích mẫu 9g, sắc nước, lọc bỏ bã thêm trứng gà,hầm kỹ uống.

Chữa băng huyết ở phụ nữ: Lấy 20g cánh hoa hồng đỏ mới nở, hãm với 1 lít nước sôi trong bình sứ trong khoảng 30 phút. Khi nước đã có màu đỏ đem lọc rồi cho thêm 50g đường khuấy tan. Mỗi lần uống 200 – 250ml, uống đều hàng ngày đến khi máu cầm thì thôi.

Chữa loét lở mồm, phồng rộp lưỡi:  Bột hoa hồng đỏ (hoa sấy khô, tán nhỏ) 5g,ngâm với 25ml rượu trong vòng 24 giờ, đem đun lửa nhỏ cho rượu bay hơi, còn lại nước sền sệt, cho thêm 30g mật ong vào đun nhẹ, khuấy đều, để nguội. Dùng bông chấm thuốc bôi vào chỗ loét rộp. Ngày bôi 2 – 3 lần.

Chữa viêm họng:  Mật ong, hoa hồng đỏ đem pha loãng với nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối hoặc ít hàn the, dùng làm thuốc súc miệng hàng ngày.

Chữa loa lịch (tràng nhạc, lao hạc): Rễ cây hoa hồng đỏ 15g hầm với cá ăn.

Lưu ý khi sử dụng Hoa hồng

Những người tỳ vị hư yếu hoặc có thai không được dùng. Cần chọn hoa hồng không có thuốc bảo vệ thực vật.

Bảo quản Hoa hồng

Bảo quản nơi khô thoáng.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Hoa hồng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Hoa hồng

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn