lcp

Hoắc Hương


Hoắc hương hay còn gọi là Quảng hoắc hương, Thổ hoắc hương thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) có danh pháp khoa học là Pogostemon cablin (Blanco) Benth.. Trong y học, hoắc hương là một vị thuốc có tác dụng giải cảm, dùng trong các trường hợp ăn không tiêu, đầy bụng, nôn, tiêu chảy. Ngoài ra, tinh dầu hoắc hương còn được dùng trong kĩ nghệ pha chế nước hoa, pha chế nước uống.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc sử dụng Hoắc hương sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Hoắc hương cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

hoắc hương

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Quảng hoắc hương, Thổ hoắc hương, Hoắc hương
  • Tên khoa học: Pogostemon cablin (Blanco) Benth.
  • Họ:  họ Hoa môi (Lamiaceae)
  • Công dụng: Chữa cảm lạnh, nôn mửa, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy (cả cây trừ rễ).

Mô tả cây Hoắc hương

Hoắc hương là một cây cỏ sống lâu năm, thân có phân nhánh, cao chừng 30cm-60cm, trên thân có lông. Lá vò có mùi thơm. Lá có cuống ngắn, phiến lá hình trứng hay hình thuỗn, dài chừng 5-10cm, rộng 2,5 – 7cm, mép có răng cưa to, mặt dưới nhiều lông hơn. Hoa màu hồng tím nhạt mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành. Tuy nhiên cây trồng ở Việt Nam hầu như không thấy có hoa và kết quả.

Ngoài loài hoắc hương kể trên người ta còn dùng loài hoắc hương Agastache rugosa (Fisch. Et Mey) O. Kuntze cùng họ. đó là một loại cỏ sống hàng năm cao chừng 40 – 100cm. Lá hình trứng dài 2 – 8cm, rộng 1-5cm, đầu lá nhọn phía cuống hơi hình tim. Cuống dài 1 – 4cm, mép có răng cưa thô, to. Hoa mọc thành vòng quanh thân ở đầu cành hay kẽ lá. Cánh hoa màu tím hay trắng. Mùa hoa tháng 6 – 7, mùa quả tháng 10 -11. Cây này cũng mọc ở nước ta nhưng ít phổ biến hơn loài trên.

hoắc hương

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây hoắc hương được trồng nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, chủ yếu lấy lá và cành làm thuốc nhiều nhất tại vùng Kim Sơn (Hà Nam), Hưng Yên. Tại Hà Nội, vườn thuốc Văn Điển có trồng thử. Thường trồng bằng giâm cành, vì cây không có hoa quả hiện việc nghiên cứu trồng chưa có kinh nghiệm chắc chắn.

Tại các nước khác tại vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi, hoắc hương được trồng rất quy mô để lấy lá cất tinh dầu.

Thu hoạch: Người ta thường thu hái dược liệu vào tháng 1– 6 trong năm. Sau đó, rửa sạch và đem phơi hoặc sấy nhẹ dược liệu cho tới khi khô.

Chế biến: Lá hoắc hương tươi đem thái nhỏ, sấy khô để dùng trong thang thuốc hoặc đem tán bột để làm hoàn tán.

Chiết xuất tinh dầu hoặc bào chế dưới dạng cao lỏng.

Bộ phận sử dụng của Hoắc hương

Hầu như các bộ phận của hoắc hương đều được sử dụng làm dược liệu. Nhưng trong đó, phần lá hoắc hương được sử dụng nhất. Người ta thường dùng phần lá hoắc hương có mùi thơm nồng để làm vị thuốc.

hoắc hương

Thành phần hóa học

Trong lá hoắc hương khô có chứa 0,5-0,6% tinh dầu. thành phần chủ yếu của tinh dầu hoắc hương là cồn patchouli C15H26O còn gọi là long não patchouli, chất aldehyde cinnamic, aldehyde benzoic, eugenol, cadinen C15H24, sesquiterpen và azulen.

Long não patchouli là một rượu bậc 3, kết tinh dưới dạng tinh thể hình lục lăng, có khi kết tinh ngay trong tinh dầu Trong tinh dầu cất từ lá cây mọc ở Hà Nội đã thấy cồn patchouli chiếm 32-38%. Ngoài ra còn 10 thành phần khác được phát hiện trong đó có α-bunesine và α-guaiene.

Có thể cất tinh dầu hoắc hương bằng lá tươi nhưng tỷ lệ thấp, thường tinh dầu chỉ xuất hiện trong lá khô hoặc lá để thành đống cho hơi lên men khô dần.

Hoạt chất khác chưa rõ

Tác dụng của Hoắc hương

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị cay, tính hơi ấm

Quy kinh: Tỳ, vị và phế

Công năng: Trừ thấp, tán nhiệt mùa hè, chống nôn

Chỉ định và phối hợp khi dùng hoắc hương:

Ứ thấp ở tỳ và vị, biểu hiện như đầy thượng vị và bụng, buồn nôn, nôn, và chán ăn: Dùng phối hợp với thương truật, hậu phác, bán hạ, dưới dạng bất hoán kim chính khí tán.

Tổn thương nội tạng do thức ăn sống và lạnh và bị phong hàn ngoại sinh vào mùa hè, biểu hiện như nghiến răng, sốt, đau đầu, đầy thượng vị, buồn nôn, nôn và ỉa chảy: Dùng phối hợp với tử tô diệp, bán hạ, hậu phác, trần bì dưới dạng hoắc hương chính khí tán.

Trong kỹ nghệ nước hoa, hoắc hương là một nguyên liệu quý vì tinh dầu hoắc hương (oil of patchouli) là một tinh dầu thơm và định hương cao cấp.

Liều lượng và cách dùng Hoắc hương

Dược liệu hoắc hương được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà liều lượng dược liệu cũng thay đổi từ 8 – 12g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Hoắc hương

1. Trị chứng nôn ói do thấp hàn bên trong

Bài 1:

Dùng lá hoắc hương, trần bì, chế bán hạ mỗi vị 10g, đinh hương 2g đem đi sắc uống. Thực hiện liên tục bài thuốc, mỗi ngày 1 lần cho đến khi dứt điểm triệu chứng.

Bài 2:

Hoắc hương, chế bán hạ mỗi vị 10g, trần bì, thương truật mỗi vị 6g đem đi sắc uống. Bài thuốc này có tác dụng cải thiện chứng viêm đường ruột thể hàn thấp.

Bài 3:

Đẳng sâm, hoắc hương, xích phục linh, thương truật, hậu phác mỗi vị khoảng 10g, trần bì, bán hạ mỗi vị 5g, cam thảo 3g, gừng tươi 3 lát đem sắc lấy nước uống. Sử dụng thuốc khi còn ấm.

2. Trị chứng ngoại cảm hàn thấp

Bệnh nhân thường có triệu chứng tức ngực, đau đầu, đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn, phân lỏng có thể tham khảo và áp dụng một số bài thuốc sau đây:

Bài 1:

Hoắc hương, đại phúc bì, khương bán hạ, phục linh mỗi vị 10g, bạch chỉ, tô tử, hậu phát, cát cánh, sinh khương mỗi vị 6g, trần bì 5g, cam thảo 3g, đại táo 10g đem đi sắc lấy nước uống.

Bài 2:

Hoắc hương, bội lan mỗi vị 10g cũng sắc lấy nước để uống. Bài thuốc này thích hợp sử dụng trị cảm thương hàn, đau nặng đầu, tức ngực, buồn nôn, biếng ăn,…

3. Điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm

Bệnh nhân viêm da cơ địa bội nhiễm có thể sử dụng hoắc hương độc vị hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác như hoàng tinh, đại hoàng, tao phàn để làm thuốc. Tán mịn các nguyên liệu thành bột mịn, sau đó trộn đều với nhau và đem ngâm với giấm khoảng 1 tuần. Lọc bỏ phần xác, dùng hỗn hợp này để ngâm tay và chân, mỗi lần ngâm khoảng 30 phút.

4. Cải thiện chứng đau bụng do đầy hơi

Dùng hậu phát, hoắc hương, mộc hương, chỉ thực mỗi vị 10g, sa nhân 5g, trần bì 3g để sắc lấy nước uống.

5. Trị chứng viêm xoang, viêm mũi dị ứng

Lấy khoảng 120g hoắc hương khô đem tán bột mịn, cho thêm mật heo với lượng vừa đủ để vo viên. Mỗi lần dùng khoảng 3g. Ngày sử dụng 2 lần với nước ấm. Kiên trì thực hiện khoảng 2 – 4 tuần.

6. Trị chứng khó tiêu, bụng sôi

Dùng hoắc hương, hoa cây đại, thạch xương bồ mỗi vị 12g, bưởi đào đốt cháy khoảng 6g. Tất cả nguyên liệu đem đi tán mịn, mỗi lần dùng khoảng 2g vào trước bữa ăn khoảng 20 phút. Ngày sử dụng 3 lần.

Ngoài ra, có thể sử dụng hoắc hương dưới dạng hãm trà để uống theo liều lượng đã chỉ định trên. Tuy không mang lại hiệu quả điều trị bệnh dứt điểm nhưng hoắc hương có khả năng cải thiện bệnh khá tốt.

Lưu ý khi sử dụng Hoắc hương

Dược liệu này còn làm ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp, nhất là đối với những người có huyết áp thấp. Đừng nên sử dụng dược liệu này trước khi thực hiện đo huyết áp.

Không sử dụng hoắc hương trước khi phẫu thuật khoảng 2 tuần.

Thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhịp tim, xét nghiệm gan định kỳ để theo dõi tình trạng độc tố tích tụ trong gan.

Bảo quản Hoắc hương

Dược liệu hoắc hương sau khi sơ chế thì cho vào túi hoặc lọ đậy kín nắp, bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh nơi có độ ẩm cao.

 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Hoắc hương. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Hoắc hương

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn