lcp

Insulin detemir


Hoạt chất: Insulin detemir

Loại thuốc: Hormon làm hạ glucose máu - hormon điều trị đái tháo đường (insulin).

Dạng thuốc và hàm lượng: Ống tiêm hoặc bút tiêm thể tích 3ml chứa 300 đơn vị insulin detemir (1 ml dung dịch chứa 100 đv insulin detemir tương đương 14,2 mg).

Dược lý

Dược lực học

Thuốc có nguồn gốc sinh tổng hợp tương tự insulin người được điều chế bằng công nghệ tái tổ hợp DNA trên Saccharomyces cerevisiae biến đổi gen. Insulin detemir khác về cấu trúc với insulin người: mất threonin ở vị trí 30 trên chuỗi B và ở chỗ acyl hóa lysin ở vị trí 29 trên chuỗi B với acid myristic - một acid béo 14 C.

Insulin kích thích chuyển hóa carbohydrate ở mô cơ - xương, tim và mỡ bằng cách tăng vận chuyển glucose vào trong tế bào. Mô thần kinh, hồng cầu, và các tế bào ở ruột, gan và ống thận không cần insulin để vận chuyển glucose. Ở gan, insulin tạo thuận lợi cho phosphoryl hóa glucose thành glucose-6-phosphat, chất này được chuyển thành glycogen hoặc chuyển hóa tiếp.

Insulin cũng tác dụng trực tiếp đến chuyển hóa mỡ và protein.

Dược động học

Hấp thu

Insulin do bản chất là một protein nên bị phá hủy ở đường tiêu hóa.

Tốc độ hấp thu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đường dùng (tiêm bắp hấp thu nhanh hơn tiêm dưới da), vị trí tiêm, thể tích và nồng độ thuốc và loại thuốc insulin. Hấp thu có thể bị chậm và/hoặc giảm do có kháng thể gắn vào insulin, kháng thể này phát triển ở tất cả người bệnh sau 2 - 3 tuần điều trị insulin.

Phân bố

Thể tích phân bố rộng (khoảng 0,1 L/kg).

Chuyển hóa

Chuyển hóa nhanh chủ yếu ở gan do enzym glutathion insulin transhydrogenase và ở một mức độ ít hơn ở thận và mô cơ. 60% được chuyển hóa ở tế bào lót ống lượn gần.

Thải trừ

Thời gian bán thải từ 5 đến 7 giờ tùy thuộc vào liều lượng.

Chỉ định của Insulin detemir

Đái tháo đường type I ở người lớn và trẻ em ≥ 1 tuổi.

Đái tháo đường type II khi đã áp dụng các biện pháp giảm cân, điều chỉnh chế độ ăn, và/hoặc dùng thuốc điều trị đái tháo đường nhưng không duy trì được nồng độ glucose huyết.

Đái tháo đường type II đang ổn định nhưng phải đại phẫu, sốt, chấn thương nặng, nhiễm khuẩn, loạn chức năng thận hoặc gan, cường giáp, hoặc các rối loạn nội tiết khác, bệnh Raynaud.

Phụ nữ mắc đái tháo đường trong thời gian mang thai hoặc phụ nữ mang thai mới phát hiện đái tháo đường.

Đái tháo đường ở lần điều trị khởi đầu nếu mức HbA1C > 9,0% và glucose máu lúc đói > 15,0 mmol/lít.

Chống chỉ định Insulin detemir

Quá mẫn với hoạt chất insulin hoặc với tá dược của thuốc.

Hạ glucose huyết.

Thận trọng khi dùng Insulin detemir

Trước khi di chuyển giữa các vùng có múi giờ khác nhau, bệnh nhân nên xin ý kiến ​​của bác sĩ vì điều này có thể việc bệnh nhân phải dùng insulin và các bữa ăn vào các thời điểm khác nhau.

Nguy cơ hạ glucose huyết tăng ở người đái tháo đường type I, bệnh thần kinh thực vật hoặc ăn uống thất thường nhất là sau bữa tiệc hoặc đang dùng liệu pháp tăng cường insulin hoặc luyện tập mà không điều chỉnh liều insulin. Hạ glucose huyết cũng có thể xảy ra do hấp thu insulin nhanh (như nhiệt độ ở da tăng lên do tắm nắng hoặc tắm nước nóng) hay do tăng nhạy cảm với insulin kèm với suy vỏ tuyến thượng thận thứ phát.

Phải thận trọng khi chuyển dùng typ insulin khác (nhanh, isophan, kẽm, v.v.), nhãn mác (nhà sản xuất), loại (động vật, người, thuốc tương tự insulin người), phương pháp sản xuất (tái tổ hợp DNA hoặc nguồn gốc động vật). Xem xét tính cần thiết của việc chỉnh liều.

Tăng đường huyết: Việc điều trị bằng insulin không đủ liều hoặc không liên tục, đặc biệt trong đái tháo đường type I, có thể dẫn đến tăng đường huyết và nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của tăng đường huyết phát triển dần dần trong khoảng thời gian vài giờ hoặc vài ngày. Các triệu chứng tăng đường huyết bao gồm khát nước, tăng số lần đi tiểu, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, da khô đỏ bừng, khô miệng, chán ăn cũng như hơi thở có mùi axeton.

Phản ứng tại chỗ tiêm: có thể phản ứng tại chỗ tiêm và bao gồm đau, đỏ, nổi mề đay, viêm, thâm tím, sưng và ngứa. Thay đổi liên tục chỗ tiêm trong vùng tiêm có thể giúp làm giảm hoặc phòng tránh các phản ứng trên. Các phản ứng trên thường qua đi trong vài ngày đầu sử dụng. Trường hợp hiếm gặp, phản ứng tại chỗ tiêm có thể cần phải ngừng sử dụng thuốc.

Rối loạn da và mô dưới da: Luân phiên liên tục vị trí tiêm để giảm nguy cơ phát triển chứng loạn dưỡng mỡ và bệnh amyloidosis ở da.

Sử dụng insulin có thể hình thành kháng thể kháng insulin. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sự hiện diện của các kháng thể insulin như vậy có thể cần điều chỉnh liều insulin để điều chỉnh xu hướng tăng hoặc hạ đường huyết.

Có một số dữ liệu cho thấy bệnh nhân bị hạ albumin máu nặng. Theo dõi cẩn thận được khuyến cáo ở những bệnh nhân này.

Phụ nữ có thai

Tích cực kiểm soát, theo dõi phụ nữ mang thai bị đái tháo đường trong suốt quá trình mang thai và khi dự định có thai. Nhu cầu insulin thường giảm trong ba tháng đầu thai kỳ và tăng lên trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ.

Thông báo cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ về nguy cơ mang thai ngoài kế hoạch, biện pháp tránh thai thích hợp cho đến khi kiểm soát được glucose huyết.

Phụ nữ cho con bú

Insulin không qua sữa mẹ và dùng an toàn khi cho con bú. Nhu cầu về insulin của người mẹ có thể giảm xuống trong thời kỳ cho con bú.

Liều dùng và cách dùng Insulin detemir

Cách dùng

Tiêm dưới da.

Các vị trí có thể tiêm: Vùng đùi, cánh tay trên, mông hoặc bụng.

Nếu dùng loại kim tiêm và lọ insulin, kích cỡ kim phải phù hợp với nồng độ insulin. Tiêm ở nhiệt độ phòng, tiêm kéo dài trong ít nhất 6 giây. Cần thay đổi vị trí tiêm để bất cứ vị trí tiêm nào cũng không quá một mũi cách nhau 1 - 2 tuần.

Người lớn

Type I:

Với bệnh nhân chưa từng dùng insulin:

  • Liều khởi đầu: Một phần ba tổng nhu cầu insulin hàng ngày, tiêm dưới da 1-2 lần/ngày. (thường là 0,2 - 0,4 đơn vị/kg).
  • Liều duy trì: Điều chỉnh theo nhu cầu chuyển hóa, đo đường huyết và mục tiêu đường huyết, giám sát bằng cách đo đường huyết bệnh nhân nhiều lần trong ngày.

Với bệnh nhân chuyển đổi từ các liệu pháp Insulin khác:

  • Nếu đã từng dùng Insulin glargine hay insulin NPH, có thể được chuyển đổi từ đơn vị này sang đơn vị khác; theo dõi chặt chẽ đường huyết trong quá trình chuyển đổi và trong những tuần đầu tiên sau đó, có thể cần điều chỉnh liều lượng và tần suất của insulin tác dụng ngắn.

Type II:

  • Liều khởi đầu 10 đơn vị hoặc 0.1 - 0.2 UI/kg chia 1-2 lần/ngày, có thể tăng 2 đơn vị cách nhau 3 ngày nếu cần.
  • Liều duy trì: Điều chỉnh theo nhu cầu trao đổi chất, đo đường huyết và mục tiêu đường huyết.

Trẻ em

Đái tháo đường type I và ≥ 2 tuổi, chưa từng dùng insulin:

  • Liều khởi đầu: Một phần ba tổng nhu cầu insulin hàng ngày, tiêm dưới da 1-2 lần/ngày (thường là 0,2 - 0,4 đơn vị/kg).
  • Liều duy trì: Điều chỉnh theo nhu cầu chuyển hóa, đo đường huyết và mục tiêu đường huyết, giám sát bằng các đo đường huyết bệnh nhân nhiều lần trong ngày.

Với bệnh nhân chuyển đổi từ các liệu pháp Insulin khác:

  • Nếu đã từng dùng Insulin glargine hay insulin NPH, có thể được chuyển đổi từ đơn vị này sang đơn vị khác; theo dõi chặt chẽ đường huyết trong quá trình chuyển đổi và trong những tuần đầu tiên sau đó, có thể cần điều chỉnh liều lượng và tần suất của insulin tác dụng ngắn.

Đối tượng khác

  • Bệnh nhân suy gan, suy thận: Sử dụng thận trọng; theo dõi glucose thường xuyên để điều chỉnh liều insulin.
  • Nhu cầu insulin có thể tăng trong thời gian bị bệnh, căng thẳng, mang thai, béo phì, chấn thương, khi sử dụng đồng thời với các loại thuốc có tác dụng tăng đường huyết, hoặc sau phẫu thuật
  • Nhu cầu insulin có thể giảm khi tập thể dục, giảm cân, chế độ ăn kiêng hạn chế calo, hoặc trong quá trình sử dụng đồng thời các loại thuốc có tác dụng hạ đường huyết.

Tác dụng không mong muốn

Thường gặp

Hạ glucose huyết.

Ít gặp

Tăng glucose huyết phản ứng (tăng glucose huyết sau hạ glucose huyết, hiệu ứng somogyi), hiện tượng bình minh.

Dị ứng ban đỏ, ngứa ở chỗ tiêm, phát triển mô mỡ (thường do tiêm thuốc dưới da nhiều lần tại một vị trí).

Hiếm gặp

Kháng insulin, toàn thân: nổi mày đay, phản ứng phản vệ, phù mạch, hạ kali huyết, teo mô mỡ ở chỗ tiêm thuốc dưới da.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Hạ glucose huyết với các triệu chứng nhược cơ, cảm giác đói, vã mồ hôi toàn thân, nhức đầu, run, rối loạn thị giác, dễ bị kích thích, lú lẫn và rồi hôn mê do hạ đường huyết.

Cách xử lý khi quá liều

Hạ glucose huyết nhẹ (vã mồ hôi, nhợt nhạt, đánh trống ngực, run, nhức đầu, thay đổi hành vi) có thể cho ăn thức ăn chứa carbohydrat (bánh ngọt, viên đường, kẹo) hoặc uống (nước ép trái cây, cam).

Hạ glucose huyết nặng (hôn mê, co giật) đòi hỏi phải điều trị bằng glucagon hoặc dung dịch glucose tĩnh mạch.

Hạ glucose huyết nặng ít xảy ra nhưng nghiêm trọng, phải có sẵn một lọ glucagon trong gia đình để tiêm trong trường hợp cấp cứu. Nếu người bệnh không đáp ứng hoặc không có glucagon, phải cho khoảng 10 - 25 g glucose dưới dạng dung dịch glucose tiêm tĩnh mạch 50%, 20 - 50 ml.

Trong trường hợp nặng có thể cần glucose tĩnh mạch liều cao hơn hoặc lặp lại nhiều lần. Tiếp tục truyền glucose tĩnh mạch liên tục 5 - 10 g/giờ để duy trì nồng độ glucose huyết thỏa đáng cho tới khi người bệnh tỉnh và ăn được. Để phòng phản ứng hạ glucose huyết, phải cho ăn ngay carbohydrat khi người bệnh tỉnh.

Ở trẻ em và thiếu niên bị hạ glucose huyết nặng, glucagon với liều 30 microgam/kg tiêm dưới da, tối đa 1 mg (1 đơn vị) làm tăng nồng độ glucose huyết trong 5 - 10 phút nhưng có thể gây nôn, buồn nôn.

Tương tác thuốc

Dùng chung các thuốc có thể gây hạ đường huyết quá mức: Thuốc uống trị tiểu đường, thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, chất ức chế monoamine oxidase (MAOI), thuốc chẹn beta, chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE), salicylat, steroid đồng hóa và sulfonamid.

Dùng chung các thuốc sau có thể giảm khả năng kiểm soát đường huyết: Uống thuốc tránh thai, thiazide, glucocorticoid, hormone tuyến giáp, thuốc cường giao cảm, hormone tăng trưởng và danazol.

Thuốc chẹn beta có thể che dấu các triệu chứng của hạ đường huyết.

Octreotide / lanreotide có thể làm tăng hoặc giảm nhu cầu insulin.

Rượu có thể tăng cường hoặc làm giảm tác dụng hạ đường huyết của insulin.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn