lcp

Long Đởm


Long đởm hay còn gọi là Long đởm thảo thuộc họ Long đởm (Gentianaceae) có danh pháp khoa học là Gentiana scabra Bunge. Trong y học, Long đởm có tác dụng kích thích sự bài tiết dịch tiêu hoá, làm khỏe dạ dày. Ngoài công dụng giúp sự tiêu hoá, long đởm thảo còn tác dụng chữa sốt, đau mắt đỏ nhức, an thần kinh.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Long đởm sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Long đởm cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Long Đởm

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Long đởm thảo
  • Tên khoa học: Gentiana scabra Bunge
  • Họ:  họ Long đởm (Gentianaceae).
  • Công dụng: Dùng làm thuốc giúp sự tiêu hoá, thuốc bổ đắng; làm cho đại tiện dễ dàng mà không gây ỉa lỏng.

Mô tả cây Long đởm

Cây long đởm là một loại cỏ sống lâu năm, cao 35-60cm. Thân rễ ngắn, rễ nhiều, đường kính 2-3mm, vỏ ngoài màu vàng nhạt. thân mọc đứng, đơn độc hay 2-3 cành, đốt thường ngắn hơn so với chiều dài của lá. Lá mọc đối không cuống, lá phía dưới thân nhỏ, phía trên to rộng hơn, dài từ 3-8cm, rộng từ 0,4-3cm. Hoa hình cuống màu lam nhạt hay sẫm, mọc thành chùm không cuống ở đầu cành hoặc kẽ những lá phía trên.

Mùa hoa tháng 9-10, mùa quả tháng 10.

Long Đởm

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Hiện nay vẫn phải nhập của Trung Quốc. Tại Trung Quốc cây này mọc ở Hắc Long Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông. Qua sự phân bố ở Trung Quốc ta có thể chú ý tìm ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh.

Thu hoạch: Thu hái vào mùa thu hoặc xuân, mùa thu tốt nhất. 

Chế biến: Hái về rửa sạch đất cát, phơi khô. 

Đào rễ đem về phơi râm. Khi dùng lấy dao bằng đồng cắt bỏ hết lông, thái nhỏ, tẩm nước cam thảo 1 đêm, phơi khô.

Dùng dao bằng đồng cắt bỏ cuống, rửa rượu, phơi khô hoặc ngâm nước cam thảo 1 đêm, phơi khô, để dành dùng dần.

Bỏ cuống, dùng rễ, thái nhỏ, sao với rượu hoặc ngâm nước Cam thảo 1 đêm, gạn nước đi, phơi khô, để dùng.

Rửa sạch, phơi khô. Thái từng khúc ngắn 2-3cm (dùng sống). Tẩm rượu dùng có thể sao qua hoặc không sao.

Bộ phận sử dụng của Long đởm

Rễ cây sau khi thu hoạch. Long đởm đầu rễ nhỏ, bên dưới có chùm, chừng vài chục rễ nhỏ, mọc thành cụm nhỏ dài thẳng hoặc hơi cong, dài 10-20cm, đường kính 0,1-0,3cm, mặt ngoài màu vàng hoặc nâu vàng, phần trên có vân vòng tròn nổi lên rất dày, toàn bộ có đường nhăn dọc. Chất giòn, dễ bẻ gãy. Mặt cắt ngang chỗ gãy hình tròn hoặc giống hình tam giác, mép cong, màu trắng vàng hoặc nâu vàng, giữa ruột có mấy đường gan lốm đốm hoa. Không mùi, vị rất đắng.

Long Đởm

Thành phần hóa học

Trong long đởm có một glucozit đắng chừng 2% gọi là gentiopicrin C16H20O9 và một chất đường gọi là gentianoza C18H32O16 chừng 4%.

Thuỷ phân gentiopicrin ta sẽ được gentiogenin C10H10O4 và glucoza Gentianoza gồm hai phân tử glucoza và một phân tử fructoza

Tác dụng của Long đởm

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ, long đởm vị đắng tính hàn, vào 3 kinh can, đởm và bàng quang. Có tác dụng tả can đởm thực hỏa, thanh hạ tiêu thấp nhiệt, có tính chất thu sáp. Những người tỳ vị hư nhược, đi tả và không thấp nhiệt, không thực hoả thì không dùng được.

Long đởm thảo được dùng làm thuốc giúp sự tiêu hoá, thuốc bổ đắng; làm cho đại tiện dễ dàng mà không gây ỉa lỏng. 

Ngoài công dụng giúp sự tiêu hoá, long đởm thảo còn tác dụng chữa sốt, đau mắt đỏ nhức, an thần kinh

Theo y học hiện đại

Theo Ebeling, long đởm thảo có tác dụng phòng sự lên men, uống ít (1/2 giờ trước bữa ăn) có tác dụng kích thích sự bài tiết dịch tiêu hoá, làm khỏe dạ dày; ngược lại uống sau khi ăn cơm hay uống quá nhiều, lại làm cho tiêu hoá kém sút, nhức đầu, hoa mắt, mặt đỏ.

Theo nội điền trang thái lang (Nhật Bản, 1938), nghiên cứu tác dụng chất đắng của long đởm thảo trên dạ dày nhỏ của chó thì thấy cho chó uống long đởm thảo sự bài tiết dịch vị tăng tiến và lượng axit tự do cũng tăng hơn.

Liều lượng và cách dùng Long đởm

Liều dùng hàng ngày 2-3g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc rượu.

Bài thuốc chữa bệnh từ Long đởm

Trị trẻ nhỏ bị kinh giản nhập tâm, sốt cao, nóng trong xương, sốt theo mùa, miệng lở:

Long đởm thảo, Bạch thược, Cam thảo, Phục thần, Mạch môn, Mộc thông, sắc uống.

Trị chứng cốc đản:

Long đởm thảo, Khổ sâm, Ngưu đởm, sắc uống (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

Trị thấp nhiệt làm tổn thương phần huyết, vào đại trường gây ra đi tiêu ra máu:

Uống nhiều Long đởm thảo sẽ khỏi (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

Trị dạ dày đau, ăn uống khó tiêu, bụng đầy:

Long đởm thảo 0,5g, Hoàng bá 0,5g, Sinh khương 0,3g, Quế chi 0,3g, Hồi hương 0,3g, Kê nội kim 0,5g, Sơn tra (sao cháy) 1g. Tán bột, trộn đều, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Trị mắt đỏ, mắt sưng đau, miệng đắng, tai ù, hông sườn đau, gân yếu, sốt cao co giật, thận viêm cấp:

Long đởm thảo, Hoàng cầm, Chi tử, Trạch tả, Mộc hương, Xa tiền tử, Đương quy đều 12g, Sài hồ 8g, Cam thảo 4g, Sinh địa 16g. Sắc uống.

Trị gan viêm cấp thể vàng da:

Long đởm thảo 16g, Uất kim 8g, Hoàng bá 8g. Sắc uống.

Lưu ý khi sử dụng Long đởm

Một số lưu ý khi sử dụng Long đởm (Rễ và Thân rễ):

Chứng hư hàn, tỳ vị hư nhược, ỉa chảy và không có thực hỏa thấp nhiệt thì không nên dùng.

Vị thuốc long đởm thảo rất đắng. Không nên dùng lâu dài dễ ảnh hưởng tới việc ăn uống.

Liều lượng và thời gian dùng thuốc: Long đởm thảo giúp kích thích tiêu hóa nhưng không nên dùng quá liều. Thêm vào đó, thuốc nên được uống trước khi ăn. Lưu ý không nên uống quá liều vì nhiều khi sẽ gây tác dụng ngược lại, khiến người uống tiêu hoá kém, nhức đầu, chóng mặt, đỏ mắt.

Ngoài loại Long đởm kể trên, người ta còn dùng rễ và thân rễ đã phơi hay sấy khô của các loại cây long đởm sau như điều diệp long đởm (Gentiana manshurica Kitag.), tam hoa long đởm (Gentiana triflora Pall.) hoặc kiên long đởm (Gentiana rigescens Franch.) cũng đều thuộc họ Long Đởm.

Bảo quản Long đởm

Phơi khô dưới bóng râm, đóng gói trong bao bì và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Long đởm. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này cũng như có cách sử dụng Long đởm thật hợp lí và an toàn cho sức khỏe của bạn.

Sản phẩm có thành phần Long đởm

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn