lcp

Lựu


Lựu hay còn được gọi là An thạch lựu thuộc họ Lựu (Punicaceae) có danh pháp khoa học là Punica granatum L.. Trong y học, Lựu thường được dùng để trị giun sán rất hiệu quả. Ngoài công dụng trị sán, vỏ rễ và vỏ thân còn được dùng làm thuốc ngậm chữa đau răng.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Lựu sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Lựu cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Lựu

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Lựu, An thạch lựu, Mác lìu (Tày)
  • Tên khoa học: Punica granatum L.
  • Họ: họ Lựu (Punicaceae) 
  • Công dụng: Lỵ, ỉa chảy (Vỏ sắc uống). Sán (Rễ sắc uống).

Mô tả cây Lựu

Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 2 – 3 m. Thân màu xám, có vỏ mỏng. Cành mảnh đôi khi có gai. Lá mọc đối, nhưng thường tụ họp thành cụm nhiều lá, cuống ngắn, hình mác thuôn, dài 5 – 6cm, rộng 1-2 cm, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng; lá kèm rất nhỏ, hình chỉ.

Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu đỏ hoặc màu vàng, loại màu trắng là bạch lựu; đài 6 phiến dày, màu đỏ nhạt, hàn liền thành ống ngắn ở phần dưới; tràng 6 cảnh mỏng, nhăn nheo, nhị rất nhiều; bầu có 2 tầng, tầng trên 6 – 7 ô, tầng dưới 3 – 4 ô; noãn rất nhiều.

Quả mọng, to bằng nắm tay, có đài tồn tại ở đỉnh, khi chín màu vàng đốm đỏ nâu; hạt màu hồng, có vỏ ngoài mọng nước thành một lớp cơm trong, ăn được.

lựu đỏ

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Chi Punica L. được biết đến trước hết là loài lựu cho quả ăn được. Ngoài ra, còn một loài khác là p.protopunica Balf.f mọc hoang dại ở vùng Nam Á hay Trung Á, nhưng ít được nhắc tới. Gần đây, ở Việt Nam cây p.granatum L. var. nana Person được nhập trồng, vì có hoa đẹp, không kết quả, để làm cảnh.

Lựu có nguồn gốc ở Iran và Afghanistan, hiện nay được trồng rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, đặc biệt ở các nước vùng Nam Á, Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản. Ở Việt Nam, lựu cũng là cây ăn quả quen thuộc trong nhân dân. Cây được trồng nhiều ở các tỉnh phía nam và một số tỉnh ở đồng bằng trung du Bắc Bộ. 

Thu hoạch: Vỏ thân, vỏ rễ, thu hái quanh năm. Quả hái vào tháng 7

Chế biến: Đào rễ bóc lấy vỏ, bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng đem vỏ khô đồ cho mềm, thái mỏng, sao qua 

Bộ phận sử dụng của Lựu

Vỏ quả, thường là thạch lựu bìvỏ cây, vỏ rễ, thịt quả cũng được sử dụng.

lựu đỏ

Thành phần hóa học

Vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ có độ 22% chất tanin. Ngoài ra còn có 0,5-0,7% alcaloid toàn phần là pelletierin, isopelletierin, methylpelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alcaloid có hoạt tính trị giun cao. Đây là thuốc độc bảng A. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alcaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn.

Vỏ quả có 28% chất tanin và granatin, acid betulic, acid ursolic và isoquercetin. Dịch quả chứa axit citric, axit malic và các chất đường glucose, fructose, maltose.

Tác dụng của Lựu

Theo y học cổ truyền

Vỏ quả có tác dụng chỉ huyết, chỉ tả, sáp trường và khu trùng. Chủ trị chứng lỵ mãn tính, tả lâu ngày, đau bụng do nhiễm giun sán, chảy máu âm đạo/ tử cung, sa trực tràng, lòi dom (thoát giang) và có máu trong phân.

Vỏ rễ và vỏ thân có tác dụng trừ sán, sát trùng được dùng để chữa nhiễm giun sán. Ngoài ra vỏ rễ còn có tác dụng tương tự thạch lựu bì nhưng có tác dụng sát trùng mạnh hơn nên thường được dùng để chữa chứng đau bụng do nhiễm khuẩn.

Quả lựu có tác dụng chỉ khát, sinh tân (tăng thủy dịch trong cơ thể). Nếu dùng quả lựu chua thì có thêm tác dụng làm săn niêm mạc ruột (sáp trường), hoạt tả, cầm máu. Thường dùng để trị chứng đau bụng do nhiễm ký sinh trùng, kiết lỵ lâu ngày, ỉa chảy, khí hư, băng lậu và đới hạ.

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng khuẩn: Dược liệu có tác dụng ức chế trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, liên cầu khuẩn, vi khuẩn lao, virus cúm và một số loại nấm gây bệnh ở người.

Tác dụng chống ký sinh trùng: Hoạt chất pelletierine trong vỏ quả lựu có tác dụng ức chế giun móc.

Tác dụng ức chế tế bào ung thư: Các thành phần chống oxy hóa trong quả lựu có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng của tế bào ung thư.

Tác dụng đối với tim mạch: Nước ép từ quả lựu có tác dụng giảm nồng độ cholesterol và tăng cường lưu lượng máu tuần hoàn trong động mạch vành tim. Do đó quả lựu có tiềm năng được sử dụng để phòng ngừa và điều trị chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.

Tác dụng đối với da: Tannin trong thạch lựu có tác dụng làm săn da và sát trùng, kháng khuẩn mạnh.

Độc tính: Sử dụng alkaloid trong thạch lựu với liều cao có thể gây ngưng thở và chết súc vật thực nghiệm. Nếu dùng liều thấp hơn có thể gây mệt mỏi, cảm giác châm chích, chóng mặt, giật đùi/ chân, rối loạn thị giác,… Dùng liều cao có thể gây buồn ngủ, hoa mắt, tiêu chảy, chóng mặt, nôn mửa, đau đầu và giãn đồng tử.

Tác dụng chống viêm mãn tính: Lựu là một trong những loại trái cây chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào. Một số nghiên cứu khoa học cũng đã cho thấy, loại quả này có tác dụng ngăn ngừa hiện tượng viêm mãn tính, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, ung thư, bệnh tiểu đường, Alzheimer,…

Tác dụng phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt: Chiết xuất từ quả lựu có tá dụng làm chậm và tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Tác dụng hạ huyết áp: Uống nước ép từ quả lựu thường xuyên có thể hạ huyết áp đáng kể.

Hỗ trợ điều trị viêm khớp: Các hợp chất chống oxy trong quả lựu như axit punic, punicalagins, quercetin có thể kiểm soát hiện tượng viêm ở khớp và hạn chế các triệu chứng đau nhức phát sinh.

Hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương: Lựu có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương do giảm lưu lượng máu. Theo các chuyên gia, loại quả này có thể làm giãn mạch và thúc đẩy tuần hoàn máu đến dương vật.

Tác dụng chống nấm: Hợp chất thực vật trong quả lựu có tác dụng chống lại hoạt động của nấm Candida albicans (một loại vi nấm gây nhiễm trùng âm đạo, dạ dày và da).

Liều lượng và cách dùng Lựu

Thạch lựu được sử dụng chủ yếu ở dạng sắc uống với liều lượng 15 – 30g/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ Lựu

1. Bài thuốc chữa ho do nhiễm khí lạnh

Chuẩn bị: Đường phèn 15g, hoa lựu trắng tươi 24 hoa.

Thực hiện: Đem sắc với 500ml trong 15 – 20 phút đến khi còn 150ml. Chia thành 2 lần uống, dùng bài thuốc liên tục trong 7 – 10 ngày.

2. Bài thuốc chữa chứng chảy máu cam

Chuẩn bị: Hoa lựu.

Thực hiện: Rửa sạch rồi đem sắc với 250ml nước còn lại 100ml. Mỗi lần uống 50ml, ngày dùng 2 lần. Mỗi liệu trình kéo dài 5 – 7 ngày, có thể lặp lại liệu trình nếu triệu chứng chưa thuyên giảm.

3. Bài thuốc chữa mẩn ngứa và nổi mề đay do nhiệt

Chuẩn bị: Bèo cái, bồ công anh, thạch lựu bì, thổ phục linh, ké đầu ngựa, hà thủ ô mỗi vị 12g, cam thảo đất, mã đề và thuyền thoái mỗi vị 8g.

Thực hiện: Cho tất cả dược liệu vào nồi ngâm với 750ml trong vòng 15 phút sau đó sắc còn 200ml. Mỗi lần uống 100ml trước khi ăn, ngày dùng 2 lần. Mỗi liệu trình kéo dài từ 3 – 5 ngày.

4. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm tiền liệt tuyến

Chuẩn bị: Thịt lợn lượng vừa đủ và hoa lựu tươi 30g.

Thực hiện: Nấu canh ăn hàng ngày.

5. Bài thuốc tẩy giun tóc, giun kim và giun đũa

Chuẩn bị: Binh lang 10g và thạch lựu bì 15g.

Thực hiện: Sắc 3 lần, sau đó hòa nước sắc rồi cô lại còn 100ml. Thêm 20g đường vào rồi dùng uống sau khi ăn tối khoảng 3 giờ, sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 3 ngày.

6. Bài thuốc trị nhiễm sán dây

Chuẩn bị: Hạt cau 40g, vỏ rễ lựu tươi 60g và nước 750ml.

Thực hiện: Cho dược liệu vào nồi đất ngâm trong vòng 6 giờ rồi đem sắc còn 500ml. Gạn lấy nước và chia thành 2 lần uống, dùng trước khi ăn sáng, liều sau uống cách liều đầu 30 phút. Sau khi uống thuốc khoảng 2 giờ thì bụng sẽ cồn cào và khó chịu, lúc này uống 1 liều thuốc tẩy đợi đến khi có cảm giác muốn đại tiện thì ngâm giang môn vào chậu nước ấm để sán ra hết.

Lưu ý: Khi uống thuốc cần nằm nghỉ tại giường và nhắm mắt.

7. Bài thuốc trị bệnh viêm phế quản mãn tính và lao phổi ở người già

Chuẩn bị: Quả lựu tươi chưa chín 1 quả.

Thực hiện: Trước khi đi ngủ, bóc vỏ và ăn hạt lựu.

8. Bài thuốc ngăn ngừa chứng đổ nhiều mồ hôi vào mùa hè

Chuẩn bị: Hạt lựu tươi.

Thực hiện: Đem nấu canh với thịt heo, thịt bò và các loại rau thông thường.

Lưu ý khi sử dụng Lựu

Không sử dụng rễ lựu cho người có thực tà, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có sức khỏe yếu.

Vỏ rễ có độc tính nên tránh dùng cho người có vấn đề về dạ dày.

Tránh dùng củ cải trong thời gian dùng bài thuốc từ cây thạch lựu.

Không sử dụng đồng thời với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp. Nếu có ý định sử dụng nên tham vấn y khoa để được hiệu chỉnh liều dùng.

Không dùng độc vị thạch lựu bì cho trường hợp tả lỵ mới phát.

Bảo quản Lựu

Bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá hai năm.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Lựu. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này và có cách sử dụng dược liệu một cách an toàn và hợp lý nhất.

Sản phẩm có thành phần Lựu đỏ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn