lcp

Cây Ngải Cứu: Tác dụng và cách dùng Ngải Cứu trị bệnh


Ngải cứu hay còn được gọi là Cây thuốc cứu, Ngải diệp, Quả sú (Hmông), Nhả ngải (Tày), Ngỏi (Dao), cỏ Linh ly (Thái),... thuộc họ Cúc với danh pháp khoa học là Asteraceae. Trong y học, Ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giúp giảm đau, cầm máu, hỗ trợ lưu thông khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, sát trùng.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Ngải cứu sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Ngải cứu cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

ngải cứu

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cây Ngải cứu, Cây thuốc cứu, Ngải diệp, Quả sú (Hmông), Nhả ngải (Tày), Ngỏi (Dao), cỏ Linh ly (Thái).
  • Tên khoa học: Artemisia vulgaris L.
  • Họ: Asteraceae (Cúc).
  • Công dụng: điều hòa kinh nguyệt, giúp giảm đau, cầm máu, hỗ trợ lưu thông khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, sát trùng.

Mô tả cây Ngải cứu

Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,4-1m. Thân cành mọc sum sê, có rãnh và lông nhỏ.

Lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến tận gốc, dính vào thân như có bẹ, các thùy hình mác hẹp, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới phủ đầy lông trắng.

Hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chùm kép, mang nhiều đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt; tổng bao gồm những lá bắc nguyên giống như những vảy có lông; đầu mọc chúc xuống cùng phía, hình trứng cụt, mang hoa cái hoặc hoa lưỡng tính trên cùng 1 cụm hoặc những cụm khác nhau; thường hoa cái chiếm nhiều hơn; hoa không có mào lông, tràng hoa cái có ống mảnh, cụt hoặc có hai răng ở đầu, tràng hoa lưỡng tính hình phễu, có 5 thùy uốn cong ra phía ngoài; nhị 5.

Quả bế, thuôn nhỏ, không có túm lông.

Toàn cây có mùi thơm hắc.

Mùa hoa quả: tháng 10-12.

cây ngải cứu

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Ngải cứu có nguồn gốc từ vùng ôn đới ấm châu Âu hoặc châu Á, hiện nay cây được trồng và trở nên hoang dại hóa ở vùng nhiệt đới Nam Á, Đông – Nam Á và Ấn Độ, Pakistan, Srilanka, Bangladesh, Lào, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc …Ở Việt Nam, cây được trồng từ lâu đời trong nhân dân từ nam đến bắc. Ở độ cao từ khoảng 800m trở lên, có cây ngải dại mọc tự nhiên rất nhiều ở tỉnh Lào Cai( Sapa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Than Uyên); Lai Châu ( Phong Thổ, Sìn Hồ, Tuần Giáo, Tủa Chùa); Yên Bái (Mù Cang Chải); Cao Bằng (Trùng Khánh, Bảo Lạc); Lạng Sơn (Vùng Mẫu Sơn); Hòa Bình (Mai Châu) và Hà Giang…chính ngải dại nguồn dược liệu được khai thác thường xuyên, mỗi năm phải đến 1000 tấn để sản xuất thuốc. Còn Ngải cứu trồng chỉ được sử dụng tại chỗ, trong phạm vi nhân dân.

Ngải cứu là cây ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng, thường được trồng phân tán trong các vườn gia đình, hay các vườn thuốc của các cơ sở y học dân tộc. Cây mọc thành từng khóm, nếu không bị thu hái, tỉa thưa sẽ nhanh chóng bò lan tạo thành đám lớn khó phân biệt giữa các cá thể. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa xuân - hè; về mùa đông, phần thân cành trên mặt đất có hiện tượng tàn lụi một phần. Ngải cứu ra hoa quả nhiều hàng năm, song hạt không được sử dụng để gieo trồng.

Thu hoạch: thường hái cành và lá vào tháng 6 (gần tương ứng với tết mồng 5 tháng 5 âm lịch), phơi khô trong dâm mát.

Chế biến: rửa sạch lá, thái nhỏ và phơi trong bóng râm cho khô. Hoặc chế biến như sau:

Ngải diệp sao: Dùng lửa nhỏ, sao lá ngải cho khô, hơi vàng

Ngải diệp sao cháy: Lấy lá ngải cho vào nồi, sao đến khi có màu đen, vảy ít nước để trừ hỏa độc

Ngải diệp chích mật: Lá ngải 10kg, Mật ong 2kg. Đem mật ong pha loãng, đun sôi, cho lá ngải vào đảo đều cho đến khi khô vàng, sờ không dính tay là được.

Ngải diệp chưng với rượu, giấm, gừng, muối. Lá ngải 10kg, Rượu 1kg, Giấm 1kg, Gừng tươi 20kg, Muối ăn 80g. Đem gừng rửa sạch thái lát rồi giã, vắt lấy nước cốt, làm vài lần như vậy. Hòa muối vào nước gừng rồi trộn với rượu và giấm. Đem hỗn hợp dịch này trộn với lá ngải, ủ 1 giờ cho mềm rồi chưng 1 giờ. Phơi khô.

Bộ phận sử dụng của Ngải cứu

Phần trên mặt đất thu hái khi cây có hoa, dùng tươi hay phơi khô trong râm.

ngải cứu khô

Thành phần hóa học

Tinh dầu với hàm lượng khoảng 0,2-0,34%.

Tinh dầu chứa chủ yếu monoterpen và sesquiterpen.

Tác dụng của Ngải cứu

Theo y học cổ truyền

Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm và ba kinh can, tỳ, thận, có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, giảm đau, cầm máu, sát trùng.

Theo y học hiện đại

Mỗi cách bào chế Ngải cứu khác nhau sẽ cho tác dụng điều trị khác nhau.

Cao Ngải cứu có có tác dụng diệt ký sinh trùng, tẩy giun và trị côn trùng. Cao nước Ngải cứu được chứng minh kìm hãm hoặc ức chế sự phát triển của cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm.

Tại Nhật Bản, kết quả thử nghiệm trên 56 bệnh nhân bị ngứa da được sử dụng gel Ngải cứu cho thấy có 67% số bệnh nhân hết viêm ngứa da, 56% bệnh nhân bị viêm da dị ứng khỏi bệnh, 73% bệnh nhân cao tuổi bị khô da được cải thiện và theo dõi không thấy phản ứng có hại xảy ra.

Trong Ngải cứu có chứa tinh dầu có hiệu lực kháng nấm Aspergillus flavus tới 67%, kháng một số vi sinh vật khác như Proteus vulgaris, Staphylococus aureus…

Nước sắc ngải cứu có tác dụng lợi tiểu. Ngải cứu có tác dụng ức chế giải phóng histamine và acetylcholine ở cơ trơn ruột, do đó làm giảm nhu động ruột khi thử nghiệm trên chuột lang.

Liều lượng và cách dùng Ngải cứu

Dùng làm thuốc điều hòa kinh nguyệt: Trước khi có kinh nguyệt một tuần theo chu kỳ, uống mỗi ngày từ 6 - 12g (tối đa 20g), sắc với nước hay hãm với nước sôi như hãm chè, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng thuốc bột (5 - 10g) hay dưới dạng thuốc cao đặc 1 - 4g. Thuốc an toàn với phụ nữ có thai do không gây co bóp tử cung.

Bài thuốc chữa bệnh từ Ngải cứu

Điều trị rong kinh, rong huyết, cơ thể suy nhược

Sử dụng khi bắt đầu có kinh nguyệt, đang hành kinh: Lá ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước, cô còn 100ml, có thể thêm ít đường cho dễ uống. Dùng 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.

Thuốc dưỡng thai, an thai

Dùng một số vị thuốc sau: Lá ngải cứu 16g, tía tô 16g, nước 600ml, sắc đặc còn 100ml, có thể thêm đường. Ngày uống 3 - 4 lần.

Điều trị ho

Dùng kết hợp nhiều dược liệu: Lá ngải cứu, lá nguyệt bạch, cây bọ mắm, mỗi thứ một nắm, trà ngon, đủ pha một ấm, gừng 3 lát. Sắc, dùng 1 ngày 1 thang.

Điều trị đau lưng cấp tính

Lá ngải cứu sam rượu đắp ấm tại vị trí đau.

Thuốc xoa bóp chỗ phong thấp

Ngải cứu và phèn chua 2 vị cùng sao lẫn rồi đắp vào vùng bị đau.

Lưu ý khi sử dụng Ngải cứu

Ngải cứu có thể gây phản ứng dị ứng ở một số bệnh nhân bị dị ứng với thực vật họ Asteraceae như hoa cúc, ragweed, cỏ bạch dương, cà rốt hoặc cần tây.

Bảo quản Ngải cứu

Để nơi khô, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Ngải cứu cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Ngải cứu

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn