lcp

Ngải Nhật: Tác dụng, cách dùng và lưu ý


Ngải nhật hay còn được gọi là Ngải cứu rừng, ngải mẫu hao,... thuộc họ Cúc với danh pháp khoa học là Asteraceae. Trong y học, Ngải nhật có tác dụng chữa cảm sốt, nhức đầu, sưng amidan, lở miệng, sốt rét; lao phổi kèm theo sốt, lao xương, cao huyết áp.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Ngải nhật sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Ngải nhật cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cây Ngải nhật, Ngải cứu rừng, ngải mẫu hao.
  • Tên khoa học: Artemisia japonica Thunb.
  • Họ: Asteraceae (Cúc).
  • Công dụng: chữa cảm sốt, nhức đầu, sưng amidan, lở miệng, sốt rét; lao phổi kèm theo sốt, lao xương, cao huyết áp.

Mô tả cây Ngải nhật

Cây thảo, sống dai, phân nhánh, cao 0,5 – 1m. Thân cứng, mọc đứng, có khía rãnh và lông ngắn.

Lá đa dạng: lá gốc hình đấu rộng, khía tai bèo hoặc chia thuỳ chân vịt ở đầu, lá trên thân rất hẹp và xẻ sâu, lá gần ngọn xe 3 – 5 thuỳ từ gốc, tất cả đều có hai mặt lá nhẵn, không cuống và hơi ôm thân, đầu lá nhọn, gân nổi rõ ở mặt dưới.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùy kép, hình tháp, phân nhánh nhiều thành những chùm hẹp, mỗi chùm lại mang những đầu nhỏ; lá bắc ngắn, hình sợi; hoa màu trắng hoặc vàng, hoa cái 5, hoa lưỡng tính 4 – 5, không có mào lông; tràng hoa cái hình ống ngắn, có 3 cánh hình tam giác; tràng hoa lưỡng tính hình ống rộng, có 5 cánh; nhị 5; bầu nhẵn, ở hoa lưỡng tính tiêu giảm nhiều.

Quả bế nhẵn.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây mọc dọc đường đi, trên đất có cát nhiều nơi từ Lạng Sơn, Hà Bắc, Hoà Bình, Ninh Bình, Hà Nội đến Kontum, Lâm Đồng. 

Thu hoạch: Thu hái vào mùa xuân hạ, mùa thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

Chế biến: rửa sạch lá, thái nhỏ và phơi trong bóng râm cho khô.

Bộ phận sử dụng của Ngải nhật

Toàn cây, dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học

Ngải nhật chứa tinh dầu (0,1 – 0,8%) (Stephan Nicolov, 2006, Encyclopedia of medicinal plants in Bulgaria) thành phần chủ yếu của tinh dầu là: cineol, tuiol, borneol, caryophylen và sesqniterpen lacton [Andrew Chevallier E, 2006, Dược thảo toàn thư, tr. 236].

Ngoài ra còn chứa flavonoid, một vài dẫn xuất của coumarin, triterpen tricyclovetiven và artemisia – ceton (CA, 1970, 73, 35543), [Trung được đại từ điển, 1996, vol.II, p.297, 298, 567, 2038].

Tác dụng của Ngải nhật

Theo y học cổ truyền

Vị đắng, hơi ngọt, tính bình, mùi thơm; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải thử, khư phong thấp, chỉ huyết.

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng vi sinh vật của tinh dầu ngải Nhật: Dung dịch 1% tinh dầu ngải Nhật có tác dụng ức chế các vi khuẩn Klebsiella pneumoniae, Pemudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus. Tinh dầu không có tác dụng trên Escherichia coli.

Tác dụng kháng nấm mạnh cũng thấy khi thử với Candida albicans và Sporotrichum scheckii [Kletter – Kriechbaum, 2001: 317 – 319]

Tác dụng trên ký sinh trùng sốt rét: Cao chiết bằng ethanol của phần trên mặt đất của cây ngải Nhật đã được thử trên ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum chủng nhạy với cloroquin và trùng kháng cloroquin. Kết quả: cao có tác dụng kháng ký sinh trùng sốt rét có mức độ khả trên cả 2 chủng, với nồng độ tối thiểu có hiệu quả là 75 – 250 g/ml. Nồng độ tối thiểu có hiệu quả được quy định là ở nồng độ này, 50% mẫu môi trường nuôi cấy, ký sinh trùng sốt rét không phát triển được [Tài liệu đã dẫn].

Nước sắc Ngải nhật có tác dụng lợi tiểu. Ngải nhật có tác dụng ức chế giải phóng histamine và acetylcholine ở cơ trơn ruột, do đó làm giảm nhu động ruột khi thử nghiệm trên chuột lang.

Liều lượng và cách dùng Ngải nhật

Ngải Nhật toàn cây được dùng chữa cảm sốt, nhức đầu (cảm mạo do nắng, sốt không ra mồ hôi); sưng amidan, lở miệng, sốt rét; lao phổi kèm theo sốt, lao xương, cao huyết áp. Ngày dùng 10 – 20g, sắc lấy nước uống.

Bài thuốc chữa bệnh từ Ngải nhật

  • Để chữa amidan, tốt nhất là lấy các ngọn ngải Nhật tươi 30 – 60g, thái nhỏ, sắc lên uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.
  • Dùng ngoài, lấy cây tươi, lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, đắp trị vết thương chảy máu, viêm mủ da, eczema, mụn nhọt.
  • Để chữa phong thấp, đau nhức xương: dùng 30 – 60g rễ, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang chia 2 lần.
  • Chữa lao phổi phát sốt: Ngải Nhật 10g, địa cốt bì 15g, sắc lấy nước uống ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Lưu ý khi sử dụng Ngải nhật

Phụ nữ mang thai không được dùng.

Bảo quản Ngải nhật

Để nơi khô, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Ngải nhật cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.

Sản phẩm có thành phần Ngải nhật

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Sản phẩm có thành phần Ngải nhật

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn