lcp

Ngân Nhĩ: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Ngân nhĩ hay còn gọi là bạch mộc nhĩ, nấm ruột gà, tuyết nhĩ, mộc nhĩ trắng,... thuộc họ Ngân nhĩ với danh pháp khoa học là Tremellaceae. Trong những năm gần đây, ngân nhĩ ngày càng trở nên quen thuộc trên thị trường thực phẩm nước ta. Loại thực phẩm này không chỉ là nguyên liệu dùng để chế nên các món ăn ngon và hấp dẫn mà còn là một vị thuốc Đông y khá độc đáo. Trong y học, ngân nhĩ chữa suy nhược sau khi ốm dậy, khô miệng, khô cổ, ho khan, đờm, táo bón, chữa huyết áp cao, xơ cứng động mạch.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng ngân nhĩ sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây ngân nhĩ cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cây ngân nhĩ, bạch mộc nhĩ, nấm ruột gà, tuyết nhĩ, mộc nhĩ trắng.
  • Tên khoa học: Tremella fuciformis Berk.
  • Họ:  Ngân nhĩ (Tremellaceae).
  • Công dụng: chữa suy nhược sau khi ốm dậy, khô miệng, khô cổ, ho khan, đờm, táo bón, chữa huyết áp cao, xơ cứng động mạch.

Mô tả cây Ngân nhĩ

Quả thể có dạng bản mỏng, màu trắng – trong, phân nhánh không theo quy luật nhất định, với các thùy mỏng, lượn sóng, kích thước các thủy lớn có thể tới 3 – 6 cm về chiều ngang (rộng) và 2 – 3 cm về chiều cao (dọc).

Toàn bộ thịt nấu (thực chất là quả thể) là dạng chất keo. Sợi nấm dưới kính hiển vi thấy có vách mỏng, bề ngang sợi 2,5 – 3um với nhiều “khóa” trên vách ngăn ngang.

Đảm (túi bào tử) hình trứng hoặc gần hình cầu, kích thước 10 – 12 x 9,5 – 10,5um; đảm bảo tử hình cầu, không màu, đường kính 4 – 6um.

Mùa có quả thể và bào tử: rải rác trong mùa.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Chi Tremella Pers trên thế giới có khoảng vài chục loài. Ở Trung Quốc đã biết khoảng ba chục loài, riêng ở Đài Loan có 26 loài (Chen C. J., 1998). Ở Việt Nam có 4 loài, trong đó có loài mộc nhĩ trắng trên phân bố ở Hà Tây cũ (Ba Vì), Vĩnh Phúc (núi Tam Đảo), Ninh Bình (Cúc Phương), Nghệ An (Pù Mát) và Thừa Thiên – Huế (Bạch Mã). Loài nấm này cũng có ở Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Nhật Bản và ở một vài nước khác ở Đông Nam Á.

Mộc nhĩ trắng là loại nấm hoại sinh, thường mọc trên gỗ mục của nhiều loài cây lá rộng ở rừng kín thường xanh ẩm. Điều kiện sinh thái quan trọng nhất để loài nấm này có thể sinh trưởng và phát triển được là môi trường ẩm ướt, ít ánh sáng trực xạ (dưới tán rừng hoặc được che bóng) và nhiệt độ không khí trung bình năm dưới 20°C.

Bộ phận sử dụng của ngân nhĩ

Thể quả.

Thành phần hóa học

Mộc nhĩ trắng chứa các nhóm chất sau: tremelan I, reinelan, ergosterol (16,8%), ergosta – 7-en – 3β – ol (28,5%), phosphatidylethanolamin, phosphati – dylcholin, phosphatidylglycerol, phosphatidylserin phosphatidylinositiol, manosidase, N – acetyl – d – hexosaminidasa và các nguyên tố đa, vi lượng.

Tác dụng của ngân nhĩ

Theo y học cổ truyền

Mộc nhĩ trắng có vị ngọt, tính bình, có công năng bổ sung, dưỡng phế, tăng tiết nước bọt.

Theo y học hiện đại

  • Tác dụng kích thích miễn dịch: Đã xác định được tác dụng kích thích miễn dịch của dịch chiết mộc nhĩ trắng (Wang et al., 1983), polysaccharid (PS) chiết từ mộc nhĩ trắng đối kháng với tác dụng ức chế miễn dịch do cyclosporin (Ma et al., 1992).
  • Tác dụng hạ cholesterol huyết: Mộc nhĩ trắng có tác dụng làm hạ cholesterol huyết. Nguyên nhân có thể là do mộc nhĩ trắng có chứa một chất nhựa, có thể liên kết được với cholesterol và acid mật ở trong ruột và thải trừ theo phân, làm giảm tái hấp thu cholesterol và acid mật vào tuần hoàn [Kee, 1999: 117].
  • Tác dụng hạ glucose huyết: Glucuronoxylomannan (GM), một polysaccharid acid được phân lập từ quả thể của mộc nhĩ trắng, khi tiêm vào phúc mạc, có tác dụng hạ glucose huyết có ý nghĩa ở chuột nhắt trắng bình thường và chuột đái tháo đường do streptozotocin (STZ).
  • Tác dụng hỗ trợ chống u: Nghiên cứu này cho những thông tin có ích về các đại phân tử mang thuốc trong hệ giải phóng thuốc (Ukai et al., 1992). Cũng có nghiên cứu cho thấy, chính polysaccharid của mộc nhĩ trắng cũng có tác dụng chống u trên tế bào sarcoma 180 (Ukai et al., 1992).

Liều lượng và cách dùng ngân nhĩ

Liều dùng mỗi ngày 3-10g sắc lấy nước, thêm đường rồi uống, có thể ngâm với nước cho nó nở hết cỡ rồi xào với thịt.

Bài thuốc chữa bệnh từ ngân nhĩ

  • Bài 1: ngân nhĩ 25g, đường phèn 25g. Ngân nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch, cắt bỏ chân, cho vào bát cùng đường phèn và nước, đem chưng cách thủy trong 30 phút, chia ăn vài lần. Công dụng: bồi bổ cơ thể, trị các bệnh phổi thể âm hư có ho khan, ho ra máu.
  • Bài 2: ngân nhĩ 10g, đại táo 20 quả, gạo tẻ 100g, đường phèn 50g. Ngân nhĩ làm sạch, đại táo bỏ hạt rồi cùng cho vào nồi ninh với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư âm nhuận phế, kiện tỳ ích vị, dùng cho người bị bệnh phổi và bệnh đường tiêu hóa có sốt, ho khan, ăn không ngon miệng, mệt mỏi, đại tiện táo.
  • Bài 3: ngân nhĩ 10g, mộc nhĩ đen 10g. Hai thứ đem ngâm nước ấm cho nở hết rồi làm sạch, đem chưng cách thủy với nước và đường phèn, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: chữa tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu...
  • Bài 4: ngân nhĩ 25g làm sạch, cho vào nồi đun sôi với nước trong 2 phút, vớt ra để ráo rồi trộn với dầu vừng và gia vị thành saladd. Công dụng: trị ho kéo dài hoặc ho ra máu.
  • Bài 5: ngân nhĩ 10g, hạt sen tươi 30g, nước luộc gà và gia vị vừa đủ. Ngân nhĩ làm sạch rồi luộc cho đến khi thật trong thì vớt ra. Hạt sen bóc bỏ vỏ ngoài và tâm rồi đem hầm với nước luộc gà, khi chín thì bỏ ngân nhĩ vào, chế đủ gia vị rồi dùng làm canh ăn. Công dụng: trị chứng mất ngủ, buồn phiền rạo rực, miệng khô họng khát.
  • Bài 6: ngân nhĩ 20g, thịt lợn nạc 200g, gia vị vừa đủ. Ngân nhĩ làm sạch, thịt lợn thái chỉ rồi đem xào chín hai thứ với dầu thực vật. Tiếp đó cho nước bột gạo pha loãng vào đun sôi một lát là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bồi bổ cơ thể và chữa các chứng đầu váng tai ù, kém ăn, ăn chậm tiêu, nhịp tim chậm.
  • Bài 7: ngân nhĩ 10g, đỗ trọng tẩm mật nướng 10g, đường phèn 50g. Ngân nhĩ làm sạch, sắc đỗ trọng lấy nước bỏ bã rồi cho ngân nhĩ vào nấu chín. Khi được, chế thêm đường phèn, ăn nóng. Công dụng: tư bổ can thận, kiện não tỉnh thần dùng chữa các chứng thận hư đau lưng, xương cốt rã rời, đầu váng tai ù, mất ngủ mỏi mệt.

Lưu ý khi sử dụng ngân nhĩ

Chú ý không được dùng ngân nhĩ đã biến chất, biểu hiện bằng các dấu hiệu: màu ngả vàng, kém tươi, không đàn hồi, có vết mốc hoặc dính lại với nhau hoặc thối rữa. Nếu dùng lầm có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc gây tổn thương các cơ quan như dạ dày, ruột, gan, thận và trung khu thần kinh, thậm chí có thể đưa đến suy thận cấp tính và tử vong.

Bảo quản ngân nhĩ

Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, tránh để bị ẩm mốc

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Ngân nhĩ. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Sản phẩm có thành phần Ngân nhĩ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn