lcp

Ngưu Tất là cây gì? Tác dụng và vị thuốc từ Ngưu Tất


Ngưu tất hay còn được gọi là hoài ngưu tất, cây cỏ xước, có xước hai răng, cỏ sướt, ngưu kinh, thuộc họ Rau rền với danh pháp khoa học là Amaranthaceae. Trong y học, Ngưu tất có tác dụng chữa tê thấp, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều; còn chữa cảm mạo, phát sốt, sổ mũi; sốt rét, lỵ; viêm màng tai; quai bị, viêm thận phù thũng, đái rắt, đái buốt.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước ở Trung Quốc, tuy nhiên, việc dùng Ngưu tất sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Ngưu tất cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

ngưu tất

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Ngưu tất, hoài ngưu tất, cây cỏ xước, có xước hai răng, cỏ sướt, ngưu kinh.
  • Tên khoa học: Achyranthes bidetata Blume.
  • Họ: Amaranthaceae (Rau rền).
  • Công dụng: Ngưu tất có tác dụng chữa tê thấp, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều; còn chữa cảm mạo, phát sốt, sổ mũi; sốt rét, lỵ; viêm màng tai; quai bị, viêm thận phù thũng, đái rắt, đái buốt.

Mô tả Ngưu tất

Cây thảo cao khoảng 60cm – 1m. Cây sống nhiều năm. Thân mảnh,có cạnh, hơi vuông, thường chỉ cao 1m, cũng có khi tới 2m,phình lên ở những đốt, màu lục hoặc nâu tía. Cành thường mọc thẳng đứng.

Lá mọc đối có cuống, hình trứng, đầu nhọn, gốc thuôn hẹp, mép nguyên dài 5 – 12 cm, rộng 2 – 4 cm, hai mặt nhẵn, mép nguyên đôi khi uốn lượn, gân lá mặt trên thường có màu nâu tía, cuống lá dài 1 – 1.5cm. Rễ củ hình trụ dài, có nhiều rễ phụ to.

Cụm hoa là bông ở đầu cành hay ké lá, dài 2 – 5 cm. Hoa mọc hướng lên nhưng khi biến thành quả sẽ mọc quặp xuống. lá bắc dài 3 mm, lá đài 5, gần bằng nhau, nhị 5, chỉ nhị dính với nhau và dính cả với nhịp lép, nhị lép có răng rất nhỏ, bao phấn hình mác, chim, bầu hình trứng. Quả nang hình bầu dục có một hạt, lá bắc còn lại và nhọn thành gai cho nên vướng phải có thể mắc vào quần áo. Mùa hoa quả: tháng 5 -7.

 

cây ngưu tất

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Ngưu tất có nguồn gốc ở vùng Đông Bắc Trung quốc hoặc Nhật Bản. Cây đã được thuần hóa và trồng từ lâu đời ở những nước này.

Ngưu tất được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, năm 1960. Lúc đầu cây được trồng thuần hóa ở Sapa, sau chuyển sang Sìn Hồ (Lai Châu) rồi về trại thuốc Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và trại thuốc Văn Điển (Hà Nội). Cách đây khoảng 30 năm, ngưu tất đã được trồng dưới dạng sản xuất dược liệu ở vùng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Có thể coi ngưu tất là một ví dụ điển hình về một cây thuốc có nguồn gốc ôn đới, qua quá trình nghiên cứu di thực đã có thể trồng thành công cả ở vùng đồng bằng có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Điều đó cho thấy ngưu tất là cây có biên độ sinh thái tương đối rộng, mặc dù thời vụ trồng chủ yếu vẫn ở thời kì  có nhiệt độ thấp trong năm.

Ngưu tất là cây ưa sáng và ưa ẩm. Cây có hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Thu hoạch: Thu hái vào mùa đông. Khi thân lá khô héo, đào lấy rễ, cắt bỏ phần trên có rễ và rễ con, rửa sạch đất cát.

Chế biến: Ngưu tất thái phiến hoặc cắt đoạn: Trước hết rửa sạch rễ, làm mềm, thái phiến vát dày 1 - 3mm (nếu rễ to); cắt đoạn 3 - 5mm (nếu rễ nhỏ), có thể chích với rượu rồi sao cám.

Ngưu tất sao cám: Sao cám nóng già, bốc khói trắng; cho ngưu tất phiến vào sao đều đến khi có màu hơi vàng. Rây bỏ cám.

Ngưu tất chích rượu: Ngưu tất phiến sao nóng, phun rượu vào (tỷ lệ 5:1) sao đến khô. Hoặc tẩm ngưu tất vào rượu với tỷ lệ như trên; ủ 30 phút đến 1 giờ cho ngâm rượu; sao tới khô.

Ngưu tất thán: Đem ngưu tất sao đến khi phía ngoài bị đen hoàn toàn, bên trong vàng đậm; có thể chích rượu sao đen như trên.

Ngưu tất sao đen: Lấy ngưu tất phiến, dùng nhỏ lửa sao cho đến khi xuất hiện các chấm đen.

Ngưu tất chích muối: Muối hoà thành dung dịch đủ để tẩm vào ngưu tất (10kg ngưu tất phiến : 0.2kg muối); ủ 30 phút sao khô.

Bộ phận sử dụng của Ngưu tất

Bộ phận sử dụng là rễ phơi hay sấy khô của cây ngưu tất.

rễ ngưu tất

Thành phần hóa học

Chiết xuất rễ cây ngưu tất có chứa chất saponin, polysaccharid, ecdysteron, inokosteron, sterol, coumarin, alkaloid, muối kali và polypeptide khi thuỷ phân sẽ cho axit oleanic C30H48O3 và galactoza, rhamnoza, glucoza.

Các hợp chất phytochemical hoạt động bao gồm glycoside axit oleanolic, saponin, ecdysteron, ketosteroid và flavonoid tạo ra các tác dụng bao gồm tăng cường sinh lực cho gan và thận, tăng sức mạnh cơ và xương, thúc đẩy lưu thông máu, loại bỏ huyết ứ, và tăng tuổi thọ.

Ngoài ra còn có quercetin, baicalein và berberine là các hợp chất hoạt tính quan trọng của ngưu tất trong điều trị thoái hoá khớp.

Tác dụng của Ngưu tất

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Ngưu tất có vị chua, đắng, tính bình, không độc, vào hai kinh Can và Thận. Dùng sống có tác dụng thông huyết mạch, làm tan máu ứ, giải nhiệt, tiêu ung thũng, sưng tấy. Dùng chữa đau bụng, bị ngã có thương tích, bí đái, phụ nữ tắc kinh, đẻ khó, sót nhau, đẻ xong máu hôi không ra, đau bụng, đái ra máu, hoa mắt.

Dùng chế với rượu có tác dụng bổ Can Thận, khoẻ gân cốt. Dùng chữa lưng đau, gối mỏi, nhức xương chân tay co quắp tê bại.

Theo y học hiện đại

Chống loãng xương

Ngưu tất ức chế sự biệt hóa của tế bào hủy xương và kích hoạt các yếu tố hình thành xương, có thể ngăn ngừa viêm chỏm xương đùi do steroid và làm giảm bớt sự thoái hóa xương do steroid gây ra bằng cách điều chỉnh con đường tín hiệu RANKL/RANK/OPG.

Saponin là những hợp chất chính được chiết xuất từ ​​cây ngưu tất đã được chứng minh là có tác dụng dược lý khác nhau như chống viêm, hạ sốt, chống đau bụng, lợi tiểu và chống loãng xương. Hợp chất này tạo ra sự tăng sinh và biệt hóa trong tế bào mô đệm của tủy xương được xác định bằng các xét nghiệm tăng sinh tế bào và phosphatase kiềm. Ngoài ra, sau quá trình cảm ứng tạo xương, các tế bào được xử lý bằng saponin cho thấy mức độ mRNA của protein-2 di truyền hình thái xương, yếu tố phiên mã liên quan đến runt và osterix tăng lên.

Dưỡng thần kinh và bảo vệ thần kinh

Ngưu tất giúp tăng tốc độ tái tạo thần kinh ngoại vi của dây thần kinh cánh tay chung của thỏ sau một chấn thương do đè bẹp và làm giảm quá trình chết tế bào do glutamate gây ra ở các tế bào thần kinh hải mã được nuôi cấy. Các polypeptid từ ngưu tất giúp bảo vệ tế bào thần kinh hải mã của chuột, kích thích sự phát triển thần kinh của hạch rễ lưng chuột, và thúc đẩy tái tạo thần kinh ngoại vi ở chuột và thỏ.

Chống hình thành khối u

Polysaccharide trong chiết xuất cây ngưu tất là một chất ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì tự nhiên có thể ngăn ngừa di căn ung thư một cách an toàn và hiệu quả thông qua việc ngăn chặn sự kết dính của tế bào với nội mô mạch máu và quá trình chuyển tiếp từ biểu mô sang trung mô.

Polysaccharide hoạt động như một chất ức chế cạnh tranh và điều chỉnh giữa các miền I và III của thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì, do đó ức chế sự đồng phân hóa thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì do EGF gây ra và kích hoạt các con đường tín hiệu xuôi dòng bằng cách ngăn chặn trực tiếp liên kết phối tử.

Một số công dụng khác

Ngưu tất có tác dụng hạ cholesterol máu và tác dụng hạ huyết áp.

Ngưu tất có tác dụng ức chế sự co bóp của tá tràng.

Ngưu tất hơi có tác dụng làm lợi tiểu.

Liều cao, ngưu tất có tác dụng kích thích sự vận động của tử cung.

Cao lỏng ngưu tất có tác dụng làm dịu sức căng của tử cung chuột bạch.

Đối với động vật đã gây mê, ngưu tất có thể gây giảm huyết áp tạm thời, sau vài phút trở lại bình thường nhưng sau lại hơi tăng.

Liều lượng và cách dùng Ngưu tất

Ngày 3– 9 g, dưới dạng thuốc sắc.

Trị cholesterol máu cao, huyết áp cao, xơ vữa động mạch dùng 0.25 cao khô hoặc thuốc ống 4g ngưu tất khô/ống.

Bài thuốc chữa bệnh từ Ngưu tất

Tiểu tiện không thông, đái ra máu, phụ nữ máu kết, đau bụng nổi hòn

Ngưu tất 10g; Đương quy 5g; Hoàng cầm 5g. Nghiền, sắc uống.

Đẻ khó, thai chết không ra

Ngưu tất 12g; Hồng hoa 5g; Nhục quế 3g; Đương quy 9g; Hạt mã đề 9g.

Hai chân đau, tê, co do thấp nhiệt

Ngưu tất 9g; Thương truật 9g; Hoàng bá 6g. Tán bột, làm hoàn. Mỗi lần uống 9g, ngày 3 lần, với nước muối gừng.

Phòng chữa bạch hầu

Rễ ngưu tất tươi 20g; Cam thảo 9g. Sắc uống.

Cholesterol máu cao, huyết áp cao, xơ vữa động mạch

Cao khô ngưu tất 0,25g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 viên, uống sau ăn.

Lưu ý khi sử dụng Ngưu tất

Người khí hư và có thai không được dùng.

Bảo quản Ngưu tất

Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Ngưu tất cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Ngưu tất

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn