lcp

Nhũ hương


Nhũ hương hay còn gọi là Gôm nhựa, Địa nhũ hương, Hắc lục hương, thuộc họ Trám với danh pháp khoa học là Burseraceae. Nhũ hương (Gôm nhựa) là một loại dược liệu quí hiếm và đắt đỏ. Ngày nay, nhũ hương và các chiết xuất của dược liệu này vẫn tiếp tục được nhân loại sử dụng làm thuốc trị bệnh bởi những công dụng trị liệu hiệu quả như hoạt huyết, chỉ thống, khử ứ, tiêu sưng, giải độc, bổ tâm, tỳ.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Nhũ hương sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Nhũ hương cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Nhũ hương, Gôm nhựa, Địa nhũ hương, Hắc lục hương.
  • Tên khoa học: Boswellia carterii Birds.
  • Họ: Trám (Burseraceae).
  • Công dụng: Hoạt huyết, chỉ thống, khử ứ, tiêu sưng, giải độc, bổ tâm, tỳ.

Mô tả cây Nhũ hương

Nhũ hương là loài cây có kích thước vừa phải, thân cây có nhiều cành to, vỏ cây trơn láng, màu nâu sáng, cây càng lớn càng có nhiều vảy nhỏ hơi bong tróc. Chiều cao của cây khoảng 4 - 5 mét, có khi lên đến 6 mét.

Lá cây thuộc dạng lá kép, trông giống lông vũ, mọc ở đầu cành, lá dài tầm 20 – 40 centimet. Lá chét không có cuống lá, có chiều dài cỡ 20 centimet, hình mũi mác, mép lá có răng cưa và được phủ bởi lông tơ màu trắng.

Hoa nhũ hương mọc thành cụm, dài khoảng 15 centimet, hoa nhỏ, màu trắng và hơi thưa. Một hoa bao gồm 5 cánh, nụ hoa hình bầu dục, đài hoa ngắn bằng phân nửa cánh hoa. Đài hoa có 5 mấu nhỏ hình tam giác. Nhụy đực, hơi xẻ ba.

Quả hạch dạng trứng ngược, đầu tù. Vỏ quả chắc, mỗi ngăn có 1 hạt.

Nhũ hương

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Cây nhũ hương mọc được ở nhiều nơi trên thế giới từ ven biển Địa Trung Hải đến Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc.

Mùa xuân, hè là lúc thu hoạch nhựa cây lí tưởng nhất. Cách thu lấy nhựa là rạch thân cây theo chiều dọc từ dưới lên, nhựa cây nhiều hơn khi vết rạch sâu hơn. Lúc rạch không được để nhựa cây rơi xuống đất, không để tạp chất nhiễm vào. Trung bình một cây sẽ cho khoảng ba đến bốn kí nhựa.

Bào chế nhựa nhũ hương đúng cách sẽ phát huy tối đa dược tính của dược liệu:

Cách 1: Sử dụng 40g nhũ hương sạch, đã loại bỏ tạp chất tán thành bột cùng với 1g Đăng tâm thảo.

Cách 2: Đem nhũ hương sao lửa nhỏ cho hơi chảy, có màu vàng thì lấy ra khỏi chảo để nguội.

Cách 3: Sao 1 kí nhũ hương trên lửa nhỏ cho bề mặt chảy, dùng 0,6 lít dấm phun và sao tiếp cho đến khi bề mặt hạt nhũ hương trong và sáng hơn, lấy ra khỏi chảo và để nguội.

Nhũ hương

Bộ phận sử dụng của Nhũ hương

Nhựa cây khô dạng hạt, hình bầu dục hoặc hình tròn không đều, kích thước mỗi hạt nhỏ nhất khoảng 0,5 milimet, hạt to nhất khoảng 3 milimet, các hạt có thể dính với nhau thành cục. Tùy theo giống cây, thổ nhưỡng mà màu sắc và độ trong của hạt nhũ hương có khi màu lục nhạt, màu lam hay đỏ nâu, bề mặt hạt có lớp bụi trắng, dù lau sạch lớp này hạt vẫn không bóng. Bên trong hạt dạng sáp cứng, giòn, không bóng, nếu làm vỡ hạt sẽ quan sát được một số mặt gãy óng ánh như pha lê. Mùi thơm nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt, vị nhẫn và đắng. Nếu ngậm và nhai hạt thì ban đầu hạt vỡ ra, sau đó mềm và dính như khối keo.

Nhũ hương

Thành phần hóa học

Nhựa cây chứa O-acetyl-beta-Boswellic acid, Dinhyroroburic acid, Olibanoresene, tinh dầu 3 – 8%, Arabic acid, Pinen, Dipenten,..

Tác dụng của Nhũ hương

Theo y học cổ truyền

Tính vị : Vị cay, đắng, tính ôn.

Quy kinh: Tâm, can, tỳ, phế, thận.

Công năng: Hoạt huyết, chỉ thống, khử ứ, tiêu sưng, giải độc, bổ tâm, tỳ.

Chủ trị: Thống kinh, xương khớp đau nhức, cơ co cứng, mề đay, mụn nhọt.

Theo y học hiện đại

Tính chất dược lý của nhũ hương tương tự các thuốc giảm đau không steroid, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cơ chế ức chế các chất trung gian hóa học gây đau như cytokines, enzyme 5-lipoxygenase…của hoạt chất có trong nhũ hương như acid boswellic. Ngoài ra nhũ hương còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, se niêm mạc làm lành vết thương, nhờ các monoterpenes, diterpenes, triterpenes, axit pentacyclic triterpenic…

Liều lượng và cách dùng Nhũ hương

hũ hương thường được dùng để sắc nước uống và tán bột làm hoàn. Liều dùng tham khảo: 3 – 10g/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ Nhũ hương

1. Bài thuốc chữa đau bụng kinh và mất kinh (bế kinh)

Chuẩn bị: Đào nhân, hồng hoa, đương quy và nhũ hương, gia giảm liều lượng tùy theo tình trạng bệnh.

Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

2. Bài thuốc trị chấn thương ngoại khoa gây bầm tím và sưng đau

Bài thuốc 1: Cam thảo 3g, sinh địa, đơn bì, xích thược và bạch chỉ mỗi vị 10g, xuyên khung, nhũ hương và một dược mỗi vị 5g. Đem tán bột, mỗi lần dùng khoảng 4g uống với nước tiểu trẻ em chưng lên hoặc dùng với rượu. Sử dụng 2 lần/ ngày cho đến khi khỏi.

Bài thuốc 2: Chu sa, một dược và nhũ hương mỗi vị 5g, xạ hương 2g, băng phiến 3g, hồng hoa và huyết kiệt mỗi vị 6g, nhĩ trà 10g. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 0.2g uống với rượu ấm.

3. Bài thuốc trị đau vùng gan do viêm gan

Chuẩn bị: Miết giáp, ngũ linh chi, một dược và nhũ hương bằng lượng nhau.

Thực hiện: Sắc đặc, dùng gạc thấm nước và đắp lên vùng đau khi còn ấm.

4. Bài thuốc trị đau nhức cơ thể, gân cốt sưng đau và khớp giảm phạm vi chuyển động

Chuẩn bị: Đào nhân, nhũ hương, đương quy, kinh giới, trần bì, xích thược, đan bì, hồng hoa, phòng phong, tục đoạn và xuyên khung mỗi vị 8g, độc hoạt 4g, khương hoạt 4g.

Thực hiện: Đem sắc uống.

5. Bài thuốc trị đau nhức vùng thượng vị

Chuẩn bị: Xuyên luyện tử, trần bì, mộc hương và nhũ hương.

Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

6. Bài thuốc trị ung nhọt sưng đau

Bài thuốc 1: Chuẩn bị một dược và nhũ hương mỗi thứu 5g, hoàng kỳ, thiên hoa phấn, mẫu lệ, đại hoàng và ngưu bàng tử mỗi vị 10g, cam thảo 3g và kim ngân hoa 15g. Đem sắc uống.

Bài thuốc 2: Dùng một dược và nhũ hương tán mịn, sau đó đắp lên vùng ung nhọt.

7. Bài thuốc trị hạch ở vú

Chuẩn bị: Hoàng bá, đại hoàng, một dược và nhũ hương, gia giảm liều lượng tùy theo tình trạng bệnh.

Thực hiện: Tán thành bột, sau đó thêm băng phiến vào và bảo quản ở lọ màu nâu. Khi dùng, lấy một ít thuốc trộn đều với lòng trắng trứng, dùng gạc tẩm và chườm nóng bên ngoài.

8. Bài thuốc trị mụn nhọt

Chuẩn bị: Mộc miết tử, huyết kiệt và đương quy mỗi thứ 10g, xích thược 90g, thanh du 60g, ô dược 30g, mỡ heo và một dược mỗi vị 16g.

Thực hiện: Để mỡ heo, huyết kiệt, nhũ hương và một dược riêng, các vị còn lại đem ngâm với thanh du trong vòng 5 ngày. Sau đó nấu với lửa nhỏ vài lần, lọc bỏ bã và lấy nước để trong 1 đêm. Sau đó thêm các nguyên liệu còn lại vào, đun nhỏ lửa và dùng cành tre khuấy đều cho thành cao. Mỗi ngày uống 20ml.

9. Bài thuốc trị sản hậu nóng da thịt, đau nhức xương khớp, vú sưng đau

Chuẩn bị: Qua lâu 40g và nhũ hương 4g.

Thực hiện: Nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 8g uống với rượu ấm.

10. Bài thuốc trị thử thấp sinh họng đau, đầu choáng và kiết lỵ

Chuẩn bị: Cam thảo, độc hoạt, hương nhu, đinh hương, hoàng kỳ, liên kiều, mộc thông, tang ký sinh, mộc hương, nhũ hương, xạ can, thăng ma và trầm hương các vị bằng lượng nhau.

Thực hiện: Sắc uống đều đặn.

11. Bài thuốc trị bụng đau, nhức mỏi gân xương và đau nhức do té ngã

Chuẩn bị: Tang bạch bì, nhũ hương, một dược, đương quy, độc khoa lật tử, hùng hắc đậu mỗi vị 40g, thủy điệt 20g và phá cố chỉ (sao) 80g.

Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 20g thêm 1 ít xạ hương vào, trộn đều và uống với giấm gạo.

12. Bài thuốc trị ghẻ lở và mụn nhọt

Chuẩn bị: Huyết liệt, lão quân tu, mẫu đinh hương, một dược, trầm hương, ba đậu sương, khổ đinh hương, liên kiều, mộc hương và nhũ hương, mỗi vị đều 4.8g.

Thực hiện: Đem nghiền thành bột mịn, sau đó chế với mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng từ 12 – 16g uống khi bụng đói.

13. Bài thuốc trị sưng đau do chấn thương

Chuẩn bị: Một dược và nhũ hương mỗi vị 5g, đương quy, bạch chỉ và bạch truật mỗi vị 10g, cam thảo và quế nhục mỗi vị 3g.

Thực hiện: Tán dược liệu thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6 – 10g uống với rượu hoặc nước đun sôi để nguội. Ngày dùng 3 lần cho đến khi khỏi.

14. Bài thuốc chữa giãn tĩnh mạch chi ở thế khí huyết ứ

Chuẩn bị: Hoàng kỳ 16g, sinh địa, tử hoa địa đinh, đương quy, huyền sâm và đan sâm mỗi vị 12g, kim ngân hoa, nhũ hương, bồ công anh và một dược mỗi vị 10g, diên hồ sách và hồng hoa mỗi vị 8g, cam thảo 6g.

Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

15. Bài thuốc trị giãn tĩnh mạch chi thể nhiệt độc thịnh

Chuẩn bị: Kim ngân hoa và hoàng kỳ mỗi vị 16g, đan sâm, xích thược, địa long, đương quy, tử thảo nhung và ngưu tất mỗi vị 12g, một dược, địa miết trùng và nhũ hương mỗi vị 10g, sinh cam thảo 6g.

Thực hiện: Đem các vị sắc uống trong ngày.

16. Bài thuốc trị đau nhức cơ thể, đau mắt và nhức đầu

Chuẩn bị: Một dược, thảo ô, mộc miết tử, nhũ hương, vãn tàm sa, ngũ linh chi bằng lượng nhau.

Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, trộn với bột hồ và rượu bằng thành viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 7 viên uống với nước sắc từ lá bạc hà.

17. Bài thuốc trị nhọt vỡ lâu ngày nhưng khó lành miệng

Chuẩn bị: Một dược và nhũ hương tán bột và 1 ít dầu mè.

Thực hiện: Dùng thuốc bột trộn với một ít dầu và đắp lên vùng lở loét.

18. Bài thuốc trị chấn thương

Chuẩn bị: Một dược, xuyên khung và nhũ hương mỗi vị 6g, sinh địa, đan bì, bạch chỉ và xích thược mỗi vị 12g, cam thảo 4g.

Thực hiện: Đem nghiền thành bột, mỗi lần dùng 4g sắc uống hoặc chiêu với rượu.

19. Bài thuốc trị bong gân, gãy xương nhưng chưa bị rách và xây xát da

Chuẩn bị: Một dược sống, giun đất cổ trắng, bạch chỉ và nhũ hương sống mỗi vị 125g, thảo ô sống, xuyên ô sống và tử kính bì mỗi vị 250g, nam tinh sống 200g, thịt cóc 8g và xuyên tiêu 63g.

Thực hiện: Đem nghiền thành bột mịn, gia thêm lòng trắng trứng, hành, nước, đường đỏ và giấm làm thành bột đắp. Đắp trực tiếp lên vết thương để giảm đau và tiêu viêm.

20. Bài thuốc trị chàm, sưng độc không rõ nguyên nhân và vết loét lâu ngày không khỏi

Chuẩn bị: Một dược và nhũ hương mỗi vị 20g, hạt thầu dầu 200g, colophan (nhựa thông) 250g và chu sa 12g.

Thực hiện: Bóc vỏ thầu dầu, đem dược liệu giã nát và thêm bột colophan vào, sau đó giãn cho thuốc chuyển sang dạng mỡ. Mỗi lần dùng, sử dụng 1 ít thuốc thoa lên vùng da bị bệnh và băng cố định. Thay thuốc 1 lần/ ngày.

21. Bài thuốc trị lao hạch ở giai đoạn mới phát

Chuẩn bị: Hải mã 1 cặp, xạ hương 0.4g, tam thất, hồng hoa, bạch chỉ, băng phiến, một dược và nhũ hương mỗi vị 2g.

Thực hiện: Nấu thành cao, dùng đắp ngoài.

Lưu ý khi sử dụng Nhũ hương

Tác dụng phụ: Có thể xuất hiện các triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng,...

Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, đang cho con bú không nên dùng.

Lưu ý về thời gian sử dụng thuốc: Dùng đường uống khoảng 6 tháng liên tục, dùng ngoài da dưới 30 ngày, người có bệnh dạ dày nên giảm liều.

Bảo quản Nhũ hương

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Nhũ hương. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Sản phẩm có thành phần Nhũ hương

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn