lcp

Rau đắng biển


Rau đắng biển hay còn gọi là Sam trắng, cây ruột gà và sam đắng, thuộc họ Hoa mõm chó với danh pháp khoa học là Scrophulariaceae. Rau đắng biển không chỉ là thực phẩm quen thuộc mà còn là một vị thuốc Đông y khá độc đáo. Với đặc tính chống oxy hóa, thảo dược này có tác dụng làm giảm căng thẳng, tăng khả năng nhận thức và hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Rau đắng biển sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Rau đắng biển cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Rau đắng biển, Sam trắng, cây ruột gà và sam đắng.
  • Tên khoa học: Bacopa monnieri (L.) Wettst.
  • Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
  • Công dụng: Chữa suy nhược thần kinh, mất trương lực cơ, động kinh, thao cuồng, mất tiếng, khản tiếng, viêm phế quản cấp, ho, hen. Còn chữa bí đái, viêm gan, thấp khớp, rắn cắn và bệnh ngoài da.

Mô tả cây Rau đắng biển

Thân cỏ, mọc bò dài trên mặt đất, sống lâu năm. Thân nhẵn, màu xanh, thân non đôi khi có màu hơi nâu đỏ, tiết diện tròn, mọng nước, có rễ ở mấu, phân nhánh nhiều, mọc đứng. Thân lá có vị đắng. Lá đơn, mọc đối, không lông, dày, mọng nước, có dạng hình muỗng hay hình trứng ngược, tà ở đầu, dài 2-2,8 cm, rộng 0,5-0,7 cm, mép nguyên, không lông, ở 2 mặt lá có nhiều chấm lõm. Lá có màu xanh đậm ở mặt trên, xanh nhạt ở mặt dưới, 1 gân chính, gân phụ không rõ. Hoa đơn độc, mọc ở nách lá, màu trắng hay màu tím nhạt. Hoa không đều, lưỡng tính mẫu 5. Cuống hoa dài 2,6-5,6 cm, không lông, hai lá bắc con hình dải, dài 0,6 cm, ở đỉnh cuống hoa. Bao hoa: 5 lá đài rời, không đều, lá đài sau to nhất, hình trứng, có 5 gân chính, dài 0,8 cm, rộng 0,5 cm, 2 lá đài trước hình trứng, mũi nhọn, 3 gân chính, dài 0,7 cm, rộng 0,4 cm, 2 lá đài bên nhỏ nhất, hình dải, 1 gân, có lông ở bìa, dài 0,6 cm, rộng 0,1 cm. Lá đài 5, có màu xanh đậm ở mép, xanh nhạt ở bên trong và có chấm lõm ở 2 mặt, tiền khai năm điểm. Cánh hoa 5, có lông, mỗi cánh hoa có 3 gân, dính nhau bên dưới tạo thành ống dài 0,4 cm, đáy ống màu tím nhạt hay màu trắng, tiền khai ngũ điểm hay kết lợp. Nhị 4, không đều, 2 nhị dài 5 mm ở phía trước, 2 nhị ngắn 1 mm ở phía sau. Nhị sau bị trụy không để lại dấu vết. Nhị đính gần đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị nhẵn, hình sợi. Bao phấn 2 ô, rời, xếp song song cạnh nhau, mở dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục hay hình tròn có 3 thùy, có rãnh. Lá noãn 2, vị trí trước sau, dính nhau thành bầu trên 2 ô, mỗi ô chứa nhiều noãn, đính noãn trung trụ. Vòi nhụy 1, ở đỉnh bầu, dạng sợi, nhẵn, dài 5 mm, đầu nhụy hình chén chia 2 thùy, màu xanh nhạt. Quả nang, hình trứng, kích thước 5 x 3 mm, có mũi, đựng trong đài nhẵn, vòi nhụy tồn tại. Hạt nhỏ, nhiều, hình tam giác, có cạnh.

Rau đắng biển

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Bacopa monnieri phân bố rộng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây phân bố ở khắp các vùng đồng bằng và trung du miền Bắc và miền Nam. Cây ưa sáng thường mọc trên đất ẩm, pha cát lẫn với các loại cỏ thấp ở bờ ruộng, các bãi cỏ ẩm từ vùng thấp lên tới độ cao 500 m, bãi sông, bờ kênh mương, ở nước ta gặp từ Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, cây còn có khả năng mọc chồi khỏe từ kẽ lá, kể cả phần còn sót lại sau khi cắt.

Rau đắng biển

Thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Rau đắng biển sau khi thua hái xong sẽ được rửa sạch và phơi khô.

Bộ phận sử dụng của Rau đắng biển

Phần trên mặt đất, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.

Rau đắng biển

Thành phần hóa học

Rau đắng biển có chứa các thành phần như:

Brahmin, có tác dụng giống strychnin nhưng ít độc tính hơn, 3 base: β1- oxalat, β2-oxalat, β3-chloroplatinate và sterol. Ngoài ra còn alkaloid khác là herpestin, bacosid A và B, monnierin; hersaponin, có tác dụng chủ yếu giống resercin và chlororomazin, acid betulic, d–mannitol, stigmastarol, β-sitosterol và stigmasterol ở trạng thái tự do.

Tác dụng của Rau đắng biển

Theo y học cổ truyền

Tính vị

Tính mát, vị đắng.

Quy kinh

Qui kinh Tâm, Thần Kinh, Tỳ và Can.

Theo y học hiện đại

Tác dụng trên đường hô hấp: Sam trắng nếu sử dụng với liều nhỏ có thể gây kích thích hô hấp

Tác dụng trên huyết áp: Một số nghiên cứu về rau đắng biển cho thấy, hàm lượng Alkaloid brahmin chiết xuất từ dược liệu này có tác dụng làm hạ huyết áp. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng với liều 0.5 mg/kg, bởi sử dụng liều nhỏ hơn có thể gây kích thích cơ tim và gây tăng huyết áp nhẹ

Hỗ trợ sửa chữa tế bào thần kinh: Hoạt chất Bacoside B và Bacoside A có trong thảo dược này có tác dụng tăng cường hoạt động của Kinase, giúp phục hồi hoạt động của Synaptic, đồng thời tăng dẫn truyền xung thần kinh

Phòng ngừa ung thư: Tiêm bắp chiết xuất từ rau đắng biển vào chuột cống trắng cho thấy các thành phần hóa học trong thảo dược này có khả năng ức chế và ngăn chặn tế bào ung thư Walker carcinosarcoma 256 hình thành và phát triển

Cải thiện căng thẳng và an thần: Bacoside A trong sam trắng có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, đồng thời giúp giảm tình trạng lo lắng, căng thẳng. Hoạt chất này có công dụng tương đương thuốc lorazepam và benzodiazepam.

Tính chống oxy hóa: Các thử nghiệm trên não chuột cho thấy sam trắng có chứa hoạt tính chống oxy hóa. Các hoạt tính này có tác dụng mạnh hơn so với Deprenyl. Chúng có thể tác động trên toàn não bộ còn Deprenyl lại bị giới hạn

Ngoài những dược tính có lợi, rau đắng biển cũng chứa độc tính cao. Các thành phần có thể có thể giết chết 1 con ếch trong vòng 10 phút chỉ với 5 mg/kg. Ở liều dùng 25 mg/kg có thể giết chết chuột cống trong vòng 24 tiếng.

Liều lượng và cách dùng Rau đắng biển

Rau đắng biển được dùng điều trị bệnh bằng nhiều cách khác nhau. Tùy thuộc vào cách dùng mà liều lượng sử dụng khác nhau. Cụ thể:

  • Đối với thuốc sắc: 6 – 12 gram mỗi ngày.
  • Trà: 1 – 2 muỗng cà phê bột rau đắng biển.
  • Ngâm rượu: Dùng 1 – 2 muỗng siro rau đắng biển ngâm với 1 – 2 muỗng cà phê rượu và uống.
  • Dùng ngoài da: Không kể liều lượng, có thể dùng ít hoặc nhiều theo ý muốn.
  • Dịch chiết: Đối với dịch chiết tiêu chuẩn hóa có chứa 20 – 50% hàm lượng chất Bacosides mỗi ngày dùng 2 lần. Mỗi lần uống 150 mg.

Bài thuốc chữa bệnh từ Rau đắng biển

Chữa động kinh, thao cuồng, suy nhược thần kinh, mất tiếng, khản tiếng (Bài thuốc Brahmi ghrita ở Ấn Độ): Dùng 4 lít dịch ép sam trắng tươi, 4 lít bơ, các vị thủy xương bồ, mộc hương và rễ cỏ bươm bướm (Canscora decussata (Roxb.) Roem. et Schult., Gentianaceae) mỗi vị 120g đã tán thành bột mịn. Tất cả cho vào đánh kỹ rồi đun nhỏ lửa cho đến khi bốc hết hơi thành bột nhão. Liều dùng 5 – 10g, ngày 2 lần, uống với sữa, sau khi ăn. Có thể chế thành siro rồi uống.

Chữa khản tiếng do lao phổi (tài liệu Ấn Độ): Sam trắng, thủy xương bồ, rễ cang mai, quả chiêu liêu, tất bát (Piper longum L., Piperaceae). Các vị phơi khô tán bột với lượng bằng nhau. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10g với mật ong.

Chữa rắn cắn: Sara trắng 30g, dây mơ lông 30g, lá mướp đắng 30g, đọt cây sậy 20g, rau cần tươi 20g, rau má 20g. Tất cả dùng tươi, giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp (kinh nghiệm của nhân dân Minh Hải).

Lưu ý khi sử dụng Rau đắng biển

Thảo dược có thể gây tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Khô miệng
  • Tiêu chảy
  • Vận động ruột
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Cơ thể cảm thấy mệt mỏi
  • Buồn ngủ
  • Co thắt dạ dày

Ngoài các tác dụng phụ này, sam trắng có thể gây dị ứng khi tiếp xúc với da. Tùy thuộc cơ địa của mỗi người mà phản ứng phụ xảy ra có thể khác nhau. Vì thế, sau khi dùng dược liệu này điều trị bệnh, nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường, bạn nên liên lạc với bác sĩ để kiểm tra.

Bảo quản Rau đắng biển

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Rau đắng biển. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Sản phẩm có thành phần Rau đắng biển

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn