lcp

Salbutamol (Dùng trong sản khoa)

Tên chung quốc tế Salbutamol

Salbutamol

Dạng thuốc và hàm lượng Salbutamol

Viên nén (salbutamol sulfat) 4 mg. Thuốc tiêm: 0,5 mg/ml; 50 microgam/ml, ống 5 ml.

Chỉ định của Salbutamol

Thuốc được chỉ định trong một thời gian ngắn trong chuyển dạ sớm không biến chứng (không chảy máu âm đạo hoặc vỡ màng ối) và xảy ra từ tuần thứ 24 đến 33 thai kỳ, mục đích làm chậm thời gian sinh để có thời gian cho liệu pháp corticosteroid có tác dụng đối với phát triển của phổi thai nhi (Mục 22.4) hoặc để có thể chuyển sản phụ đến cơ sở có chăm sóc tăng cường trẻ sơ sinh.

Chống chỉ định của Salbutamol

6 tháng đầu thai kỳ; bệnh tim; tiền sản giật và sản giật; nhiễm khuẩn trong tử cung; thai chết trong tử cung; xuất huyết trước khi đẻ; nhau tiền đạo; cuống nhau bị chèn ép; vỡ màng ối.

Thận trọng khi dùng Salbutamol

Giám sát mạch, huyết áp và tránh truyền dịch quá nhiều; nghi ngờ bệnh tim; tăng huyết áp; tăng năng giáp; giảm kali – máu; đái tháo đường; nếu nghi phù phổi, phải ngừng thuốc ngay và cho thuốc lợi tiểu.

Liều lượng và cách dùng Salbutamol

Chuyển dạ sớm, tiêm truyền tĩnh mạch, người lớn ban đầu 10 microgam/phút, cách 10 phút tăng dần tốc độ truyền tùy theo đáp ứng, cho tới khi cơn co giảm, sau đó tăng tốc độ truyền (tối đa 45 microgam/phút) cho tới khi hết cơn co, duy trì tốc độ đó trong 1 giờ rồi giảm dần; hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, người lớn, 100 – 250 microgam, tiêm lặp lại tuỳ theo đáp ứng; sau đó, uống, 4 mg cách nhau 6 – 8 giờ/lần (không khuyến cáo dùng trên 48 giờ).

Cách dùng : Để tiêm bắp, dùng ống tiêm 0,5 mg/ml, không cần pha loãng. Để tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch, phải pha loãng thuốc với dung dịch glucose 5%. Khi truyền tĩnh mạch, nên dùng bơm tiêm truyền tự động khi nồng độ thuốc là 200 microgam/ml; nếu không có bơm tiêm truyền tự động, phải pha loãng hơn bằng dung dịch glucose 5% đến 20 microgam/ml. Liều dùng giống như liều dùng bơm tiêm truyền tự động.

Tác dụng không mong muốn

Buồn nôn, nôn; mặt đỏ bừng, vã mồ hôi; run, giảm kali máu, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực và giảm huyết áp; tăng khuynh hướng chảy máu tử cung; phù phổi; đau ngực; loạn nhịp; phản ứng mẫn cảm gồm có co thắt phế quản, mày đay và phù mạch.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Tim đập nhanh, hạ huyết áp, run, toát mồ hôi, vật vã

Xử trí: Dùng thuốc ức chế beta nếu cần thiết. Tăng cường theo dõi ở người bị bệnh hen, bệnh phổi – phế quản mạn tính tắc nghẽn, đái tháo đường và suy tim.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ 15 – 30 o C. Dung dịch thuốc sau khi pha phải dùng trong vòng 24 giờ.

Nguồn tài liệu tham khảo: Dược thư quốc gia 2018

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn