lcp

Sói Rừng


Sói rừng hay còn gọi là Sơn kế trà, Sói láng,... thuộc họ Hoa sói (Chloranthaceae) có danh pháp khoa học là Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai. Trong y học, Sói rừng có công dụng chữa ho, suy nhược, đau nhức nửa đầu,...Ngoài ra, Sói rừng còn được dùng trong điều trị các bệnh về xương khớp như viêm khớp, đau nhức xương, đụng giập, nắn bó gãy xương.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Sói rừng sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Sói rừng cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Sói Rừng

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Sơn kế trà, sói láng, co nộc sa (Thái), sáng cáy sà (Hoa)
  • Tên khoa học: Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai hay Chloranthus brachystachys Blume, Bladhia glabra Thunb.
  • Họ:  họ Hoa sói (Chloranthaceae).
  • Công dụng: chữa ho, suy nhược, đau nhức nửa đầu, viêm khớp, đau nhức xương, đụng giập, nắn bó gẫy xương.

Mô tả cây Sói rừng

Cây nhỏ, cao chừng 1m. Thân hóa gỗ, tròn, nhẵn.

Lá mọc đối, hình mác thuôn, dài 8 – 14 cm, rộng 3,5 cm, góc thuôn hẹp, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa hơi phân nhánh, mọc thành bông ở ngọn cành, lá bắc dài, hình mác nhọn; hoa to, có 1 nhị, bao phấn dày gần hình trụ.

Quả mọng, gần hình cầu, khi chín màu đỏ.

Mùa hoa tháng 3 – 4 và mùa quả:  8 – 10.

Sói Rừng

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Chi Sarcandra Gardn, ở Việt Nam chỉ có loài hoa sói rừng này.

Hoa sói rừng có nguồn gốc ở vùng Đông Á, phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ. Ở Việt Nam, hoa sói rừng phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi khu vực Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, vùng núi Ngọc Linh, Quảng Nam và Kon Tum.

Cây thuốc thuộc loài ưa ẩm, chịu bóng, thường mọc trên đất ẩm, thích hợp với vùng đất có nhiều mùn, dễ dàng tìm thấy cây ở dưới tán rừng, nhất là ở vùng rừng núi đá vôi. Cây ra hoa quả nhiều mỗi năm, các nhánh thân đã ra hoa quả sẽ tàn lụi sau một năm và từ gốc sẽ mọc lên một vài nhánh thân mới.

Thu hoạch: Mùa hoa tháng 3 – 4 và mùa quả tháng 8 – 10.

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.

Bộ phận sử dụng của Sói rừng

Toàn cây, rễ.

Sói Rừng

Thành phần hóa học

Theo Trung dược từ hải I, 1993, cây hoa sói rừng chứa vanillin, pelargonidin – 3 – rhamnosyl glucoside, glycoside.

Theo Tsui Wing – Yan et al., 1996, cây hoa sói rừng còn chứa 2 sesquiterpene là các chloranthalactone A và B.

Tác dụng của Sói rừng

Theo y học cổ truyền

Hoa sói rừng có vị cay, đắng, ít độc, tính hơi ấm. Rễ có nhiều tinh dầu thơm, có tác dụng giảm đau, trừ thấp, hoạt huyết, khu phong, giải độc, giảm phù nề, tiêu viêm.

Theo y học hiện đại

Tác dụng thực bào

Cây hoa sói rừng đem đi sắc nước, nước sắc có tác dụng thực bào, có vai trò to lớn trong hỗ trợ điều trị ung thư. Tuy nhiên, dầu bay hơi cất từ toàn cây có tác dụng ức chế thực bào. Đó là lý do cần đun sôi thật kỹ toàn cây hoa sói rừng để loại bỏ dầu bay hơi trước khi dùng.

Tác dụng chống ung thư

Tác dụng ức chế sự phát triển tế bào u báng (ascites) L – 415 và ức chế tế bào u sarcom S – 180 là 30,5 – 56,7% ở chuột nhắt trắng được tìm thấy khi các nhà nghiên cứu làm các phản ứng trên cao khô toàn cây của sói rừng.

Tinh dầu hoa sói rừng có tác dụng ức chế 30% – 40% các tế bào ung thư u bảng Ehrlich, ung thư Walker và sarcoma – 37. Tinh dầu làm giảm kích thước của khối u khi tiêm trực tiếp vào khối u, thể hiện độc tính tế bào rất mạnh, ngoài ra còn kéo dài thời gian sống của động vật.

Tác dụng kháng khuẩn

Cao toàn cây hoa sói rừng có tác dụng kháng khuẩn tốt trên một số loài Staphylococcus, Shigella, Salmonella, Escherichia coli và Streptococcus pyogenes.

Tác dụng trên hệ miễn dịch

Lá và cành cây hoa sói rừng có tác dụng miễn dịch tương tự như rễ nhân sâm, tác dụng làm tăng chức năng của hệ miễn dịch khi dùng liều nhỏ, còn khi sử dụng liều lớn sẽ làm giảm chức năng này.

Thử lâm sàng tác dụng chống ung thư

Toàn cây hoa sói rừng có cả tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư, nên dùng để chữa ung thư có biến chứng nhiễm khuẩn rất tốt. Trong số các loại ung thư, sói rừng đã cho thấy có hiệu quả tốt hơn đối với các loại ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư bạch cầu, ung thư thực quản, sarcom lưới dòng lympho. Sau khi dùng chế phẩm từ cây hoa sói rừng, triệu chứng bệnh giảm đi, ăn ngon, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ, tuổi thọ kéo dài.

Cao toàn cây sói rừng dùng lâu dài sẽ cải thiện được trạng thái lâm sàng của bệnh nhân, bệnh nhân sẽ ăn ngon miệng hơn, ăn uống được giúp bệnh nhân tăng cân. Ở một số trường hợp ung thư giai đoạn muộn, với các bệnh nhân có triệu chứng vàng da, dùng cao toàn cây mỗi ngày sẽ làm giảm nồng độ bilirubin trong máu và giảm vàng da.

Liều lượng và cách dùng Sói rừng

Hoa sói rừng được dùng chữa ho, suy nhược, đau nhức nửa đầu, viêm khớp, đau nhức xương, đụng giập, nắn bó gẫy xương. Ngày dùng 15 – 30g toàn cây sắc uống.

Để chữa đau nhức xương, dùng rễ tốt hơn. Dùng ngoài, toàn cây tươi giã nát, đắp vào chỗ đau nhức, đụng giập hoặc rễ để bó gãy xương.

Có thể dùng toàn cây phơi khô, tán bột, khi dùng chiều với nước hoặc rượu. dùng để trị các bệnh mụn nhọt, kiết lỵ, hoa sói rừng còn chữa viêm amidan, nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu.

Bài thuốc chữa bệnh từ Sói rừng

Hỗ trợ phòng cảm mạo

Dùng khoảng 20 gam cây sói rừng, sau đó thêm chút tía tô hoăc kim ngân, mỗi loại khoảng 10 gam, trộn đều sau đó đem đun nước uống. Chia hỗn hợp thu được thành nhiều phần, uống trong ngày, khoảng 3 ngày áp dụng bệnh sẽ thuyên giảm.

Chống nhiễm trùng vết thương

50 gam cành lá sói khô đem sắc với nước được một hỗn hợp thuốc, chia uống nhiều lần, mỗi lần với khoảng 1 lít nước. Ngày uống 3 lần. Bài thuốc này giúp vết thương không bị nhiễm trùng.

Chữa đau lưng

Lá sói rừng khô mua tại nhà thuốc, đem ngâm rượu, lưu ý có thêm một chút nước vào hỗn hợp đã có, chia bài thuốc thành nhiều phần, uống nhiều lần trong ngày.

Chữa bỏng da

Dùng cây sói rừng khô, đem tán thành vẩy mịn, càng mịn càng tốt, sau đó trộn với khoảng 2 phần hạt dầu sở, hỗn hợp sền sệt được hình thành, dùng hỗn hợp này đắp lên chỗ bị bỏng sẽ giúp chữa trị cũng như làm lành vết bỏng.

Bảo quản Sói rừng

Bảo quản nơi khô thoáng.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Sói rừng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Sói rừng

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn