lcp

Sử Quân Tử: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Sử quân tử hay còn được gọi là Quả Giun/ Nấc, Sử Quân Tử Nhân, Sách Tử Quả, Sử Quân Nhục, Đông Quân Tử, Binh Cam Tử, Lựu Cầu Tử, Ngữ Lăng Tử, Mác Giáo Giun, thuộc họ Bàng với danh pháp khoa học là Combretaceae. Cây sử quân tử có hoa nở đẹp, thường được trồng để làm cảnh. Trong y học, Sử quân tử thường được sử dụng để trị giun kim, giun đũa, tăng cường tiêu hóa và giảm đau nhức răng.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Sử quân tử sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Sử quân tử cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Sử quân tử, Quả Giun/ Nấc, Sử Quân Tử Nhân, Sách Tử Quả, Sử Quân Nhục, Đông Quân Tử, Binh Cam Tử, Lựu Cầu Tử, Ngữ Lăng Tử, Mác Giáo Giun
  • Tên khoa học: Quisqualis indica L.
  • Họ: Bàng - Combretaceae.
  • Công dụng: Sử quân tử thường được sử dụng để trị giun kim, giun đũa, tăng cường tiêu hóa và giảm đau nhức răng.

Mô tả cây Sử quân tử

Sử quân tử là một loại dây leo hay nói cho đúng loại cây mọc tựa vào cây khác, hoặc hàng rào. Lá mọc đối, đơn, nguyên, hình trứng đầu nhọn, phía cuống hơi tròn hình tim, dài 7-9cm, rộng 4-5cm, cuống ngán. Hoa hình ống, lúc đầu màu trắng, sau chuyển hồng và đỏ, mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành, dài 4-1 Ocm. Quả khô, hình trứng nhọn, dài 35mm, dầy 20mm, có 5 cạnh dọc hình 3 cạnh, có chứa một hạt dài phía dưới hơi rộng, phía đầu hơi mỏng, có 5 đường sống chạy dọc.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Thế giới: Sử quân tử có nguồn gốc từ châu Á và châu Phi.

Việt Nam: Cây sử quân mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và Trung nước ta. Hiện nay, cây còn được trồng làm cảnh ở khắp nơi vì cây xanh tốt quanh năm và cho hoa màu đỏ đẹp.

Thu hoạch: Hái quả chín, già lúc trời khô ráo về rồi phơi hoặc sấy khô nguyên quả để dễ bảo quản hơn. Khi dùng, đập vỡ vỏ quả và lấy nhân. Hoặc cũng có thể đập lấy nhân rồi sấy khô. Ở một số nơi, người dân còn đào rễ hoặc hái hoa để làm thuốc.

Chế biến: Có thể chế biến theo các cách sau:

  • Ngâm nhân hạt trong nước, sao vàng và bỏ lớp màng bao bên ngoài hạt.
  • Đập bỏ vỏ hạt và lấy nhân, sao thơm, dùng dần hoặc giã nát cả vỏ.
  • Ngâm nhân hạt trong nước, sao giòn rồi tán thành bột mịn.

Bộ phận sử dụng của Sử quân tử

Nhân hạt bên trong quả Sử quân tử.

Thành phần hóa học

Trong nhân hạt Sử quân tử chứa 21 - 22% chất béo màu xanh lục nhạt, thể chất sệt, vị nhạt, mùi giống nhựa và không có tác dụng tẩy giun.

Ngoài ra còn chứa 19 - 20% acid citric, các chất hữu cơ, gôm, đường và kali sunfat.

Muối kali của acid quisqualic chiết từ nhân hạt có tác dụng diệt giun.

Tác dụng của Sử quân tử

Theo y học cổ truyền

Sử quân tử có vị ngọt, tính ôn, không độc, quy vào kinh đại trường, tỳ và vị.

Tác dụng: Trừ thấp nhiệt, sát trùng, tiêu thực, kiện tỳ vị và tiêu tích.

Chủ trị: Cam tích ở trẻ em, sát trùng và chữa khỏi chứng tả lỵ, tiểu tiện đục, cải thiện tỳ vị, chữa các bệnh lở và ngứa ở trẻ em, nhiễm giun đũa, đau bụng, ăn không tiêu…

Theo y học hiện đại

Tác dụng diệt giun

Muối kali của acid quisqualic chiết từ nhân hạt cho tác dụng diệt giun mạnh so với một số vị thuốc Đông y khác cũng có tác dụng này như bách bộ, quán chúng, hắc sửu, lôi toàn, xuyên luyện tử, ô dược, bạch sửu...

Độc tính

Trong thí nghiệm tiêm dưới da dung dịch nước sắc sử quân tử trên chuột, xuất hiện hiện tượng chuột mỏi mệt, hô hấp chậm lại và không đều, sau đó toàn thân co quắp, ngưng thở và chết nhưng tim vẫn còn co bóp nhẹ.

Tác dụng chống oxy hoá

Theo nghiên cứu của Shah A vào năm 2019, cho thấy chiết xuất từ hoa Sử quân tử có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Bên cạnh đó, chiết xuất từ rễ, thân và lá cây cũng có tác dụng tương tự nhưng yếu hơn.

Tác dụng trị nấc

Nhân hạt Sử quân tử đã lột bỏ màng và cắt bỏ đầu dùng sống hoặc sắc uống có thể giảm nấc.

Liều lượng và cách dùng Sử quân tử

Chữa giun đũa: Người lớn dùng 10 nhân hạt, trẻ em dùng 3 - 5 nhân, tối đa 20g. Sau 72 giờ kể từ khi uống, nên dùng thêm một liều thuốc tẩy. Có thể dùng riêng hạt Sử quân tử hay phối hợp với những vị thuốc trị giun khác như đại hoàng hoặc bình lang (hạt cau).

Sử quân tử còn có thể sắc với nước và ngậm chữa đau nhức răng, liều lượng không hạn chế.

Bài thuốc chữa bệnh từ Sử quân tử

Thuốc cam giun giúp sự tiêu hóa (Đỗ Tất Lợi)

Sao vàng nhân sử quân tử đến giòn, tán nhỏ 2 phần. Ngâm thóc nảy mầm rồi sao vàng nửa phần. Tán nhỏ tất cả, trộn đều và sấy khô, có thể thêm đường rồi đóng thành bánh. Cho trẻ em bị giun, kém ăn, ăn không tiêu, gầy còm, da vàng, miệng hay chảy nước dãi uống 1 - 2 thìa cà phê bột mỗi ngày, hòa vào mật ong hoặc cháo.

Chữa đau nhức răng

Đập nát 10 quả Sử quân tử, thêm 1 bát nước, đun sôi trong 15 phút. Dùng để ngậm trong ngày, có thể nuốt nước này.

Trị hư thũng, mặt, chân tay phù ở trẻ em (Giản tiện phương)

Đập bỏ vỏ 40g quả sử quân tử, lấy nhân hạt, tẩm với mật rồi sao khô hoặc nướng, tán thành bột. Dùng 4g bột hòa với nước cơm hay nước cháo và uống mỗi ngày.

Thuốc cam Thác nghè

Sử quân tử sao vàng 3 phần, hoàng cầm 2 phần, bạch chỉ 5 phần; tán nhỏ. Uống 1 - 5 thìa cà phê mỗi ngày, chia thành 3 lần uống.

Trị lở ngứa ở mặt và đầu

Ngâm nhân hạt Sử quân tử với 1 ít dầu thơm trong 4 - 5 ngày. Sau đó, uống dầu này 1 lần mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Trị giun chui vào ống mật gây đau bụng

Sắc các vị thuốc: Sử quân tử, chỉ xác, khổ luyện bì, tân lang, mỗi vị 12g; quảng mộc hương 8g và ô mai 4g cùng với nước rồi uống.

Lưu ý khi sử dụng Sử quân tử

Dùng chung Sử quân tử với nước trà xanh có thể gây buồn nôn, choáng đầu, tiêu chảy, nấc và nôn mửa. Vì vậy khi đang dùng dược liệu này không nên uống nước trà.

Không dùng thức ăn nóng khi đang điều trị bằng Sử quân tử do tính chất kiêng kỵ.

Không dùng thuốc cho người tỳ vị hư hàn và không có trùng tích.

Trước khi dùng, cần phải lột bỏ lớp vỏ nhân hạt.

Bảo quản Sử quân tử

Dược liệu dễ ẩm mốc và mối mọt, vì vậy cần để nơi thoáng mát, kín và khô ráo. Thỉnh thoảng nên phơi khô để tránh ẩm mốc và mối mọt.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Sử quân tử cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Sử quân tử

XEM CHI TIẾT

Sản phẩm có thành phần Sử quân tử

XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn