lcp

Vitamin D2 (Ergocalciferol)


Vitamin D2 hay còn được gọi là Ergocalciferol, là một loại vitamin D có trong thực phẩm và được sử dụng như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống. Vitamin D2 thường có nhiều trong các thực phẩm như dầu cá, gan, lòng đỏ trứng, bơ,... và được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu vitamin D.

Chỉ định của Vitamin D2

Bổ sung vitamin D.

Điều trị suy tuyến cận giáp.

Chống chỉ định Vitamin D2

Tăng calci huyết, hội chứng kém hấp thu, nhạy cảm bất thường với tác dụng độc hại của vitamin D, ngộ độc vitamin D.

Thận trọng khi dùng Vitamin D2

Độc tính vitamin D: Có thể xảy ra với liều lượng quá cao; các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, mất nước, mệt mỏi, khó chịu, lú lẫn, suy nhược và/hoặc giảm cân. Tác dụng của vitamin D có thể kéo dài ≥ 2 tháng sau khi ngừng điều trị.

Tăng phosphat huyết: Nồng độ phospho huyết thanh bình thường phải được duy trì ở những bệnh nhân được điều trị tăng phosphat huyết để ngăn ngừa vôi hóa di căn.

Béo phì: Người lớn có BMI > 30 kg/m2 có nguy cơ cao bị thiếu vitamin D do dự trữ vitamin D trong mô mỡ. Có thể yêu cầu dùng liều cao hơn RDA, nhưng phải được theo dõi cẩn thận để tránh độc tính.

Suy thận: Sự chuyển hóa của vitamin D có thể bị thay đổi ở những bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính. Có thể cần bổ sung cholecalciferol và cần giám sát chặt chẽ.

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Chất chuyển hóa ergocalciferol (vitamin D2), 25(OH)D, đi qua nhau thai, nồng độ huyết thanh của mẹ tương quan với nồng độ của thai nhi khi sinh.

Thiếu vitamin D ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh. Nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh nên được đo ở những phụ nữ mang thai được coi là có nguy cơ thiếu hụt cao hơn. Lượng vitamin D có trong vitamin trước khi sinh có thể không đủ để điều trị tình trạng thiếu hụt trong thai kỳ; mặc dù có thể cần liều lượng lớn hơn, các hướng dẫn hiện hành khuyến nghị tổng cộng 1000 đến 2000 đơn vị/ ngày cho đến khi có thêm dữ liệu an toàn. Ở những phụ nữ không có nguy cơ thiếu hụt, nên tránh dùng liều lớn hơn RDA trong thời kỳ mang thai.

Nhu cầu vitamin D của người mẹ là như nhau đối với phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ không cho con bú. Liều lượng vitamin D mẹ cần để cung cấp đủ lượng vitamin D cho trẻ sơ sinh vẫn đang được nghiên cứu.

Thời kỳ cho con bú

Chất chuyển hóa 25(OH)D có thể được phát hiện trong sữa mẹ. Nhà sản xuất khuyến cáo nên thận trọng nếu dùng ergocalciferol cho phụ nữ đang cho con bú. Tăng calci huyết đã được ghi nhận ở trẻ bú mẹ sau khi mẹ sử dụng một lượng lớn vitamin D. Nồng độ canxi huyết thanh nên được theo dõi ở trẻ bú mẹ tiếp xúc với liều lượng lớn.

Một lượng nhỏ vitamin D được tìm thấy trong sữa mẹ sau khi mẹ tiếp xúc bình thường qua ánh sáng mặt trời và chế độ ăn uống. Lượng trong sữa mẹ không tương quan với nồng độ huyết thanh ở trẻ sơ sinh và hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ không đủ để đáp ứng lượng khuyến nghị cho trẻ bú mẹ. Vì vậy, việc bổ sung vitamin D được khuyến khích ở tất cả trẻ bú mẹ một phần hoặc hoàn toàn.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Nội tiết và chuyển hoá: Ngộ độc Vitamin D

Liều lượng và cách dùng Vitamin D2

Loãng xương, phòng ngừa:

Người lớn ≥ 50 tuổi:

Uống 800 đến 1.000 đơn vị/ ngày (20 đến 25 mcg/ ngày), thông qua các nguồn thực phẩm và/ hoặc bổ sung nếu cần.

Thiếu vitamin D:

Uống 600 đến 1.000 đơn vị (15 đến 25 mcg) một lần mỗi ngày.

Suy tuyến cận giáp:

Lưu ý: Các chế phẩm vitamin D tích cực (ví dụ, alfacalcidol , calcitriol) kết hợp với bổ sung canxi là liệu pháp được khuyến cáo. Việc bổ sung ergocalciferol (hoặc cholecalciferol) có thể được xem xét cho liệu pháp bổ sung.
Trẻ em:

Suy tuyến cận giáp:

Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên: Uống 50.000 đến 200.000 đơn vị (1.250 đến 5.000 mcg) mỗi ngày với chất bổ sung calci.

Phòng ngừa thiếu hụt vitamin D (ví dụ: Phòng ngừa bệnh còi xương):

  • Trẻ sơ sinh bú mẹ (hoàn toàn hoặc một phần): Uống 400 đơn vị (10 mcg) mỗi ngày bắt đầu trong vài ngày đầu đời; tiếp tục bổ sung trừ khi trẻ được chuyển sang bú sữa công thức hoàn toàn (thường là 800 đến 1.000 mL/ ngày).
  • Trẻ em và thanh thiếu niên không được cung cấp đủ lượng: Uống 600 đơn vị (15 mcg) mỗi ngày.

Thiếu vitamin D (nặng, có triệu chứng):

  • Trẻ sơ sinh: Uống 2.000 đơn vị (50 mcg) mỗi ngày trong 6 tuần để đạt được mức 25 (OH) D huyết thanh> 20 ng/ mL; tiếp theo là liều duy trì 400 đến 1.000 đơn vị (10 đến 25 mcg) mỗi ngày.
  • Trẻ em và Thanh thiếu niên: Uống 2.000 đơn vị (50 mcg) mỗi ngày trong 6 đến 8 tuần để đạt mức 25 (OH) D huyết thanh> 20 ng/ mL; tiếp theo là liều duy trì 600 đến 1.000 đơn vị (15 đến 25 mcg) mỗi ngày.

Điều trị hiếu hụt vitamin D liên quan đến CKD (giai đoạn 2 đến 5, 5D); 25 hydroxyvitamin D [25 (OH) D] trong huyết thanh mức ≤ 30 ng / mL:

  • Mức 25 (OH) D huyết thanh 16 đến 30 ng/ mL: Trẻ sơ sinh, Trẻ em và Thanh thiếu niên: Uống 2.000 đơn vị (50 mcg) mỗi ngày trong 3 tháng hoặc 50.000 đơn vị (1.250 mcg) mỗi tháng trong 3 tháng.
  • Mức 25 (OH) D huyết thanh mức 5 đến 15 ng/mL: Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên: Uống 4.000 đơn vị (100 mcg) mỗi ngày trong 12 tuần hoặc 50.000 đơn vị (1.250 mcg) cách ngày trong 12 tuần.
  • Mức 25 (OH) D huyết thanh < 5 ng/mL: Uống 8.000 đơn vị (200 mcg) mỗi ngày trong 4 tuần sau đó 4.000 đơn vị (100 mcg) mỗi ngày trong 2 tháng cho tổng liệu pháp 3 tháng hoặc 50.000 đơn vị (1.250 mcg) hàng tuần trong 4 tuần, tiếp theo là 50.000 đơn vị (1.250 mcg) 2 lần/ tháng trong tổng thời gian điều trị là 3 tháng.
  • Liều duy trì (sau khi bổ sung xong; nồng độ 25 (OH) D huyết thanh> 30 ng/ mL): Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên: Uống 200 đến 1.000 đơn vị (5 đến 25 mcg) mỗi ngày.

Bệnh còi xương do dinh dưỡng:

Dùng kết hợp với bổ sung canxi

Liệu pháp hàng ngày (ưu tiên):

  • Trẻ sơ sinh: Uống 2.000 đơn vị (50 mcg) mỗi ngày trong 3 tháng tuổi, tiếp theo là liều duy trì 400 đơn vị (10 mcg) mỗi ngày.
  • Trẻ em: Uống 3.000 đến 6.000 đơn vị (75 đến 150 mcg) mỗi ngày trong 3 tháng tuổi, tiếp theo là liều duy trì 600 đơn vị (15 mcg) mỗi ngày.
  • Thanh thiếu niên: Uống 6.000 đơn vị (150 mcg) mỗi ngày trong 3 tháng, sau đó là liều duy trì 600 đơn vị (15 mcg) mỗi ngày.

Liệu pháp đơn liều:

  • Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi: Uống 50.000 đơn vị (1.250 mcg) một lần, hoặc chia làm nhiều lần trong vài ngày; sau 3 tháng, bắt đầu liều duy trì 400 đơn vị (10 mcg) mỗi ngày.
  • Trẻ em: Uống 150.000 đơn vị (3.750 mcg) một lần, hoặc chia làm nhiều lần trong vài ngày; sau 3 tháng, bắt đầu liều duy trì 600 đơn vị (15 mcg) mỗi ngày.
  • Thanh thiếu niên: Uống 300.000 đơn vị (7.500 mcg) một lần, hoặc chia làm nhiều lần trong vài ngày; sau 3 tháng, bắt đầu liều duy trì 600 đơn vị (15 mcg) mỗi ngày.

Quá liều và xử trí quá liều

Không có báo cáo.

Tương tác với các thuốc khác

Không có báo cáo

Dược lý

Dược lực học

Ergocalciferol (vitamin D2) là một loại vitamin. Chất chuyển hóa có hoạt tính, 1,25 -dihydroxyvitamin D (calcitriol), kích thích hấp thu canxi và phosphat từ ruột non, thúc đẩy bài tiết canxi từ xương vào máu; thúc đẩy tái hấp thu phosphat ở ống thận.

Dược động học

Hấp thu

Thời gian hoạt động (onset): 10 – 24 giờ, hiệu quả tối đa khoảng 1 tháng ở liều hàng ngày.

Được hấp thụ ở ruột non, tan trong chất béo, cần có sự hoạt động của acid mật.

Phân bố

Không hoạt động cho đến khi được hydroxyl hóa ở gan thành 25-hydroxyvitamin D [25 (OH) D; calcifediol] sau đó qua thận thành chất chuyển hóa có hoạt tính 1,25-dihydroxyvitamin D (calcitriol).

Chuyển hoá

Thời gian bán hủy trong vòng tuần hoàn của 25 (OH) D là 2 đến 3 tuần và 1,25 -dihydroxyvitamin D khoảng 4 giờ.

Thải trừ

Bài tiết qua phân.

Bảo quản

Bảo quản vitamin D trong bao gói, kín, tránh ánh sáng và ẩm, ở nhiệt độ dưới 25 oC.

Ở dạng dung dịch: Sử dụng thuốc ngay sau khi đã mở bao gói, tránh tiếp xúc với ánh sáng. Vitamin D có thể liên kết mạnh với chất dẻo, dẫn đến một lượng thuốc đáng kể bị lưu giữ tại bao gói và bộ tiêm truyền.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyễn Lâm Ngọc Tiên

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Dược sĩ Nguyễn Lâm Ngọc Tiên đã có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chịu trách nhiệm cung ứng thuốc đảm bảo về số lượng và chất lượng và phát triển thị trường Dược tỉnh. Dược sĩ Ngọc Tiên cũng có chuyên môn tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Sản phẩm có thành phần Vitamin d2

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn