lcp

Kim Tiền Thảo: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Kim tiền thảo hay còn được gọi là Đồng tiền lông; Mắt trâu; Vảy rồng; Dây sâm lông; Bươm bướm; Cỏ đồng tiền vàng,... thuộc họ Đậu với danh pháp khoa học là Fabaceae. Trong y học, Kim tiền thảo có tác dụng chữa Sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, sỏi mật, hoàng đản, phong thấp, cảm cúm, ho, kinh nguyệt không đều, băng lậu bạch đới (cả cây sắc uống). Viêm tuyến mang tai, mụn nhọt.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Kim tiền thảo sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Kim tiền thảo cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Kim tiền thảo; Đồng tiền lông; Mắt trâu; Vảy rồng; Dây sâm lông; Bươm bướm; Cỏ đồng tiền vàng.
  • Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.
  • Họ: Fabaceae (Đậu).
  • Công dụng: chữa sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, sỏi mật, hoàng đản, phong thấp, cảm cúm, ho, kinh nguyệt không đều, băng lậu bạch đới (cả cây sắc uống). Viêm tuyến mang tai, mụn nhọt.

Mô tả cây Kim tiền thảo

Cây thảo, mọc bò, sau đứng thẳng, cao 0.3 – 0.5 m. Ngọn non dẹt, có khía và lông tơ trắng. Lá mọc so le, gồm 1 (đa số) hoặc 3 lá chét hình tròn, dài 1.5 – 3.4 cm, gốc bằng hoặc hơi hình tim, đầu tù hoặc hơi lõm, mặt trên màu lục xám nhạt, có gân rất rõ, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc, mềm như nhung; lá kèm có lông, có khía; cuống lá dài 1-2 cm, có lông.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thân thành chùm ngắn hơn lá; lá bắc sớm rụng; hoa màu hồng; đài 4 răng đều, có lông ngắn, tràng có cánh cờ hình bầu dục, các cánh bên thuôn, cánh thìa cong có tai; nhị 2 bó; bầu hơi có lông.

Quả đầu hơi cong, hạt có lông.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 5

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Trên thế giới, kim tiền thảo phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc, từ Nghệ an trở ra. Các tỉnh có nhiều kim tiền thảo là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình…..

Kim tiền thảo là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng cũng có thể hơi chịu được khô hạn. Cây thường mọc thành đám ở ven rừng, nhất là những nương rẫy mới bỏ hoang. Độ cao phân bố của cây thường là 600m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, quả chín tự mở để hạt thoát ra ngoài. Về mùa đông, cây có hiện tượng rụng lá hoặc tàn lụi. Cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Do khai thác liên tục, đặc biệt 4-5 năm trở lại đây, nguồn kim tiền thảo ở Việt Nam giảm đi rõ rệt. Một số vùng trước kia có nhiều như huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nay trở nên hiếm.

Thu hoạch và chế biến: Thời gian thích hợp để thu hái Kim tiền thảo là vào mùa hè. Bởi vì lúc này cây có nhiều lá và hoa.

Sơ chế: Mang dược liệu đi rửa sạch, để ráo nước và phơi khô để dùng.

Bộ phận sử dụng của Kim tiền thảo

Bộ phận sử dụng được là phần trên mặt đất, thu hái vào mùa hạ, thu, loại tạp chất, phơi hoặc sấy khô.

Thành phần hóa học

Flavonoids: Kaempferol, quercetin, vicenin 1, vicenin 2, vicenin 3, astragalin, schaftoside, isoschaftoside, vitexin, isovitexin.

Alkaloids: Desmodimine, desmodilactone, …

Terpenoids: Lupeol, soyasapogenol B, soyasapogenol E, soyasaponin I, …

Ngoài ra còn có: các hợp chất Steroides, Phenolic acid, Polysaccharid, Tinh dầu dễ bay hơi.

Kim tiền thảo được trồng và thu hái ở Việt Nam có fIavonoid 0,46 % và saponin 3,1 %.

Tác dụng của Kim tiền thảo

Theo y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, từ nhiều năm nay người ta đã biết đến Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.) với vai trò điều trị sỏi thận và rất ít có tác dụng phụ.

Kim tiền thảo có tính mát, vị ngọt, vào các kinh: Can, thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu.

Theo y học hiện đại

Chống hình thành sỏi calci oxalat.

Tác dụng hạ huyết áp: Tác dụng hạ huyết áp diễn ra theo 2 cơ chế: Kích thích thụ thể cholinergic, ức chế hạch thần kinh thực vật và thụ thể α – adrenergic. Tùy thuộc vào liều sử dụng, sẽ có tác dụng theo cơ chế 1 hoặc 2. Tác dụng ưu thế theo cơ chế 1 với liều sử dụng 300mg/kg, tác dụng ưu thế theo cơ chế 2 với liều 100mg/kg.

Tác dụng ức chế alcohol dehydrogenase (ADH).

Liều lượng và cách dùng Kim tiền thảo

Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc nước uống.

Kim tiền thảo được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, suy thận, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm.

Liều dùng: Mỗi ngày uống 15 – 30g, sắc nước uống.

Bài thuốc chữa bệnh từ Kim tiền thảo

Chữa sỏi đường tiết niệu:

Phối hợp các dược liệu: Kim tiền thảo 30g, Đông quỳ tử 15g, Xuyên phá thạch 15g, Hải kim sa 15g (gói trong vải), Hoạt thạch 15g, Hoài ngưu tất 12g. Sắc nước uống.

Hoặc phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 30g; Chích sơn giáp, Thanh bì, Ô dược, Đào nhân mỗi vi 10g; Xa tiền tử 15g; Xuyên ngưu tất 12g. Sắc nước uống.

Hoặc phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 40g, Mã đề 20g, Uất kim 12g, Ngưu tất 12g, Tỳ giải 20g, Trạch tả 12g, Kê nội kim 8g. Các vị trên sau khi chuẩn bị tiến hành cắt nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước còn lại 100ml uống mỗi ngày 2 lần trong ngày. Có thể thêm nhọ nồi 16g nếu tiểu ra máu. Hoặc Kim tiền thảo, Mã đề, rễ Dền gai (sao vàng), rễ Thiên lý, vỏ Bí đao, rễ Cỏ tranh, Dâu đen (sao thơm); mỗi vị 12g, sắc nước uống.

Chữa sỏi đường mật:

Phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 30g, Chỉ xác (sao) 10 - 15g, Hoàng tinh 10g, Sinh đại hoàng 10g, Xuyên luyên tử 10g. Sắc nước uống.

Hoặc dùng theo các nguyên liệu sau: Kim tiền thảo 20g; Nghệ vàng 8g; Cỏ xước 20g; Rau má tươi 20g; Hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu, mỗi vị 12g; Mề gà 6g; Hải tảo 8g; nước 500 ml. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, sau đó tiến hành sắc còn 200ml, uống một lần lúc đói, hoặc sắc uống làm hai lần trong ngày.

Chữa viêm thận, viêm gan, viêm túi mật, phù:

Phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 40g; Dành dành, Chút chít, mỗi vị 10g, Mộc thông, Ngưu tất mỗi vị 20g; sắc uống, ngày một thang.

Lưu ý khi sử dụng Kim tiền thảo

Kim tiền thảo là vị thuốc phổ biến ít tác dụng phụ nhưng cần lưu ý khi sử dụng như sau:

Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu: Không được dùng cho những người tỳ hư, tiêu chảy, phụ nữ mang thai,...

Uống vào lúc no đối với người bị đau dạ dày.

Kim tiền thảo là một trong những giải pháp hiệu quả và an toàn cho người bị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên người bệnh cần phải có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh kết hợp với dùng thuốc để có hiệu quả tối ưu nhất. Nên uống nhiều nước tinh khiết và tránh ăn quá mức thực phẩm chứa nhiều oxalat hoặc axit oxalic, như cà phê, ca cao, trà, đại hoàng, sô cô la, rau bina và các thực phẩm thực vật khác… để giảm sự tích tụ các thành phần tạo sỏi.

Bảo quản Kim tiền thảo

Bảo quản dược liệu ở nơi kín, khô ráo, tránh ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Kim tiền thảo cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Kim tiền thảo

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn