lcp

Sơn thù du là thuốc gì? Tác dụng của Sơn thù


Sơn thù là một loài cây có quả dùng làm thuốc gọi là sơn thù du. Loại dược liệu này từ lâu đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y điều trị các bệnh như đau lưng mỏi gối, tiểu tiện vàng, thận hư yếu… Hãy cùng Medigo tìm hiểu một số công dụng khác của quả thù du trong bài viết sau nhé.

Sơn thù du là gì?

Sơn thù du là loại quả chín được thu hoạch từ cây sơn thù (Cornus officinalis), sau đó được sấy hoặc phơi khô. Quả sơn thù còn có tên gọi khác là táo bì, sơn du nhục, sơn thù du, với tên khoa học là Fructus Corni officinalis, thuộc về họ Sơn thù (Cornaceae). Cây sơn thù xuất hiện nhiều nhất ở các tỉnh của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Triết Giang, An Huy, Sơn Đông, Hà Nam, Thiểm Tây. Tại Việt Nam hiện nay, sơn thù chủ yếu đều được nhập từ Trung Quốc.

Mô tả cây

Sơn thù là loài cây nhỏ, chiều cao khoảng 4m và sống lâu năm. Vỏ cây có màu nâu xám, cành nhỏ không có lông bao phủ, cây có lá đơn mọc đối nhau, cuống lá ngắn, đáy tròn và đầu nhọn, mép lá nguyên có từ 5 – 7 đôi gân phụ. Hoa sơn thù du nở trước lá và mọc thành từng tán, hoa nhỏ màu vàng. Quả của cây hình trái xoan và chuyển màu đỏ tươi khi chín, vỏ nhẵn mịn và nhăn nheo hình mạng khi được phơi khô. Mùa hoa sơn thù du nở vào khoảng tháng 5 – 6, còn quả sẽ mọc vào tháng 8 – 10.

sơn thù dù

Sơn thù là loài cây nhỏ, chiều cao khoảng 4m và sống lâu năm

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận sử dụng của cây sơn thù là quả chín. Quả được thu hái dùng làm thuốc cần đáp ứng các tiêu chí như vỏ hồng, thịt dày. Những quả thịt mỏng và màu nhạt sẽ cho chất lượng kém hơn. Thời điểm thu hoạch quả chín thường là giai đoạn cuối thu đầu đông. Sau khi thu hái quả, người ta sẽ nhúng qua nước sôi khoảng vài phút, loại bỏ phần hạt và phơi khô phần thịt. Có một số cách chế biến quả sơn thù du như sau:

  • Ngâm chung với rượu, loại bỏ hạt và lấy phần thịt, sấy thịt khô với lửa nhỏ và dùng dần.
  • Tẩm sơn thù du với rượu theo tỉ lệ 60ml rượu cho 1kg thịt quả. Sau đó cho vào bình và đậy kín nắp, đun cách thủy tới khi rượu được thấm hút hết trong thịt quả. Cuối cùng lấy thịt quả đem phơi khô và dùng dần.

Quả thù du sau khi đã chế biến có hình nang hoặc hình phiến, hầu hết đều bị vỡ, bề mặt nhăn, độ dài từ 1 – 1,5cm, cùi dày dưới 0,12cm. Vỏ ngoài màu đen tím hoặc màu hồng, có miệng đã được rạch và loại bỏ hạt, một đầu có rốn nhỏ hình tròn. Màu quả đậm, màu mặt trong nhạt hơn mặt ngoài, không trơn bóng. Quả có vị hơi đắng, chua chát và không có mùi. Sơn du nhục cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.

quả sơn thù du

Thành phần hóa học của Sơn thù

Trong quả sơn thù du có chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng như threonine, serine, histidine, valine, cornus-tannin, phytochemistry, isoterchebin, vitamin A, secologanin, tannin, glucoside, axit malic, axit gallic, axit tartric, axit ursolic, morroniside… Ngoài ra trong quả sơn du nhục người ta còn tìm thấy nhiều glucoside như loganin, sweroside, metylmorroniside, cornuside, morroniside…

Trong lá của cây sơn thù có chứa chất secologanin (Jensen S.R . et.al Phytochemistry, 1973,64,2064). Ngoài ra lá tươi của cây còn có vitamin C và E.

Tác dụng của Sơn thù du

Quả thù du từ lâu đã được chứng minh là có những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Sau đây là một số tác dụng dược lý của sơn thù du theo y học cổ truyền và y học hiện đại:

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Tính ấm, vị chua, sáp, quy vào kinh Can và Thận.

Công dụng: Sáp tinh khí, cố tinh khí, chỉ huyết, chỉ hãn, liễm tinh, ôn can, tráng nguyên khí, bí tinh, noãn yêu tất, phá trưng kết, trợ thủy tạng.

Chủ trị:

  • Điều trị tình trạng kinh nguyệt không đều ở nữ giới, đàn ông di tinh, liệt dương, trị đau lưng mỏi gối
  • Làm tinh khí bền, bổ can thận, cầm không ra mồ hôi nhiều đối với người bệnh suy nhược lâu ngày
  • Điều trị các chứng tiểu đêm nhiều, tiểu tiện nhiều trong ngày, bệnh tiểu gắt

Theo y học hiện đại

Cao quả thù du được sử dụng để kháng khuẩn, đặc biệt là trực khuẩn lỵ và thương hàn.

Cao quả thù du cũng được dùng để ngăn ngừa loạn nhịp tim, công dụng này đến từ sự kéo dài điện thế hoạt động, tăng điện thế nghỉ cũng như giảm thiểu tính tự phát ở nút xoang.

Bên cạnh đó, quả sơn du nhục cũng có công dụng hạ huyết áp và lợi tiểu.

tác dụng của sơn thù du

Quả sơn thù du có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe

Một số bài thuốc từ Sơn thù du

Tăng cường sinh lực cho nam giới: Chuẩn bị 10g ngũ vị, 12g cam thảo, 5 quả đại táo, 16g liên nhục, 16g hoàng kỳ, 16g bạch truật, 12g nhục thung dung, 20g tơ hồng xanh, 16g thục địa, 12g khởi tử, 10g nhân sâm, 12g cẩu tích, 16g quả sơn thù. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày, sắc 3 lần uống làm 3 lần.

Điều trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh:

  • Bài 1: Chuẩn bị 0,1g bột xạ hương, 10g đương quy, 10g bồ cốt chỉ, 10g sơn thù, luyện mật thành hoàn và dùng với nước muối nhạt.
  • Bài 2: Chuẩn bị 6g mỗi vị thuốc gồm ngũ vị tử, hoàng bá, cam cúc hoa, địa hoàng, thạch xương bồ, sơn thù. Sắc lấy nước uống mỗi ngày hoặc ngâm rượu và uống trong 15 ngày, nghỉ 10 ngày rồi tiếp tục uống thêm từ 3 – 5 lần.

Điều trị chứng suy nhược cơ thể, ra mồ hôi ở trẻ sau khi mắc bệnh: Chuẩn bị 3g cam thảo, 12g sinh bạch thược, 12g sinh mẫu lệ, 12g sinh long cốt, 30g đảng sâm, 30g quả thù du và sắc lấy nước uống.

Điều trị kinh nguyệt ra nhiều do giảm tiểu cầu hoặc cơ thể yếu:

  • Bài 1: 4 – 8g nhân sâm và 30g quả sơn thù, sắc lấy nước uống (không dùng cho trường hợp huyết nhiệt)
  • Bài 2: Chuẩn bị 12g bạch thược, 12g đương quy, 15g thục địa, 15g quả sơn thù và sắc lấy nước uống.

Điều trị tình trạng cholesterol máu tăng cao: Chuẩn bị 8g đơn bì, 8g phục linh, 8g trạch tả, 10g sơn thù, 10g hoài sơn, 20g thục địa, sắc lấy nước uống.

Điều trị chứng tăng huyết áp cho người có bệnh thận: Chuẩn bị 6g mẫu đơn bì, 10g trạch tả, 10g cúc hoa, 10g kỷ tử, 12g thạch hộc, 12g hoài sơn, 12g sinh địa, 12g phục linh, 10g quả thù du, sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.

Điều trị chứng ù tai, thận hư: Chuẩn bị mỗi vị thuốc đều 6g gồm ngũ vị tử, hoàng bá, cam cúc hoa, địa hoàng, thạch xương bồ, quả thù du. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày hoặc ngâm rượu uống. Dùng trong 15 ngày, nghỉ 10 ngày rồi dùng tiếp 3 – 5 lần.

vị thuốc từ sơn thù du

Một số bài thuốc có thành phần từ quả sơn thù du

Lưu ý khi sử dụng Sơn thù du

  • Quả thù du chủ yếu được sử dụng ở dạng sắc lấy nước
  • Liều lượng sử dụng phù hợp là từ 6 – 12g/ngày, có thể lên tới 30g/ngày nếu cần (theo chỉ định của thầy thuốc)
  • Tương kỵ với phòng kỷ, phòng phong, cát cánh
  • Thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân mắc tiểu khó, tiểu ít
  • Không nên dùng cho người bị hỏa thịnh, thấp nhiệt
  • Có thể kết hợp với liễu thực để đạt kết quả điều trị cao nhất

Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn nắm được thêm thông tin về cây sơn thù và quả thù du. Đừng quên tìm hiểu thêm nhiều vị thuốc quý khác trên Medigo nhé.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Sơn thù

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn