lcp

Xây dựng hồ sơ sức khoẻ cho bản thân

4.9

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

Hồ sơ sức khỏe của bản thân cũng phục vụ một mục đích tương tự như sơ yếu lý lịch để xin việc. Đó là cách tiết kiệm thời gian cho bạn và các bác sĩ để có thể nâng cao chất lượng chăm sóc, cho phép thảo luận sâu về các vấn đề sức khỏe quan trọng nhất của mình thay vì phải tốn thời gian lục lọi tìm những thông tin cơ bản mà nhiều khi bạn cũng không thể nhớ hết.

Hồ sơ sức khỏe là gì?

Hồ sơ sức khỏe là một bản tóm tắt rõ ràng và chính xác về các tình trạng y tế cũng như các loại thuốc bạn đã và đang sử dụng. Nó được mô phỏng theo trình tự bình thường của bệnh sử và được đưa cho bác sĩ hoặc y tá. Hồ sơ sức khỏe cá nhân không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian điền vào các biểu mẫu khi gặp bác sĩ mà còn có thể giảm thiểu các sai sót y tế.

lọc kk-04.jpg

Sau đây là các chủ đề cơ bản cho Hồ sơ sức khỏe của mỗi cá nhân:

Tên, ngày sinh và giới tính

Lịch sử y tế: Bản tóm tắt cơ bản về các tình trạng bao gồm dị ứng, bệnh thời thơ ấu, bệnh hiện tại, tiền sử hút thuốc, sử dụng rượu và ma túy, các giai đoạn trong quá khứ như đau đầu, các vấn đề về đường tiêu hóa, trầm cảm hoặc viêm khớp. Ngoài ra, bạn cũng nên ghi lại chiều cao, cân nặng và chỉ số BMI của cơ thể để điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như luyện tập thể dục thể thao khi cần thiết.

Lịch sử vaccine: Liệt kê các vaccine bạn đã chích kèm thời gian ngày tháng năm nếu có. Việc chích vaccine hàng năm chủng ngừa bệnh thông dụng như cúm cũng là một biện pháp bảo vệ hiệu quả.

Lịch sử phẫu thuật: Bất cứ điều gì từ sinh thiết đến phẫu thuật não, các vấn đề về điều trị bệnh hoặc các biến chứng khác.
Nếu bạn có lịch sử phẫu thuật đặt thiết bị y tế trong cơ thể như thiết bị tạo nhịp tim (pacemaker), stent v.v thì cần ghi chú rõ thời gian và chi tiết về loại thiết bị.

Tai nạn: Gãy xương, chấn thương gặp phải khi tập thể thao và tai nạn trước đó, kèm theo ngày tháng (gần đúng là được).

Khám sàng lọc: Ngày và kết quả của các xét nghiệm quan trọng, chẳng hạn như chỉ số đường huyết, nhóm máu, cholesterol hoặc PSA (kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt, dành cho nam giới trên 50 tuổi).
Nếu bình thường, chỉ cần đặt WNL- within normal limits (viết tắt của "trong giới hạn bình thường"). Ngày và kết quả chụp nhũ ảnh, nội soi đại tràng và phết tế bào cổ tử cung.

Vấn đề về An toàn: Ghi lại thông tin về môi trường sống của bạn như nguồn nước sử dụng, tình trạng vệ sinh, không khí có ẩm mốc, khói bụi công nghiệp hay âm thanh ồn ào. Bạn có thường xuyên đội mũ bảo hiểm hay không.

Mối quan hệ xã hội: Liệt kê tình trạng mối quan hệ hiện tại của bạn (độc thân hay đã lập gia đình, và trong bao lâu), công việc hiện tại của bạn và những người sống trong gia đình bạn. Lưu ý xem bạn đã từng là người nghiện ma túy hay nghiện rượu. Nếu bạn đã hoặc đang hút thuốc thì cần ghi lại tần suất và số lượng thuốc hút, hoặc năm đã dừng hút thuốc.

Lịch sử tập luyện: Loại hình, thời lượng và tần suất tập luyện thể thao hay vận động của bạn.

Thói quen ăn uống và nghỉ ngơi: Lưu ý xem bạn có một chế độ ăn uống cân bằng hay không. Liệt kê bất kỳ loại thuốc nào bạn đã sử dụng để kiểm soát chế độ ăn uống của mình và bất kỳ chế độ ăn kiêng nào bạn đã sử dụng để giảm cân.
Ghi lại thói quen nghỉ ngơi và thời lượng ngủ trung bình mỗi ngày của bạn. Lưu ý nếu bạn có vấn đề thường xuyên cần hỗ trợ để đi vào giấc ngủ.

Thuốc: Liệt kê các loại thuốc bạn đang uống cũng như bất kỳ loại thực phẩm chức năng, chất bổ sung không kê đơn và vitamin mà bạn đang dùng.
Lưu ý nếu bạn có lịch sử đáp ứng thuốc ví dụ bác sĩ đã từng thay đổi thuốc vì cơ thể bạn không đáp ứng tốt với một loại thuốc nào trước đó.

Lịch sử Sản – Phụ khoa: Phụ nữ cần ghi lại số lần mang thai, phá thai, sẩy thai và số con đã sinh; tuổi có kinh lần đầu; tính đều đặn của các kỳ; tiền sử sử dụng các biện pháp tránh thai hay liệu pháp hormone thay thế và các vấn đề phụ khoa khác.

Lịch sử gia đình: Cố gắng thu thập thông tin về các vấn đề y tế tồn tại trong gia đình, thói quen sống, thuốc men và dị ứng cho từng thành viên của bốn thế hệ: con cái, anh chị em của bạn và con cái của họ, cha mẹ và ông bà của bạn ở cả hai bên.
Khi bạn có đầy đủ dữ liệu, bạn sẽ biết được nguy cơ cũng như các tình trạng bệnh lý di truyền (nếu có). Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn cũng như chăm sóc sức khỏe của bạn và gia đình tốt hơn.

Nguồn: UCSF Health https://www.ucsfhealth.org/education/your-body-resume

Biên dịch: Ds. Lư Nguyễn Cẩm San

Đánh giá bài viết này

(8 lượt đánh giá).
4.9
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm