lcp

Omeprazole


Omeprazole là một thuốc thuộc nhóm ức chế bơm acid dạ dày (PPI), là dẫn xuất của benzimidazole. Omeprazole được dùng để điều trị các bệnh trào ngược dạ dày, loét dạ dày, kết hợp với kháng sinh để điều trị Hp trong dạ dày.

Thông tin chung

Hoạt chất: Omeprazole (Omeprazole)

Mã ATC: A02BC01

Loại thuốc: Chống loét dạ dày, tá tràng, ức chế bơm proton.

Dạng thuốc và hàm lượng:

  • Viên nang/viên nén giải phóng chậm: 10 mg; 20 mg; 40 mg.
  • Thuốc bột pha hỗn dịch uống: 2,5 mg/gói; 10 mg/gói; 20 mg/gói, 40 mg/gói.
  • Bột pha tiêm: 40 mg (dạng muối natri).

Dược lý

Dược lực học

Omeprazole là một benzimidazole đã gắn các nhóm thế, có cấu trúc và tác dụng tương tự như pantoprazole, lansoprazole, esomeprazole. Omeprazole là thuốc ức chế sự bài tiết acid của dạ dày do ức chế hệ enzym hydro/kali adenosin triphosphatase (H+/K+ ATPase) còn gọi là bơm proton ở tế bào thành của dạ dày. Uống hàng ngày một liều duy nhất 20 mg omeprazole tạo được sự ức chế tiết acid dạ dày mạnh và hiệu quả. Tác dụng tối đa đạt được sau 4 ngày điều trị. Ở bệnh nhân loét tá tràng, có thể duy trì việc giảm 80% acid dịch vị trong 24 giờ.

Omeprazole có thể kìm hãm được vi khuẩn Helicobacter pylori ở người bệnh loét tá tràng và/hoặc viêm thực quản trào ngược bị nhiễm vi khuẩn này. Phối hợp omeprazole với một số thuốc kháng khuẩn (thí dụ clarithromycin, amoxicillin) có thể tiệt trừ H. pylori kèm theo liền ổ loét và thuyên giảm bệnh lâu dài.

Dược động học

Omeprazole bị phá hủy trong môi trường acid. Thuốc được bào chế dưới dạng các hạt bao tan trong ruột rồi đóng vào nang hoặc dập thành viên nén để tránh sự phá hủy ở pH acid của dạ dày. Omeprazole được hấp thu thường là hoàn toàn ở ruột non sau khi uống từ 3 đến 6 giờ. Sinh khả dụng khoảng 60%. Thuốc gắn khoảng 95 % vào protein huyết tương. Tuy omeprazole có nửa đời trong huyết tương ngắn, nhưng thuốc có thời gian tác dụng dài (do sự gắn kéo dài của thuốc vào H+/K+ ATPase). Vì vậy có thể chỉ dùng thuốc mỗi ngày một lần.

Sau khi hấp thu, omeprazole được chuyển hóa hầu như hoàn toàn ở gan, chủ yếu nhờ isoenzyme CYP2C19 của cytochrom P450 để thành hydroxy omeprazole, và một phần nhỏ chuyển hóa qua CYP3A4 để thành omeprazole sulfon. Các chất chuyển hóa này không có hoạt tính và được đào thải chủ yếu qua nước tiểu và một phần qua phân.

Công dụng của thuốc Omeprazole

  • Khó tiêu do tăng tiết acid.
  • Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
  • Bệnh loét dạ dày - tá tràng.
  • Hội chứng Zollinger - Ellison.
  • Dự phòng loét do stress, loét do thuốc chống viêm không steroid.

Liều dùng và cách dùng Omeprazole

Đường uống:

Omeprazole phải uống lúc đói (trước khi ăn 1 giờ). Phải nuốt viên thuốc nguyên vẹn không được mở, nhai hoặc nghiền.

Để giảm bớt chứng khó tiêu liên quan đến acid, omeprazole được uống hàng ngày với liều 10 hoặc 20 mg trong từ 2 đến 4 tuần.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Liều thường dùng là 20 mg omeprazole uống ngày một lần trong 4 tuần, sau đó thêm 4 đến 8 tuần nữa nếu chưa lành hẳn. Trường hợp viêm thực quản khó trị, có thể dùng liều hàng ngày là 40 mg. Điều trị duy trì viêm thực quản sau khi lành là 20 mg ngày một lần, và với trào ngược acid là 10 mg mỗi ngày.

Điều trị loét dạ dày - tá tràng: Uống hàng ngày một liều 20 mg hoặc 40 mg trong trường hợp nặng. Với loét tá tràng, điều trị tiếp tục trong 4 tuần, còn với loét dạ dày là 8 tuần.

Để tiệt trừ Helicobacter pylori trong bệnh loét dạ dày - tá tràng, có thể phối hợp omeprazole với các thuốc kháng khuẩn trong phác đồ 3 hoặc 4 thuốc. Phác đồ trị liệu ba thuốc bao gồm omeprazole 20 mg, uống 2 lần mỗi ngày hoặc 40 mg ngày một lần, phối hợp với amoxicillin 1 g và clarithromycin 500 mg, cả hai thuốc uống hai lần mỗi ngày. Khi phác đồ 3 thuốc không có kết quả, thêm chế phẩm bismuth (phác đồ 4 thuốc). Những phác đồ này uống trong 1 tuần. Riêng omeprazole có thể tiếp tục thêm 4 - 8 tuần nữa.

Điều trị loét liên quan đến dùng thuốc chống viêm không steroid: Có thể dùng liều 20 mg omeprazole uống hàng ngày; liều 20 mg hàng ngày cũng có thể dùng để dự phòng cho bệnh nhân có tiền sử thương tổn dạ dày - tá tràng mà vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc chống viêm không steroid.

Người bệnh bị hội chứng Zollinger - Ellison: Liều khởi đầu là 60 mg omeprazole uống một lần mỗi ngày, rồi điều chỉnh nếu cần thiết. Đa số bệnh nhân được kiểm soát hữu hiệu bằng các liều trong khoảng 20 đến 120 mg mỗi ngày, nhưng các liều tới 120 mg, ba lần một ngày cũng đã từng được sử dụng. Các liều hàng ngày trên 80 mg phải được chia nhỏ (thường là 2 lần).

Omeprazole cũng được dùng để dự phòng chống sặc acid trong quá trình gây mê, với liều 40 mg buổi tối hôm trước khi mổ và một liều 40 mg nữa vào khoảng 2 - 6 giờ trước khi phẫu thuật.

Bệnh nhân suy gan: Liều của omeprazole có thể cần phải giảm.

Tiêm, truyền tĩnh mạch: Ở những bệnh nhân không phù hợp điều trị omeprazole bằng đường uống, natri omeprazole có thể dùng ngắn hạn bằng đường truyền tĩnh mạch với liều tương đương 40 mg omeprazole trong thời gian từ 20 đến 30 phút trong 100 ml dung dịch natri clorid 0,9% hoặc glucose 5%. Thuốc cũng có thể dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch chậm. Bệnh nhân bị hội chứng Zollinger - Ellison cũng đã được tiêm tĩnh mạch với các liều cao hơn.

Cách dùng và liều lượng ở trẻ em:

Với trẻ em dưới 6 tuổi, vì sợ hóc do khó nuốt, có thể mở nang omeprazole rồi trộn với một loại thực phẩm hơi acid (pH < 5) như sữa chua, nước cam rồi cho nuốt ngay mà không nhai. Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản ở trẻ em trên 1 tuổi, liều lượng được xác định theo thể trọng như sau:

Từ 5 đến < 10 kg: Uống 5 mg, ngày một lần.

Từ 10 đến 20 kg: Uống 10 mg, ngày một lần.

Trên 20 kg: 20 mg, ngày một lần.

Những liều này có thể tăng lên gấp đôi, nếu cần thiết. Điều trị có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần.

Với bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, khó tiêu do acid, loét tá tràng và dạ dày lành tính, bao gồm cả loét do dùng thuốc chống viêm không steroid, dự phòng chứng sặc acid, hội chứng Zollinger - Ellison, và để giảm sự phá hủy của các chất bổ sung enzym tụy tạng ở trẻ em bị xơ nang tụy, có thể dùng liều omeprazole 700 microgam/kg ngày 1 lần ở trẻ em sơ sinh và trẻ từ 1 tháng đến 2 năm tuổi.

Nếu cần thiết, sau 7 - 14 ngày có thể tăng liều ở trẻ em sơ sinh, lên 1,4 mg/kg, ngày 1 lần; một số trẻ sơ sinh có thể cần tới 2,8 mg/kg, ngày một lần. Ở trẻ tới 2 năm tuổi, liều có thể tăng lên tới 3 mg/kg (tới tối đa 20 mg) ngày 1 lần.

Với liều tiêm ở trẻ em, có thể tiêm tĩnh mạch 500 microgam/kg (tới tối đa 20 mg) ngày một lần ở trẻ em từ 1 tháng đến 12 năm tuổi và có thể tăng lên tới 2 mg/kg (tới tối đa 40 mg) ngày 1 lần, phối hợp với kháng sinh là clarithromycin cộng amoxicilin theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

Chống chỉ định Omeprazole

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc

Thận trọng khi dùng Omeprazole

Trước khi cho người bị loét dạ dày dùng omeprazole, phải loại trừ khả năng bị u ác tính (thuốc có thể che lấp các triệu chứng, do đó làm muộn chẩn đoán).

Với người cao tuổi, không cần thiết phải điều chỉnh liều lượng.

Ở người suy thận, sinh khả dụng của omeprazole thay đổi không đáng kể.

Ở người suy gan, diện tích dưới đường cong tăng và sự đào thải của thuốc chậm lại; một liều 20 mg omeprazole mỗi ngày thường là đủ cho những người bệnh này.

Trên súc vật, khi dùng omeprazole thời gian dài với liều tương đối cao, thấy có sự biến đổi hình thái học ở niêm mạc dạ dày. Ở chuột cống, trong thời gian 24 tháng dùng omeprazole thấy có tăng tỷ lệ ung thư dạ dày. Mặc dù không thấy xảy ra trên người sau khi dùng omeprazole thời gian ngắn, cần có số liệu lâu dài hơn để loại trừ khả năng tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở bệnh nhân dùng dài hạn thuốc này.

Sử dụng các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (thí dụ nhiễm SalmonellaCampylobacter).

Ngừng sử dụng và hỏi bác sĩ nếu: chứng ợ nóng của bạn tiếp tục hoặc trầm trọng hơn; cần dùng sản phẩm này trong hơn 14 ngày, cần phải thực hiện nhiều hơn 1 đợt điều trị cứ sau 4 tháng; bị tiêu chảy; bị phát ban hoặc đau khớp

Tác dụng không mong muốn

Omeprazole dung nạp tốt và các tác dụng không mong muốn tương đối ít gặp, thường lành tính và có hồi phục.

Thường gặp, ADR > 1/100.

  • Toàn thân: Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
  • Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, trướng bụng.

Ít gặp, 1/1 000 < ADR<1/100

  • Thần kinh: Mất ngủ, rối loạn cảm giác, mệt mỏi.
  • Da: Mày đay, ngứa. nổi ban.
  • Gan: Tăng transaminase nhất thời.

Hiếm gặp, ADR < 1/1 000

  • Toàn thân: Đổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốc phản vệ.
  • Huyết học: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ các dòng tế bào máu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết tự miễn.
  • Thần kinh: Lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác.
  • Nội tiết: Vú to ở đàn ông.
  • Tiêu hóa: Viêm dạ dày, nhiễm nấm Candida, khô miệng.
  • Gan: Viêm gan kèm vàng da hoặc không vàng da, bệnh não – gan ở người suy gan.
  • Hô hấp: Co thắt phế quản.
  • Cơ - xương: Đau khớp, đau cơ.
  • Tiết niệu, sinh dục: Viêm thận kẽ.
  • Các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do tác dụng ức chế tiết acid dịch vị.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc - thuốc:

Omeprazole không có tương tác quan trọng trên lâm sàng khi được dùng cùng với thức ăn, rượu, amoxicillin, bacampicillin, cafein, lidocain, quinidin hoặc theophyline. Thuốc cũng không bị ảnh hưởng do dùng đồng thời metoclopramid.

Omeprazole có thể làm tăng nồng độ cyclosporin trong máu.

Omeprazole làm tăng tác dụng của kháng sinh tiệt trừ Helicobacter pylori.

Omeprazole ức chế chuyển hóa của các thuốc bị chuyển hóa bởi hệ enzyme cytochrom P450 của gan và có thể làm tăng nồng độ diazepam, phenytoin và warfarin trong máu. Sự giảm chuyển hóa của diazepam làm cho tác dụng của thuốc kéo dài hơn. Với liều 40 mg/ngày, omeprazole ức chế chuyển hóa của phenytoin và làm tăng nồng độ của phenytoin trong máu, nhưng liều omeprazole 20 mg/ngày lại có tương tác yếu hơn nhiều. Omeprazole ức chế chuyển hóa của warfarin nhưng lại ít làm thay đổi thời gian chảy máu.

Omeprazole làm tăng tác dụng chống đông máu của dicoumarol.

Omeprazole làm giảm chuyển hóa của nifedipin ít nhất là 20% và có thể làm tăng tác dụng của nifedipin.

Clarithromycin ức chế chuyển hóa của omeprazole và làm cho nồng độ omeprazole tăng cao gấp đôi.

Tương kỵ: 

Để có dung dịch tiêm tĩnh mạch, phải pha bột omeprazole với dung môi kèm theo. Không được dùng dung môi khác.

Không được trộn hoặc pha dung dịch omeprazole để tiêm tĩnh mạch với các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch khác.

Tương tác thuốc - bệnh:

Omeprazole ⇔ C.diff (Mối nguy tiềm ẩn lớn, mức độ hợp lý vừa phải. Điều kiện áp dụng: Viêm đại tràng giả mạc, Tiêu chảy): Các nghiên cứu quan sát được công bố cho thấy việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến Clostridium difficile (CDAD), đặc biệt ở những bệnh nhân nhập viện. Chẩn đoán này nên được xem xét đối với trường hợp tiêu chảy không cải thiện. Khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng liều thấp nhất và thời gian điều trị PPI ngắn nhất phù hợp với tình trạng bệnh đang được điều trị. Nên theo dõi chặt chẽ ở những bệnh nhân bị tiêu chảy và ở những người dùng thuốc kháng khuẩn vì CDAD đã được báo cáo khi sử dụng gần như tất cả các thuốc này. Điều trị bằng thuốc kháng khuẩn làm thay đổi hệ vi sinh vật bình thường của ruột kết, dẫn đến sự phát triển quá mức của C. difficile. C. difficile tạo ra độc tố A và B, góp phần vào sự phát triển của CDAD. 

Omeprazole ⇔ Loãng xương và gãy xương (Nguy cơ tiềm ẩn vừa phải, mức độ hợp lý vừa phải. Điều kiện áp dụng: Loãng xương): Nhiều nghiên cứu quan sát được công bố khác nhau đã báo cáo rằng liệu pháp PPI có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay hoặc cột sống liên quan đến loãng xương. Nguy cơ tăng lên ở những bệnh nhân dùng liều cao (nhiều liều mỗi ngày) và điều trị lâu dài (một năm hoặc lâu hơn). Bệnh nhân nên sử dụng liều thấp nhất và thời gian điều trị PPI ngắn nhất phù hợp với tình trạng đang điều trị. Cần thận trọng ở những bệnh nhân có nguy cơ gãy xương liên quan đến loãng xương và cần được quản lý theo hướng dẫn điều trị đã được thiết lập.

Omeprazole ⇔ Hạ magie máu (Nguy cơ tiềm ẩn vừa phải, mức độ hợp lý vừa phải. Điều kiện áp dụng: Mất cân bằng magie): Hạ magie máu có triệu chứng và không có triệu chứng hiếm khi được báo cáo ở những bệnh nhân điều trị bằng PPI trong ít nhất 3 tháng, trong hầu hết các trường hợp sau một năm điều trị. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm co giật, co giật và rối loạn nhịp tim. Nên thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân dễ bị mất cân bằng magie như bệnh nhân đang dùng các loại thuốc khác có thể gây hạ magie máu (ví dụ thuốc lợi tiểu). Khuyến khích theo dõi thường xuyên.

Thời kỳ mang thai

Trên động vật không thấy omeprazole có khả năng gây dị dạng và độc hại cho bào thai. Trên lâm sàng, cho tới nay cũng không thấy có tác dụng độc hại nào cho thai. Tuy nhiên thời gian theo dõi chưa đủ để loại trừ mọi nguy cơ. Khoảng 6.000 phụ nữ mang thai đã sử dụng PPI trong lần mang thai đầu tiên ba tháng đầu cho đến nay đã được ghi nhận (ví dụ, được báo cáo trong Erichsen 2012, Pasternak 2010, Gill 2009a, Diav-Citrin 2005, Källén 1998, Källén, 2001). Omeprazole cho đến nay là PPI được thử nghiệm rộng rãi nhất, tiếp theo là pantoprazole, lansoprazole và esomeprazole, mỗi loại đều có kinh nghiệm về khoảng 500–1.000 ca mang thai. Không có nghiên cứu nào chỉ ra sự gia tăng nguy cơ dị tật; các vấn đề khác cũng không được mô tả. Một

nghiên cứu (Colvin 2011) đã gợi ý rằng sinh non có thể nguy hiểm hơn, phổ biến sau khi sử dụng PPI, mặc dù điều này dường như không ảnh hưởng về mặt sinh học. Vì vậy, việc sử dụng omeprazole trong thời gian mang thai chỉ được xem xét khi thật cần thiết.

Mối liên quan giữa việc tiếp xúc với thuốc kháng axit trong tử cung và bệnh hen suyễn ở trẻ em đã được tìm thấy trong một nghiên cứu liên kết và phân tích một số đăng ký của Thụy Điển. Trong khi tỷ lệ hiện mắc bình thường là 3,7% thì nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em là 5,6% sau khi tiếp xúc. Thuốc được sử dụng là PPI, thuốc đối kháng thụ thể H2, thuốc điều trị của Helicobacter pylori và sucralfate; thuốc kháng axit không được đưa vào vì chúng có sẵn không cần kê toa (Dehlink 2009). Một nghiên cứu khác đánh giá 197.060 trẻ độc thân sinh từ năm 1996 đến năm 2008 ở miền bắc Đan Mạch quan sát thấy rằng việc tiếp xúc trước khi sinh với PPI và thuốc đối kháng thụ thể H2 là liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn (Andersen 2012).

AU TGA thai kỳ loại B3: Các loại thuốc chỉ được sử dụng bởi một số lượng hạn chế phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không làm tăng tần suất dị tật hoặc các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác lên thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy bằng chứng về sự gia tăng tổn thương bào thai, ý nghĩa của hiện tượng này được coi là không chắc chắn ở người.

Thời kỳ cho con bú

Trên mô hình động vật, người ta quan sát thấy tốc độ tăng trưởng của con cái sau khi sinh giảm khi dùng thuốc này vào cuối thời kỳ mang thai và trong suốt thời kỳ cho con bú với liều uống ít nhất 138 mg/kg/ngày và liều truyền tĩnh mạch là 3,2 mg/kg/ngày. Trong một báo cáo lâm sàng về omeprazole, liều tối đa điều chỉnh theo cân nặng cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn được đo ở mức dưới 7% (Marshall 1998). Vì thuốc phân bố trong sữa mẹ, nên cân nhắc ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc, omeprazole vẫn là lựa chọn hàng đầu trong các PPI.

Quá liều và xử trí

Liều uống một lần tới 160 mg, liều tiêm tĩnh mạch một lần tới 80 mg, liều tiêm tĩnh mạch một ngày tới 200 mg và liều 520 mg tiêm tĩnh mạch trong thời gian 3 ngày vẫn dung nạp tốt. Trong y văn, có thông báo về 2 trường hợp quá liều omeprazole. Các biểu hiện lâm sàng chủ yếu là buồn ngủ, nhức đầu (có lẽ do chất chuyển hóa) và tim đập nhanh. Cả hai bệnh nhân đều hồi phục, không có biến cố gì và cũng không phải điều trị đặc biệt gì.

Bảo quản Omeprazole

Bảo quản ở 15 - 30 oC. Tránh ánh sáng và ẩm.

Dung dịch tiêm tĩnh mạch phải được dùng trong vòng 4 giờ sau khi pha. Không được tiêm nếu dung dịch đã đổi màu do bị oxy hóa hoặc dung dịch có cặn tủa.


Nguồn tài liệu tham khảo:

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Omeprazole

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Sản phẩm có thành phần Omeprazole

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn