Top 5 thuốc chống dị ứng cho trẻ em được bác sĩ khuyên dùng
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Tìm hiểu về tình trạng dị ứng ở trẻ
Dị ứng là một phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch cơ thể với một tác nhân nào đó trong môi trường.
Ở trẻ nhỏ, cơ chế miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, nên tình trạng này xảy ra thường xuyên. Mức độ dị ứng tùy thuộc vào tác nhân gây dị ứng và cơ địa của mỗi trẻ.
Dị ứng có thể biểu hiện các triệu chứng như nổi mẩn đỏ toàn thân hay ở một vài bộ phận trên cơ thể, nổi mề đay, có thể hắt hơi, sổ mũi,...Tình trạng này làm cho trẻ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy, có thể gây sốt làm trẻ quấy khóc gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường ngày của bé và cha mẹ. Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh lý này còn có thể phát sinh những biến chứng có nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị sớm.
2. Làm gì khi trẻ bị dị ứng? Khi nào cần dùng thuốc
Khi trẻ dị ứng, một số bệnh cũng khá dễ chẩn đoán bởi những triệu chứng rõ rệt như nổi ban đỏ, mày đay… nhưng cũng có những bệnh lý khác triệu chứng ít rõ ràng hơn, gây khó khăn trong việc chẩn đoán vì những triệu chứng này có thể tương tự với các tình trạng bệnh lý khác.
Để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng, ngoài phụ huynh nêu ra tiền sử của bé, các bác sĩ chuyên môn thường làm các test kiểm tra để tìm các chất gây dị ứng phổ biến nhất và chẩn đoán nguyên nhân gây ra dị ứng cho trẻ.
Tuy nhiên, không có cách điều trị khỏi dị ứng, chỉ có thể kiểm soát và ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng. Cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng để không ra tình trạng dị ứng cho trẻ. Nếu việc tránh tiếp xúc các chất gây dị ứng trong môi trường là khó khăn hoặc không có tác dụng, lúc này cần sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng dị ứng.
Sử dụng thuốc chống dị ứng cho trẻ cần được sự kê đơn của bác sĩ chuyên môn. Bởi trẻ em không phải là đối tượng “người lớn thu nhỏ” do đó dùng thuốc liều lượng như thế nào, có quá liều hay không hoặc dùng loại thuốc này đã phù hợp chưa cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc chống dị ứng cho trẻ nếu không phù hợp và liều dùng không an toàn, cũng dễ gặp phải các tác dụng phụ hơn so với người lớn. Vì vậy, các bậc phụ huynh mẹ nên thăm khám bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc chống dị ứng nào.
3. Top 5 thuốc chống dị ứng cho trẻ em
3.1 Thuốc Clorpheniramin 4mg
Clorpheniramin 4mg với tên gọi quen thuộc ở các nhà thuốc là “móc dù”, thuộc nhóm thuốc kháng Histamin thế hệ 1, thường được dùng trong điều trị các bệnh ngoài da, đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Chlorpheniramine 4mg được bác sĩ chỉ định dùng để điều trị dị ứng cho trẻ trong các trường hợp:
- Tình trạng viêm mũi dị ứng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi quanh năm/theo mùa
- Dị ứng do nổi mày đay, phù mạch, dị ứng thức ăn
- Điều trị tình trạng ngứa do viêm da tiếp xúc, phát ban, côn trùng đốt, sởi hoặc thủy đậu
Liều dùng ở trẻ tuân theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Trẻ từ 2 - 6 tuổi: Uống 1mg/lần (¼ viên), mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ, uống tối đa 6mg/ngày (1 ½ viên)
- Trẻ từ 6 – 12 tuổi: uống 2mg/lần (½ viên), mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ, tối đa 12mg (3 viên)
- Trẻ > 12 tuổi: Uống 4mg/lần (1 viên), mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ, ngày uống tối đa 24mg (6 viên)
Ưu điểm:
- Thuốc chống dị ứng phổ biến trên thị trường, dễ dàng tìm mua
- Điều trị triệu chứng dị ứng tốt, tác dụng nhanh
- Giá thành rẻ
Nhược điểm:
- Thuống kháng Histamin thế hệ 1 nên tác dụng phụ thường gặp là buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, khô môi…
3.2 Thuốc chống dị ứng cho trẻ em Loratadin 10mg
Loratadin cũng là thuốc thuộc nhóm kháng Histamin thế hệ 2 được bác sĩ chỉ định phổ biến trong điều trị dị ứng ở trẻ. loratadin được xem là thuốc chống dị ứng thời tiết trong trường hợp hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi vì thuốc có tác dụng tốt trên đường hô hấp. Ngoài ra, thuốc còn hiệu quả trong trường hợp dị ứng ngứa, nổi phát ban, mẩn đỏ trên da, nổi mề đay,...
Liều dùng thuốc chống dị ứng Loratadin phụ thuộc vào độ tuổi, diễn tiến tình trạng dị ứng và cơ địa đáp ứng điều trị của từng người:
- Trẻ từ 2 – 12 tuổi:
- Trọng lượng cơ thể > 30kg: uống 1 viên/lần/ngày.
- Trọng lượng cơ thể < 30kg: uống ½ viên/lần/ngày.
- Trẻ trên 12 tuổi: Sử dụng 1 viên/lần, 1 lần/ngày
Ưu điểm:
- Điều trị triệu chứng dị ứng hiệu quả trên da và đường hô hấp
- Ít có tác dụng phụ: buồn ngủ, mệt mỏi…
- Uống 1 lần/ngày, tránh tình trạng quên liều
Nhược điểm:
- Loratadin không có tác dụng trong điều trị dị ứng mề đay hoặc các phản ứng dị ứng nguy hiểm khác
- Với trẻ dưới 2 tuổi, chưa có nhiều bằng chứng an toàn nên nếu có sử dụng thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ
3.3 Thuốc chống dị ứng Desloratadin
Thuộc nhóm kháng Histamin thế hệ thứ hai, Desloratadin là một chất chuyển hóa từ Loratadin, được chỉ định để điều trị các tình trạng bị dị ứng cho trẻ. Thuốc Desloratadin hiệu quả trong giảm các tình trạng viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, sổ mũi, chảy nước mũi, phát ban, ngứa, nổi mề đay…
Thuốc có dạng bào chế là dạng viên và dạng dung dịch. Liều dùng theo mỗi dạng bào chế như sau:
Desloratadin dạng viên:
- Trẻ em trên 12 tuổi: liều sử dụng khuyến cáo là 5 mg/ngày/lần
- Trẻ em 6 - 11 tuổi: liều sử dụng khuyến cáo là 2,5 mg/ngày/lần
- Trẻ em 1 - 5 tuổi: liều sử dụng khuyến cáo là 1,25 mg/ngày/lần
- Trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi: liều sử dụng khuyến cáo là 1 mg/ngày/lần
Desloratadin dạng dung dịch:
- Trẻ em 6 – 12 tháng tuổi: uống 1 ml/lần/ngày
- Trẻ em 1 – 6 tuổi: uống 1,25 ml/lần/ngày
- Trẻ em 6 – 12 tuổi: uống 2,5 ml/lần/ngày
- Trẻ em trên 12 tuổi: uống 5 ml/lần/ngày
Ưu điểm:
- Hiệu quả điều trị dị ứng cho trẻ, giảm các tình trạng viêm mũi dị ứng, phát ban, ngứa, nổi mề đay
- Dạng bào chế dạng dung dịch phù hợp cho trẻ em
- Desloratadin dùng được cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
3.4 Thuốc chống dị ứng thời tiết Telfast kids
Telfast Kids với hoạt chất là Fexofenadin hàm lượng 30mg, là một thuốc kháng Histamin thế hệ 2, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, được bác sĩ chỉ định dùng trong điều trị gây dị ứng cho trẻ trên 6 tuổi.
Với chỉ định để điều trị các trường hợp dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, sổ mũi, hắt hơi, ngứa họng, chảy nước mắt và nổi mề đay tự phát mạn tính…
Liều dùng:
- Trẻ em trên 12 tuổi: Uống 60mg/ lần x 2 lần/ngày hoặc mỗi ngày 180mg dùng liều duy nhất
- Trẻ em từ 6 - 11 tuổi: uống 30mg/lần x 2 lần/ngày
Ưu điểm:
- Dùng trong trường hợp trẻ dị ứng: viêm mũi dị ứng, sổ mũi, chảy nước mũi, nổi mề đay
- Thuốc có tác dụng kéo dài, phát huy hiệu quả điều trị
- Thuốc không có tác dụng phụ là buồn ngủ, khô miệng
3.5 Thuốc chống dị ứng cho trẻ em thế hệ mới Cetirizin
Cetirizin là thuốc kháng Histamin thế hệ 2, có tác dụng đối kháng chọn lọc ở thụ thể H1. Cetirizin hiệu quả trong điều trị dị ứng ở trẻ ở các triệu chứng như viêm mũi dị ứng, hắt hơi, chảy nước mũi, nổi mề đay mãn tính, viêm kết mạc dị ứng…
Cetirizin có tác dụng chống dị ứng mạnh dùng được cho trẻ từ 6 tuổi trở lên.
Liều dùng ở trẻ em từ 6 tuổi trở lên: uống 1 viên/ngày/lần.
Ưu điểm:
- Thuốc hiệu quả trong trường hợp trẻ dị ứng thời tiết có các triệu chứng như viêm mũi, hắt hơi và tình trạng nổi mề đay
- Uống 1 lần/ngày, tránh tình trạng quên liều
Nhược điểm:
- Tỷ lệ trẻ gặp táctc dụng phụ buồn ngủ, buồn nôn. khô miệng… cao hơn so với trường hợp dùng các thuốc kháng Histamin thế hệ thứ hai khác như Loratadin hay Fexofenadin
4. Lưu ý khi dùng thuốc chống dị ứng cho bé
Sức đề kháng còn non yếu, chưa được hoàn thiện của trẻ thì vấn đề dị ứng càng được quan tâm đặc biệt hơn, không chỉ là bác sĩ chuyên môn điều trị mà với đối tượng là phụ huynh của các trẻ, vì dị ứng nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Việc dùng thuốc điều trị là cần thiết khi có chỉ định của bác sĩ. Do đó, trong quá trình dùng thuốc, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:
- Cha mẹ quan sát, theo dõi thường xuyên các biểu hiện bất thường trên cơ thể trẻ: tình trạng ngứa, phát ban… Sau khi sử dụng thuốc chống dị ứng mà các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc thì cha mẹ cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để kịp thời có hướng điều trị phù hợp.
- Tuân theo chỉ định của bác sĩ khi dùng các loại thuốc chống dị ứng khác nhau. Bởi vì một số thuốc chống dị ứng ở trẻ có tác dụng ngắn, do đó cần uống cách mỗi 4 - 6 giờ, một số là loại phóng thích kéo dài nên uống cách nhau mỗi 12 - 24 giờ.
- Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc chống dị ứng (kháng Histamin) ở trẻ là buồn ngủ và khô miệng.
- Các triệu chứng dị ứng ở trẻ có thể kiểm soát bằng cách tránh xa các tác nhân gây dị ứng và sử dụng các loại thuốc không kê đơn để điều trị tình trạng dị ứng nhẹ. Nhưng nếu tình trạng dị ứng không thuyên giảm. gây cho trẻ quấy khóc, cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được có phương pháp điều trị thích hợp.
- Cha mẹ nghe theo chỉ định kê đơn của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc về liều dùng, cách dùng để đảm bảo an toàn cho mỗi lứa tuổi của trẻ.
5. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị
Bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị dị ứng cho trẻ, cha mẹ có thể dùng thêm một số biện pháp hỗ trợ điều để nhanh chóng đẩy lùi tình trạng dị ứng cho trẻ:
- Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị chống dị ứng, cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng khiến cho các triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn
- Rửa tai, mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý hàng ngày cho trẻ
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đảm bảo không khí trong lành, môi trường sống thoáng mát cho trẻ. Nếu trẻ đang bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ nên dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi trước lúc đi ngủ thì để làm ấm đường thở, giúp trẻ dễ ngủ hơn
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lí, khoa học, nên bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi, cho trẻ ngủ đủ giấc để giúp trẻ khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh
- Vào những ngày thời tiết giao mùa, cha mẹ nên chú ý giữ ấm cơ thể trẻ, để trẻ không bị cảm lạnh, hạn chế mắc các bệnh về đường hô hấp
Trên đây là những thông tin về các thuốc chống dị ứng cho trẻ thường được bác sĩ chỉ định dùng hiện nay và những lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bài viết, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc trong thời gian sớm nhất.
Đánh giá bài viết này
(9 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm