lcp

Dâu Tằm: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Dâu tằm hay còn được gọi là Tang, Dâu tàu, Mạy mọn, Mạy bơ (Tày), Co mọn (Thái), Nằn phong (Dao) thuộc họ Dâu tằm với danh pháp khoa học Moraceae. Từ xa xưa, Dâu tằm đã được trồng để lấy lá nuôi tằm. Trong y học, Dâu tằm có tác dụng chữa bệnh như an thần, thanh nhiệt, giảm đau trong viêm xương khớp, giúp mạnh gân cốt, hạ huyết áp, tiêu viêm, lợi tiểu.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Dâu tằm sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Dâu tằm cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Dâu tằm, Dâu Cang, Tang, Mạy Mọn, Nằn Phong, Tầm Tang.
  • Tên khoa học: Morus alba L.
  • Họ: họ Dâu tằm (Moraceae).
  • Công dụng: Dâu tằm có tác dụng chữa bệnh như an thần, thanh nhiệt, giảm đau trong viêm xương khớp, giúp mạnh gân cốt, hạ huyết áp, tiêu viêm, lợi tiểu.

Mô tả Dâu tằm

Cây gỗ lớn cao tới 15m, màu nâu hay vàng vàng.

Lá mọc so le, phiến xoan dài 5-10 (20)cm rộng 4-8cm, gốc hình tim hay gần như cụt, chóp tù hay hơi nhọn, có thuỳ trên các nhánh tược còn non, có răng, với răng hình tam giác, tù, khía rộng; gân gốc 3, các gân bên đạt tới chiều dài của phiến.

Hoa cùng gốc hay khác gốc, các hoa cái thành bông đuôi sóc hơi dài hơn rộng, nhưng không quá 2cm.

Quả trắng hay hồng, thuộc dạng quả phức gồm nhiều quả bế bao trong các lá đài đồng trưởng và trở thành mọng nước.

Mùa hoa tháng 4-5, quả tháng 6-7.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây Dâu tằm có nguồn gốc ở Trung Quốc, sau được trồng rộng rãi ở các nước châu Á. Dâu tằm ưa ẩm, ưa sáng, thường được trồng ở bãi sông, nơi đồng cao và đất bằng cao nguyên. Tại Việt Nam, Dâu tằm đã được trồng ở từ lâu đời để lấy lá nuôi tằm, nhiều bộ phận khác thu hái làm thuốc.

Thu hoạch và chế biến

Lá Dâu: Có thể thu hái nhiều lứa tùy theo độ tuổi của cây, dùng lá bánh tẻ (lá cho tằm ăn), ngắt lá từ dưới lên, để lại những lá chưa hoàn toàn sinh trưởng hết phía đầu cành. Sau khi hái, loại bỏ lá úa, tạp chất rồi phơi hay sấy nhẹ.

Cành Dâu: Thu hái quanh năm, chọn cành non có đường kính 0,5 – 1,5 cm, bỏ hết lá, chặt ngắn khoảng 1cm, thái mỏng, phơi khô. Trước khi dùng, có thể sao vàng hoặc tẩm rượu sao.

Quả Dâu: Thu hái khi quả chín, dài 2 cm, đường kính 1 cm.

Vỏ rễ: Chọn rễ ngầm dưới đất, rửa sạch, cạo bỏ hết lớp vỏ ngoài màu vàng nâu, lấy phần trong màu trắng ngà, chặt thành từng đoạn dài 20 – 50cm, rửa sạch phơi hay sấy khô. Dùng sống hoặc tẩm mật sao vàng.

Bộ phận sử dụng của Dâu tằm

Bộ phận sử dụng được của Dâu tằm gồm:

Lá dâu, thường gọi là Tang diệp – Folium Mori.

Vỏ rễ dâu, thường gọi là Tang bạch bì – Cortex Mori.

Cành dâu, hay Tang chi – Ramulus Mori.

Quả Dâu, hay Tang thầm – Fructus Mori.

Thành phần hóa học

Lá Dâu tằm chứa ít tinh dầu, protein, carbohydrat, flavonoid, các dẫn chất coumarin (umbelliferon, scopoletin, scopolin), sterol (inokosterol, β-ecdysteron), vitamin (vitamin B, C, D, caroten), và nhiều thành phần khác (morocetin, , a-, b- hexenal, trigonellin, chất cao su, tanin,…).

Cành Dâu chứa các flavonoid như morin, dihydromorin, dihydrokaempferol, mulberin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen. Ngoài ra còn chứa tetrahydroxybenzophenon, maclurin.

Vỏ rễ Dâu chứa các flavonoid bao gồm mulberin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen… Ngoài ra, vỏ rễ còn chứa các acid hữu cơ, tanin, pectin.

Quả Dâu chứa đường (glucose và fructose), acid malic và acid succinic, protein, tanin, Vitamin C, caroten.

Tác dụng của Dâu tằm

Theo y học cổ truyền

Lá Dâu (Tang diệp) có vị đắng, ngọt, tính hàn, vào hai kinh can và phế có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt.

Vỏ rễ Dâu (Tang bạch bì) có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, vào kinh phế, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thủng, giảm ho, trừ đờm, hạ suyễn, tiêu sưng.

Cành Dâu (Tang chi) có vị đắng nhạt, tính bình, vào kinh can có tác dụng trừ phong thấp, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau.

Quả Dâu (Tang thầm) có vị ngọt, chua, tính mát, vào kinh can và thận, có tác dụng dưỡng huyết, bổ gan thận, trừ phong, dùng chữa bệnh tiêu khát, loa lịch, mắt có màng, ù tai, huyết hư, tiện bí.

Theo y học hiện đại

Tác dụng ức chế vi khuẩn

Cao nước và cao kiềm của lá và thân cây Dâu có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram dương và các men. Cao chiết với methanol của cây Dâu có tác dụng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn Klebsiella pneumonia, Staphylococccus aureus, Candida albicans, Mycobacterium phlei.

Tác dụng hạ huyết áp và an thần

Lá và vỏ rễ trong của Dâu có tác dụng hạ huyết áp và tác dụng này bị đối kháng bởi atropin. Đồng thời còn có tác dụng giãn mạch, an thần nhẹ.

Chế phẩm Passerymun bao gồm lá Dâu, Lạc tiên, Vông nem, lá Sen, Thảo quyết minh, hạt Tơ hồng, hạt Keo đậu, củ Sâm đại hành, được sử dụng trên lâm sàng để an thần, giúp bệnh nhân ngủ dễ dàng và an giấc.

Vỏ rễ Dâu có tác dụng tương tự acetylcholin bao gồm hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên, ức chế tim ếch cô lập, co nội mạch tạng,… Các hoạt chất tinh khiết như moracenin A, B, D phân lập từ vỏ rễ Dâu đã thể hiện tác dụng chống tăng huyết áp trên thỏ.

Tác dụng hạ đường huyết

Cao chiết với methanol và nước từ vỏ rễ Dâu làm giảm mức đường huyết ở chuột nhắt. Chất moran A được phân đoạn từ cao chiết đã thể hiện tác dụng hạ đường huyết rõ rệt ở chuột nhắt bình thường và chuột nhắc đã được gây tăng đường huyết với aloxan.

Liều lượng và cách dùng Dâu tằm

Chữa phế nhiệt, ho có đờm, hen, khái huyết, trẻ con ho gà, phù thũng, bụng chướng to, tiểu tiện không thông, băng huyết, sốt, cao huyết áp:

Dùng vỏ rễ, ngày dùng 4 – 12g, có khi đến 20 – 40g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Chữa cảm mạo, phong nhiệt, sốt nóng, ho, viêm họng, đau răng, nhức đầu, mắt đỏ, chảy nước mắt, phát ban, cao huyết áp, mất ngủ:

Dùng lá Dâu, ngày dùng 4 – 12g dạng thuốc sắc.

Chữa phong thấp, đau nhức các đầu xương, cước khí, sưng lở, chân tay co quắp:

Dùng cành Dâu, ngày dùng 6 – 12g, có khi 40 – 60g dưới dạng thuốc sắc.

Chữa đái tháo đường, lao hạch, mắt mờ, ù tai, thiếu máu, đau khớp xương, kém ngủ, râu tóc bạc sớm, táo bón:

Dùng quả Dâu vắt lấy nước, cô thành cao mềm, ngày uống 12 – 20g. Uống lâu khỏe người, ngủ ngon giấc, thính tai, sáng mắt, trẻ lâu.

Chữa đau họng, loét miệng, lở lưỡi:

Bôi siro quả Dâu chín vào chỗ đau, loét.

Bài thuốc chữa bệnh từ Dâu tằm

Ra mồ hôi trộm ở trẻ em, ra mồ hôi ở bàn tay người lớn: Lá Dâu non nấu canh với tôm, tép hoặc dùng lá dâu bánh tẻ 12g, Cúc hoa, Liên kiều, Hạnh nhân đều 12g, Bạc hà, Cam thảo đều 4g, Cát cánh 8g, Lô căn 20g, sắc uống.

Dự phòng cảm cúm: Lá Dâu 12g, Cúc hoa 12g, Thảo quyết minh 8g sắc uống.

Mắt đau, viêm màng kết mạc cấp tính: Lá Dâu nấu nước xông vào mắt; lá Dâu bánh tẻ, rửa sạch, giã nát đắp, có thể làm tan huyết khi đau mắt đỏ sung huyết.

Huyết áp cao: Lá Dâu và hạt Ích mẫu nấu nước ngâm chân buổi tối 30-40 phút trước khi đi ngủ.

Viêm khớp sưng phù, chân tay tê bại, cước khí, đầu ngón tay đau nhức, ngứa đỏ về mùa đông đợt lạnh nhiều: Cành Dâu, Kê huyết đằng, Uy linh tiên, mỗi vị 12g, sắc nước uống.

Ho, hen suyễn: Vỏ rễ 20-40g sắc uống. Có thể thêm Địa cốt bì và Cam thảo.

Khó tiêu, chân tay phù nề: Vỏ rễ Dâu sắc uống hoặc phối hợp với vỏ Gừng, vỏ Quýt, vỏ quả Cam, Phục linh sắc uống.

Chữa thiếu máu, da xanh người gầy khô héo, mất ngủ, đầu choáng, chóng mặt: dùng quả Dâu chế xirô hay ngâm rượu hoặc dùng quả Dâu thêm Câu Kỷ tử, Hà thủ ô đỏ, nhân hạt táo, mỗi vị 10g, sắc uống.

Trừ phong thấp, mạnh gân cốt, can thận yếu dẫn tới đau lưng mỏi gối: Tầm gửi cây Dâu, phối hợp với Cẩu tích, Ngưu tất, sắc nước uống.

Bổ huyết, an thai khi bị động thai ra máu: Tầm gửi thêm rễ Gai, Tục đoạn sắc nước uống.

Di mộng tinh, hoạt tinh: 10 tổ Bọ ngựa sao cháy nghiền bột, thêm đường, uống trước khi đi ngủ, uống 3 ngày. Có thể thêm Long cốt, nghiền bột mịn, ngày 2 lần, trong 3 ngày.

Đái dắt, đái nhạt: Tổ Bọ ngựa Dâu cùng với quả Kim anh, nướng cháy, tán mịn, uống với rượu lúc đói.

Thuốc bổ: Sâu Dâu thêm nước cơm hấp chín, ăn tất cả.

Lưu ý khi sử dụng Dâu tằm

Những người phế hư nhưng không hỏa và ho hàn thì không dùng được vỏ rễ Dâu tằm.

Quả Dâu tằm không dùng cho những người đại tiện tiết tả.

Bảo quản Dâu tằm

Nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Dâu tằm cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Dâu tằm

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn