lcp

Đông Trùng Hạ Thảo


Đông trùng hạ thảo có danh pháp khoa học là Ophiocordyceps sinensis G.H.Sung là một trong những dược liệu quý và được sử dụng hết sức rộng rãi trong y học từ xưa đến nay. Là một dạng cộng sinh giữa nấm túi và ấu trùng của một loài côn trùng, Đông trùng hạ thảo có giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu vô cùng lớn. Ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe, Đông trùng hạ thảo còn có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch,...

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Đông trùng hạ thảo sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Đông trùng hạ thảo cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Đông Trùng Hạ Thảo

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Đông trùng hạ thảo
  • Tên khoa học: Ophiocordyceps sinensis G.H.Sung
  • Họ: Nhục toà khuẩn
  • Công dụng: Hạ huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường tác dụng lưu thông máu trong cơ thể, làm giảm cholesterol trong máu và chống xơ vữa động mạch.

Mô tả Đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus. Ngoài ra còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh.

Vào mùa đông nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn.

Đông Trùng Hạ Thảo

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Chỉ phát hiện được Đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3500 đến 5000m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam…Tuy nhiên, hiện nay các loại nấm trùng thảo đã được tinh chế và nuôi trồng trên quy mô công nghiệp.

Thu hoạch: Đông trùng hạ thảo được thu hoạch vào mùa hè từ tháng 3 – 7 hằng năm.

Chế biến: Sau khi thu hoạch, trùng thảo được mang đi rửa sạch và sấy khô.

Bộ phận sử dụng của Đông trùng hạ thảo

Hầu hết các bộ phận của trùng thảo đều được sử dụng để làm thuốc. Trong đó, khuẩn tọa, khuẩn ty và xác ấu trùng được sử dụng phổ biến.

Đông Trùng Hạ Thảo

Thành phần hóa học

Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối (biomass) của Đông trùng hạ thảo có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na…).

Quan trọng hơn là trong sinh khối Đông trùng hạ thảo có nhiều chất hoạt động sinh học mà các nhà khoa học đang phát hiện dần dần ra nhờ các tiến bộ của ngành hoá học các hợp chất tự nhiên.

Nhiều hoạt chất này có giá trị dược liệu thần kỳ. Trong đó phi kể đến cordiceptic acid, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosine. Đáng chú ý hơn là nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Ethyl-Adenosine- Analogs). Đông trùng hạ thảo còn có chứa nhiều loại vitamin (trong 100g Đông trùng hạ thảo có 0,12g vitamin B12; 29,19 mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K…)

Tác dụng của Đông trùng hạ thảo

Các nghiên cứu y học và dược học đã chứng minh được các tác dụng sau đây của Đông trùng hạ thảo:

Bảo vệ thận trong trường hợp gặp tổn thương do thiếu máu, xúc tiến việc tái sinh và phục hồi các tế bào tiểu quản ở thận

Làm hạ huyết áp ở người cao huyết áp

Chống lại hiện tượng Thiếu máu ở cơ tim; Giữ ổn định nhịp đập của tim

Tăng cường tính miễn dịch không đặc hiệu

Tăng cường dịch tiết trong khí quản và trừ đờm

Làm chậm quá trình lão hoá của cơ thể

Tăng cường tác dụng lưu thông máu trong cơ thể

Làm giảm cholesterol trong máu và chống xơ vữa động mạch.

Tăng cường chức năng tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng

Ức chế vi sinh vật có hại, kể cả vi khuẩn lao

Có tác dụng cường dương và chống liệt dương

Đối với hệ thống miễn dịch

Những nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh Đông trùng hạ thảo có khả năng tăng cường hoạt động miễn dịch tế bào cũng như miễn dịch dịch thể. Cụ thể là có tác dụng nâng cao hoạt tính của đại thực bào và tế bào NK, điều tiết phản ứng đáp của tế bào lympho B, tăng cường một cách có chọn lọc hoạt tính của tế bào T ức chế, làm tăng nồng độ các kháng thể IgG, IgM trong huyết thanh. Mặt khác, Đông trùng hạ thảo còn là một vị thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng chống sự bào loại tổ chức cấy ghép khá tốt.

Đối với hệ thống tuần hoàn tim, não

Đông trùng hạ thảo có tác dụng làm giãn những mạch máu, làm tăng lưu lượng tuần hoàn não và tim thông qua cơ chế hưng phấn thực thể M ở cơ trơn thành mạch. Mặt khác, Đông trùng hạ thảo còn có khả năng điều chỉnh lipit máu, làm giảm cholesterol và lipoprotein, hạn chế quá trình tiến triển của tình trạng xơ vữa động mạch.

Đối với hệ hô hấp

Đông trùng hạ thảo có tác dụng bình suyễn, trừ đàm và phòng chống khí phế thũng. Điều này làm sáng tỏ quan điểm của cổ nhân cho rằng, Đông trùng hạ thảo có khả năng “bảo phế, ích thận” và “dĩ lao khái”.

Đối với hệ thống nội tiết

Trên động vật thực nghiệm Đông trùng hạ thảo có tác dụng làm tăng trọng lượng tuyến vỏ thượng thận và tăng tổng hợp các hormon tuyến này, đồng thời cũng có tác dụng tương tự như hormon nam tính và làm tăng trọng lượng của tinh hoàn cũng như các cơ quan sinh dục phụ trên động vật thực nghiệm. Ngoài ra, Đông trùng hạ thảo còn có tác dụng chống ung thư, chống viêm nhiễm, chống quá trình lão hóa và trấn tĩnh chống co giật.

Trên lâm sàng, các nhà y học cổ truyền trong và ngoài nước, đã nghiên cứu dùng Đông trùng hạ thảo điều trị thành công khá nhiều chứng bệnh như rối loạn lipid máu, viêm phế quản mãn và hen phế quản, viêm thận mãn tính và suy thận, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, viêm mũi dị ứng, viêm gan B mạn tính, Ung thư phổi (có tác dụng hỗ trợ) và thiểu năng sinh dục. Viện nghiên cứu nội tiết Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đã dùng Đông trùng hạ thảo điều trị cho các bệnh nhân bị liệt dương đạt kết quả khá tốt.

Liều lượng và cách dùng Đông trùng hạ thảo

Bổ thận, tráng dương dùng cho người bị suy nhược, liệt dương:

Rượu trùng hạ thảo nhân sâm: Đông trùng hạ thảo và nhân sâm lượng bằng nhau, ngâm trong rượu tốt, mỗi ngày uống một chén nhỏ.

Ôn thận tráng dương, ích tinh, dưỡng huyết dùng cho người bị suy nhược, Thiếu máu, liệt dương, suy giảm tình dục:

Rượu lộc nhung trùng thảo: Nhung hươu 20g, Đông trùng hạ thảo 90g ngâm trong 1,5 lít rượu tốt trong 10 ngày, uống mỗi ngày 20-30ml .

Bổ ích can thận, ích khí sinh tinh dùng cho người bị liệt dương, tảo tiết:

Rượu kỷ tử trùng thảo: Kỷ tử 30g, Đông trùng hạ thảo 30g ngâm trong 0,5 lít rượu trắng trong 10 ngày, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 15 ml.

Ích khí tráng dương, dùng cho người liệt dương, di tinh:

Trà trùng thảo nhân sâm: Đông trùng hạ thảo 5g, nhân sâm 3-5g, cho vào bình kín hãm với nước sôi trong 10 phút, uống thay nước trà trong 10 ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ Đông trùng hạ thảo

1. Bài thuốc chữa liệt dương, hoạt tinh, di tinh:

Nguyên liệu:

6g đông trùng hạ thảo

8g dâm dương hoắc

12g ba kích

12g hà thủ ô

Thực hiện:

Tán mịn đông trùng hạ thảo, để riêng trong chén sạch.

Các nguyên liệu còn lại đem sắc nước cho đến khi còn khoảng 300ml.

Hòa bột đông trùng hạ thảo vào hỗn hợp trên và chia thành 2 – 3 lần, uống hết trong ngày.

2. Chữa động kinh, suy nhược thần kinh

Nguyên liệu:

3g trùng thảo

1 cái óc lợn

Thực hiện:

Sau khi sơ chế thì cho nguyên liệu vào nồi chưng cách thủy với lửa nhỏ.

Cho đến khi nguyên liệu chín nhừ thì nêm gia vị và chia thành 2 lần ăn. 

Sử dụng món ăn này khi đói.

3. Cách dùng đông trùng hạ thảo cho người thiếu máu, liệt dương, di tinh

Nguyên liệu:

10g trùng thảo

100g thịt nạc

Thực hiện:

Thịt heo đem rửa sạch, thái lát, ướp gia vị.

Cho thịt, trùng thảo vào nồi đem ninh nhừ và nếm gia vị cho vừa ăn.

Chia thành 1 – 2 lần ăn trong ngày.

4. Chữa chứng suy nhược cơ thể, viêm phế quản, ho lâu ngày

Nguyên liệu:

6g đông trùng

6g khoản đông hoa

8g tang bạch bì

3g cam thảo

3g tiểu hồi

Thực hiện:

Tán mịn đông trùng, để riêng.

Các vị thuốc khác thì đem sắc với 700ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml.

Sau đó hòa với bột đông trùng và chia thành 3 lần uống hết trong ngày.

5. Bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối, hen suyễn khó thở

Nguyên liệu:

8g đông trùng

8 con chim cút

gia vị.

Thực hiện:

Sơ chế chim cút và đem đi ngâm với nước sôi khoảng 1 phút, vớt ra để nguội.

Chia trùng thảo ra thành 8 phần bằng nhau, sau đó cho vào bụng chim cút và khâu chặt lại.

Đặt chim cút vào nồi nước để luộc với gia vị, muối tiêu và đậy kín, ninh khoảng 40 phút là được.

Chia thành các phần nhỏ và ăn dần.

6. Bài thuốc chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh

Nguyên liệu:

30g trùng thảo

500ml rượu trắng 40 độ

Thực hiện:

Cho trùng thảo và bình ngâm với rượu khoảng 15 – 30 ngày thì có thể dùng được.

Mỗi bữa ăn dùng khoảng 20ml, ngày dùng khoảng 2 – 3 lần.

7. Chữa hen suyễn, suy nhược cơ thể thời gian dài

Nguyên liệu:

5 – 10 con trùng thảo

1 con vịt

Thực hiện:

Rửa sạch vịt, sau đó rạch vùng cổ và cho trùng thảo vào, khâu kín.

Cho vịt vào nồi cùng gia vị, chút rượu, giấm và ninh nhừ với lửa vừa.

Dùng món này mỗi khi đói.

8. Cải thiện chứng lao phổi, suy nhược lâu ngày

Nguyên liệu:

100g thịt gà

15g sơn dược

15g trùng thảo

Thực hiện:

Thịt gà sau khi sơ chế thì đem ướp gia vị, cho vào nồi cùng sơn dược, trùng thảo và nước để nấu cho đến khi nhừ.

Nêm gia vị và dùng món ăn khi còn nóng.

Lưu ý khi sử dụng Đông trùng hạ thảo

Xem xét tình trạng sức khỏe trước khi sử dụng đông dược.

Không nên chế biến dược liệu quá lâu trên lửa lớn.

Dùng nồi đất hoặc nồi sứ để chế biến thuốc.

Sử dụng dược liệu theo liều lượng được chỉ định.

Kiêng thực phẩm cay, nóng trong thời kỳ sử dụng đông trùng.

Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt thì không nên sử dụng thuốc.

Bảo quản Đông trùng hạ thảo

Cách 1: Cho nấm đông trùng vào túi nhựa kín gió để tránh không khí bay vào. Sau đó, bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ tầm 4 độ C.

Cách 2: Phơi khô nguyên liệu, sau đó cho vào túi nhựa bảo quản. Mỗi túi đông trùng có thể cho thêm 1 ít tiêu khô sau đó cho vào những nơi khô thoáng và có ánh nắng mặt trời.

Cách 3: Đem Đông trùng hạ thảo đi ngâm rượu gạo nguyên chất khoảng 3 tháng thì có thể dùng được. Ngâm rượu theo tỷ lệ 1:1.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Đông trùng hạ thảo. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này và có cách sử dụng dược liệu thật hiệu quả và an toàn.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Đông trùng hạ thảo

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn