lcp

Ngưu nhĩ phong là gì? Tác dụng và vị thuốc từ ngưu nhĩ phong


Ngưu nhĩ phong là một loại cây có phần cành lá, quả và rễ dùng để làm thuốc. Vị thuốc ngưu nhĩ phong có tính mát, thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể. Thuốc dùng để trị nhiều chứng bệnh như đầy bụng, ăn không tiêu, tiêu chảy và nhiều bệnh khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ ngưu nhĩ phong có đặc điểm gì và tác dụng của loại dược liệu này.

Tìm hiểu về ngưu nhĩ phong

Ngưu nhĩ phong có tên khoa học là Daphniphyllum calycinum Benth thuộc Họ Vai - Daphniphyllaceae. Ngoài ra, cây còn có một số tên khác như cây vai, vai trắng, nhà can và giao phương mộc.

Ở nước ta, chi Daphniphyllum Blume  có khoảng 6 đến 7 loài cây khác nhau, trong đó có cây ngưu nhĩ phong. Cây xuất hiện rất ít vùng trên thế giới. Ở hiện tại thì chỉ còn tìm thấy cây ngưu nhĩ phong ở Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam, loài cây này được tìm thấy nhiều ở  các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Nội, Cao Bằng và Thái Nguyên.

Đặc điểm sinh thái

Ngưu nhĩ phong là loài cây nhỏ, có nhiều cao khoảng 1.5-5m. Thân và cành của cây có hình tròn, vỏ cây nhẵn và không có lông. Những cành già thường có màu xám hoặc màu lục. Lá cây mọc sole nhau. Chúng thường tập trung nhiều ở đầu cành. Phiến lá cây có hình trứng hoặc trái xoan ngược. Chiều rộng của lá ngưu nhĩ phong từ 3.5 đến 9cm, chiều dài của lá từ 8 đến 15cm. Đầu của lá hơi nhọn hoặc tù, gốc của lá tròn. Hai mặt lá nhẵn, không có lông. Mặt trên của lá có màu xanh sẫm, mặt dưới có màu trắng xám. Cuống lá dài từ 1 đến 7cm. 

Cụm hoa đơn tính khác gốc, hoa mọc từ kẽ lá, mọc thành chùm dài từ 3 đến 4cm. Hoa ngưu nhĩ phong đực có 4 lá đài, chúng dính nhau ở phần dưới thành 4 thùy, nhị 8. Hoa cái sẽ có 5 lá đài rời nhau, có 2 vòi nhụy, bầu hoa có hình nón. Cuống hoa dài từ 4-5mm. Các lá bắc nhỏ sẽ rụng sớm. 

ngưu nhĩ phong

Cây ngưu nhĩ phong có lá màu xanh sẫm

Quả của cây ngưu nhĩ phong có hình xoan hoặc hình trứng. Quả dài từ 6 đến 10mm. Trên bề mặt ngoài của quả có phấn trắng. Mỗi quả sẽ có chứa 1 hạt. Mùa ra hoa của ngưu nhĩ phong thuộc thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Mùa ra quả của cây từ tháng 8 đến tháng 11.

Bộ phận dùng của ngưu nhĩ phong

Bộ phận dùng để làm thuốc của cây ngưu nhĩ phong là cành lá, quả và rễ.

Thu hái, sơ chế và bảo quản

  • Thu hái: Rễ của cây ngưu nhĩ phong thường được thu hái vào mùa thu. Lá cây được thu hái quanh năm để dùng tươi. Quả sẽ được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Lúc này quả đã trưởng thành có màu xanh đen. 
  • Sơ chế: Rễ của cây đem rửa sạch rồi phơi khô. Quả của cây cũng cần đem đi phơi nắng cho đến khi khô.
  • Bảo quản: Dược liệu cần được bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo.
cây ngưu nhĩ phong

Lá ngưu nhĩ phong tươi có tác dụng cầm máu, chữa băng huyết

Thành phần hóa học

Trong hạt của cây ngưu nhĩ phong có chứa một số thành phần hóa học như:

  • Chứa 38.6% dầu 
  • 1.2% alkaloid 
  • Daphnicalin
  • Daphnicamin
  • Axit fumaric
  • Axit succime 

Tác dụng của ngưu nhĩ phong

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, rễ và lá của cây ngưu nhĩ phong có vị đắng, cay, tính bình. Cành của cây có vị ngọt. Rễ cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giúp hoạt huyết. Cành lá có tác dụng tiêu thũng, khu phong, chỉ thống.

Theo y học hiện đại

Có tác dụng kháng khuẩn: Ngưu nhĩ phong có axit fumaric và axit succime cho nên nó có tác dụng kháng khuẩn yếu. Nếu sắc rễ cây uống sẽ giúp chữa viêm họng, sưng amidan, viêm ruột và mụn nhọt sưng lở.

tác dụng của ngưu nhĩ phong

Lá của ngưu nhĩ phong có nhiều tác dụng trị bệnh

Một số tác dụng khác theo kinh nghiệm dân gian

Theo kinh  nghiệm dân gian, rễ và lá ngưu nhĩ phong được dùng để:

  • Rễ cây dùng để giải độc trong các trường hợp chữa rắn cắn.
  • Có tác dụng trị cảm sốt, ho ra máu, đòn ngã sưng đau, gãy xương.
  • Trị nhiệt tả, lao phổi.
  • Cành lá thường được dùng để cầm máu chữa vết thương, sưng vú, phong thấp đau xương.
  • Chữa trị viêm đại tràng mãn tính.
  • Quả dùng chữa trị lỵ mạn tính.

Một số vị thuốc từ ngưu nhĩ phong

  • Bài thuốc dùng rễ ngưu nhĩ phong làm thuốc giải độc chữa rắn cắn: Lấy rễ tươi rửa sạch rồi đem giã nát. Cho thêm nước vào lọc lấy nước cốt uống. Lấy bã đắp lên vết thương để làm thuốc giải độc.
  • Bài thuốc dùng chữa trị cảm sốt, ho, viêm họng, viêm amidan, viêm ruột: Lấy 12 - 20g rễ đã phơi khô thái mỏng đem sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml. Lấy nước thuốc để chia làm 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể lấy rễ ngưu nhĩ phong dùng tươi đem nhai nuốt nước dần dần.
  • Bài thuốc dùng chữa ho ra máu: Đem sắc rễ ngưu nhĩ phong cùng với rễ cây găng vàng để làm thuốc uống.
  • Bài thuốc dùng chữa băng huyết ở phụ nữ: Dùng lá ngưu nhĩ phong tươi đem giã nát rồi thêm nước vào lọc lấy nước để uống làm thuốc cầm máu và chữa băng huyết.

Lưu ý khi sử dụng ngưu nhĩ phong

  • Không sử dụng vị thuốc ngưu nhĩ phong cho phụ nữ mang thai.
  • Chưa có thông tin rõ ràng chứng thực về độ an toàn của loại dược liệu ngưu nhĩ phong. Do đó, tuyệt đối không được dùng thuốc bừa bãi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. 

Tóm lại, ngưu nhĩ phong là một vị thuốc được dùng để điều trị nhiều bệnh. Tuy nhiên, mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Cho nên, khi sử dụng dược liệu để trị bệnh thì cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Dược sĩ

Dược sĩ Võ Văn Việt

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Dược sĩ Võ Văn Việt đã có hơn 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chuyên môn tư vấn sử dụng thuốc hiệu quả, cung cấp thông tin về dược phẩm, sức khỏe cho bệnh nhân và chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng thuốc đạt chất lượng đến tay người bệnh.

Sản phẩm có thành phần Ngưu nhĩ phong

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Sản phẩm có thành phần Ngưu nhĩ phong

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn