lcp

Tục đoạn


Tục đoạn hay còn gọi là Sơn cân thái, Oa thái, Đầu vù (Hmông), Rễ thái, Sâm nam, thuộc họ Tục đoạn với danh pháp khoa học là Dipsacaceae. Tục đoạn mặc dù là một loại cây mọc hoang nhưng nhờ có thành phần hoạt chất đa dạng nên được sử dụng làm vị thuốc. Tục là nối, đoạn là đứt, vì người xưa cho rằng vị thuốc này có tác dụng nối được gân xương đã đứt. Ngoài ra Tục đoạn còn có tác dụng an thai, trị rong kinh, băng huyết.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Tục đoạn sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Tục đoạn cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

tục đoạn

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Tục đoạn, Sơn cân thái, Oa thái, Đầu vù (Hmông), Rễ thái, Sâm nam.
  • Tên khoa học: Dipsacus japonicus Miq.
  • Họ: Tục đoạn (Dipsacaceae).
  • Công dụng: Củ khô sắc uống có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, chữa nhức gân xương, mụn nhọt, bong gân, sai khớp, phụ nữ hay bị sẩy thai, bạch đới, di tinh.

Mô tả cây Tục đoạn

Tục đoạn là loại cây thân thảo có thể cao tới khoảng 1,5 – 2m. Thân cây có 6 cạnh và trên cạnh sẽ có 1 hàng gai thưa. Gai quặp trở xuống và càng lên trên càng mau dần.

Lá không có cuống, mọc đối nhau, bẹ lá ôm lấy cành hay thân. Lá còn non sẽ có răng cưa nhỏ, phần phiến lá nhỏ, đầu nhọn, thuôn dài. Gân lá cách và trên đường gân của mặt dưới lá có 1 hàng gai nhỏ cứng nhưng càng lên đầu lá sẽ càng mềm dần. Lá khi già sẽ có phiến xẻ sâu, răng cưa màu hơn lá non, phần phiến lá xẻ cách từ 3 đến 9 thùy. Gân lá già cũng có gai nhỏ như là nguyên nhưng cũng có nhiều là nguyên.

Cụm hoa có thể hình trứng hoặc hình cầu, cành mang hoa thường dài khoảng 10 – 20cm, gồm 6 cạnh có lông cứng. Hoa màu trắng, lá bắc dài khoảng từ 1 – 2cm. Quả bế màu xám trắng còn lá đài sót lại, có 4 cạnh, dài khoảng 5 – 6mm.

tục đoạn

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ở nước ta, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, cây tục đoạn mọc hoang tương đối nhiều. Nhất là ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Sơn La.

Thu hoạch và chế biến: Củ tục đoạn thường được thu hái vào mùa đông, khoảng thời điểm tháng 11 – 12. Tiến hành đào về rửa sạch đất cát rồi cắt bỏ rễ con và phần trên cổ rễ. Sau đó đem phơi trong bóng râm hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Ngoài ra, có thể sơ chế dược liệu theo 2 cách phổ biến sau đây:

Tục đoạn chế rượu: Cứ 10kg củ tục đoạn thì sử dụng 1 lít rượu. Đầu tiên đem tục đoạn đi rửa sạch, thái lát sau đó phun đều rượu vào và ủ trong 30 – 60 phút. Sau đó cho dược liệu lên chảo đảo đều ở lửa riu đến khi có màu hơi đen.

Diêm tục đoạn: Với 10kg tục đoạn cần dùng 0,2kg muối. Hòa muối vào khoảng nửa lít nước và phun vào dược liệu rồi ủ 30 – 60 phút. Sau đó đem ra sao ở nhiệt độ vừa phải cho đến khi khô.

Bộ phận sử dụng của Tục đoạn

Củ của cây tục đoạn chính là bộ phận được sử dụng làm vị thuốc.

tục đoạn

Thành phần hóa học

Thành phần trong Tục đoạn ít được nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chưa được thống nhất. Có tài liệu nói trong Tục đoạn có một alkaloid gọi là laminin, ít tinh dầu và chất màu.

Sơ bộ nghiên cứu Tục đoạn Việt Nam thấy dịch chiết tục đoạn có vị hơi ngọt, sau hơi se lưỡi, có phản ứng với acid giấy quỳ, cho phản ứng dương với các thuốc thử chung alkaloid, phản ứng tanin cũng rõ rệt, có đường và có thể có saponin (Lê Ánh,1961)

Tác dụng của Tục đoạn

Theo y học cổ truyền

Tính vị:

Tục đoạn có vị đắng cay và tính hơi ôn.

Quy kinh:

Được quy vào 2 kinh Thận và Can.

Tác dụng: Thông huyết mạch, bổ gan ích thận, nối liền gân cốt, giảm đau, cầm máu.

Chủ trị: Can thận hư, chân yếu, lưng đau, bong gân, gãy xương, dọa sẩy thai, chữa băng lậu đới hạ, giúp an thai, chỉ huyết.

Theo y học hiện đại

Nước sắc từ cây tục đoạn có tác dụng thoát mủ đối với ung nhọt, có khả năng giảm đau, cầm máu, tăng sữa và thúc đẩy tổ chức tái sinh.

Nghiên cứu tác dụng dược lý của một loại cùng chi với Tục đoạn – Dypsacuspilosus cho thấy dùng liều 0.2 – 0.3g/ kg lên chó mèo thì huyết áp và nhịp tim tăng lên. Ngoài ra biên độ mạch cũng tăng lên đáng kể. Tiếp tục thử nghiệm lên tủy sống của ếch cho thấy Dypsacuspilosus có tác dụng gây mê mạnh (theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam của tác giả Đỗ tất Lợi).

Liều lượng và cách dùng Tục đoạn

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu theo nhiều cách khác nhau. Trường hợp làm vị thuốc trừ phong thì có thể dùng sống nhưng nếu dùng làm vị thuốc cầm máu thì cần phải sao lên. Liều lượng được khuyến cáo dùng tục đoạn mỗi ngày là từ 12 – 20g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Tục đoạn

1. Bào thuốc trị chứng động thai

Chuẩn bị: 80g tục đoạn (tẩm rượu) cùng với 80g đỗ trọng (tẩm nước gừng cho đứt tơ) và lượng thịt đại táo vừa đủ.

Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem trộn đều rồi tán thành bột mịn và trộn vào thịt đại táo. Sau đó tiến hành vo viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 30 viên cùng với nước cơm.

2. Bài thuốc trị can thận đều suy nhược

Chuẩn bị: 12g tục đoạn, 12g ý dĩ nhân, 12g ngũ gia bì, 12g phòng phong, 12g ngưu tất, 12g bạch truật, 12g tỳ giải, 20g thục địa cùng 8g khương hoạt.

Thực hiện: Trộn đều các vị thuốc trên rồi nghiền thành bột mịn rồi làm viên hoàn. Mỗi lần lấy uống khoảng 12g, chiêu với rượu ấm hay nước muối loãng. Tần suất dùng 2 – 3 lần/ngày. Dùng khi bị phong thấp đau buốt các khớp xương và chân tay, sống lưng và thắt lưng đau dữ dội.

3. Bài thuốc chữa đau nhức tứ chi do phong thấp

Chuẩn bị: 20g tục đoạn, 20g ngưu tất, 20g phòng phong, 20g tỳ giải cùng 20g chế xuyên ô.

Thực hiện: Các vị thuốc trên trộn lại với nhau rồi tán thành bột mịn. Sau đó luyện với mật để làm hoàn. Mỗi lần dùng 8g chiêu với nước sôi ấm để uống, tần suất 2 lần mỗi ngày.

4. Bài thuốc giúp bồi bổ can thận, trị mỏi gân cốt ở người già

Chuẩn bị: 10g tục đoạn, 10g đỗ trọng, 10g tang ký sinh, 10g ngưu tất, 5g đương quy, 5g câu kỷ tử cùng 5g hà thủ ô.

Thực hiện: Cho hết các vị thuốc trên vào ấm, thêm nửa thăng nước. Sắc lấy nước đặc, bỏ bã uống mỗi ngày 1 thang.

5. Bài thuốc chữa gãy xương không liền

Chuẩn bị: 12g tục đoạn, 12g đương quy, 12g cốt toái bổ, 12g hồng hoa, 8g mộc hương, 12g nhũ hương sao, 12g một dược sao, 12g thổ miết trùng, 12g tự nhiên đồng, 12g huyết kiệt.

Thực hiện: Các vị thuốc đem trộn đều rồi nghiền thành bột mịn. Mỗi lần lấy uống 12g chiêu cùng nước sôi ấm. Tần suất 2 – 3 lần mỗi ngày. Có thể kết hợp dùng thuốc bột này nhài với giấm hay rượu thành dạng hồ nhão rồi đặp trực tiếp vào chỗ đau.

6. Bài thuốc chữa băng lậu đới hạ ở phụ nữ

Chuẩn bị: 12g tục đoạn, 12g long cốt, 12g đương quy, 12g hoàng kỳ, 12g địa du, 12g xích thạch chi, 16g thục địa, 6g ngải diệp cùng 6g xuyên khung.

Thực hiện: Trộn đều các vị thuốc trên rồi nghiền thành bột mịn và làm viên hoàn. Mỗi lần uống 8g chiêu với nước sôi ấm. Ngày dùng 2 lần.

7. Bài thuốc chữa băng huyết

Chuẩn bị: 20g tục đoạn, 20g sơn thù, 20g a giao, 8g bạch phục linh, 8g bạch truật, 8g bạch thược, 4g cam thảo, 8g bào khương thán, 8g hoàng kỳ, 8g đương quy, 8g nhân sâm, 4g nhục quế, 8g thục địa, 8g thăng ma cùng 8g xuyên khung.

Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào trong ấm, thêm 1 thăng nước. Sắc trên lửa nhỏ 20 phút, bỏ bã, chia nước thuốc thành nhiều lần uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

8. Bài thuốc chữa tắc sữa, ít sữa sau sinh

Chuẩn bị: 15g tục đoạn, 5g đương quy, 6g xuyên sơn giáp (rang cháy), 9g thiên hoa phấn, 5g xuyên khung cùng 6g ma hoàng.

Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc lấy nước rồi lọc bỏ bã, uống mỗi ngày 1 thang.

9. Bài thuốc chữa vết thương sưng tấy

Chuẩn bị: Các vị thuốc tục đoạn, ngưu tất, cốt toái bổ, một dược, nhũ hương, đỗ trọng, tam thất, xuyên khung, đương quy, mỗi vị từ 3 – 5g.

Thực hiện: Đem sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã, uống ngày 1 thang.

10. Bài thuốc ngăn ngừa sẩy thai ở trường hợp hay sinh non

Chuẩn bị: 4g tục đoạn, 4g đương quy, 4g đảng sâm, 4g hoàng kỳ, 3g xuyên khung, 4g hoàng cầm, 8g bạch truật, 3g thục địa, 3g bạch thược, 2g chích cam thảo, 2g sa nhân cùng 1 nắm gạo nếp.

Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc cùng với nhiều lần nước để lấy nước đặc. Tiếp đến cho gạo nếp vào nấu cùng thành cháo. Ăn trong ngày khi còn ấm nóng. Cần duy trì liên tục từ 3 – 5 ngày.

11. Bài thuốc trị kinh nguyệt quá nhiều hay kinh có màu nhạt

Chuẩn bị: 10g tục đoạn, 10g đương quy, 12g thục địa, 3g xuyên khung cùng 3g ngải diệp.

Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy nước đặc, loại bỏ phần bã, chia làm nhiều lần uống, ngày dùng chỉ 1 thang.

12. Bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng lãnh cảm ở phụ nữ

Chuẩn bị: 20g tục đoạn, 20g đỗ trọng, 20g ba kích, 30g đậu đen, 20g nhục thung dung cùng 50g đuôi lợn.

Thực hiện: Các nguyên liệu trên cho vào nồi hầm nhừ. Mỗi ngày chỉ ăn 1 lần khi còn ấm nóng, duy trì liên tục trong 1 tuần liền.

13. Các bài thuốc chữa phong thấp ở người cao tuổi

Bài thuốc 1: Cần có 20g tục đoạn, 12g xương bồ, 16g thổ phục linh, 12g tang chi, 16g rễ bưởi bung, 12g rễ cỏ xước, 12g cam thảo, 10g quế chi. Các vị thuốc sắc cùng 1 thăng nước, loại bã đi lấy 350ml thuốc. Chia đều thành 2 lần uống, ngày 1 thang. Dùng khi thời tiết thay đổi khiến các khớp đau nhức, người bệnh trằn trọc, ít ngủ.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị 16g tục đoạn, 12g cà gai leo, 10g phòng phong, 16g kinh giới, 12g xuyên khung, 12g tế tân, 16g huyết đằng, 10g quế chi, 16g bưởi bung, 12g cẩu tích, 12g chích thảo. Sắc lấy nước đặc chia làm 2 – 3 lần uống, ngày dùng 1 thang. Dùng khi chân tay lạnh, khớp gối đau mỏi kèm biểu hiện cứng khớp, đi đứng chậm, cơ thể suy nhược.

Bài thuốc 3: Cần 12g tục đoạn, 12g hà thủ ô chế, 12g rễ cúc tần, 16g thổ phục linh, 20g cỏ xước, 20g xấu hổ, 16g độc hoạt, 16g đơn hoa, 10g quế chi, 10g thiên niên kiện. Các vị thuốc sắc nước uống 1 thang mỗi ngày, dùng tương tự như bài thuốc 2.

Bài thuốc 4: Chuẩn bị 16g tục đoạn, 16g hoài sơn, 12g cẩu tích, 12g liên nhục, 16g ngũ gia bì, 12g hà thủ ô chế, 16g hy thiêm, 16g độc hoạt, 12g đơn hoa, 16g kinh giới, 10g phòng phong. Đem các vị thuốc đi sắc 3 lần để lấy nước đặc, loại bỏ bã, chia làm 3 lần uống, ngày 1 thang. Dùng khi đau khớp chạy từ khớp này sang khớp khác, có dấu hiệu sốt, đau tức ngực, khó thở đi kèm.

Bài thuốc 5: Cần có 12g tục đoạn, 20g thổ phục linh, 12g lá lốt, 16g rễ bưởi bung, 16g rễ cỏ xước, 16g ngải diệp, 12g hà thủ ô chế, 12g chích thảo, 12g rễ cúc tần, 10g quế chi, 12g cà gai leo, 10g thiên niên kiện. Sắc lấy nước đặc, bỏ bã, uống mỗi ngày 1 thang khi thuốc còn ấm. Dùng khi đau vai cổ lan xuống 1 bên cánh tay, đầu khó cử động kèm cảm giác tê bì.

Lưu ý khi sử dụng Tục đoạn

Những người có chứng âm hư hỏa thịnh tuyệt đối không sử dụng tục đoạn cho bất cứ mục đích nào.

Bảo quản Tục đoạn

Dược liệu đã qua sơ chế khô cần bỏ vào túi kín và để nơi khô mát, phòng ẩm mốc, sâu mọt.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Tục đoạn. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Tục đoạn

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn