lcp

Mộc Hương: Đặc điểm, công dụng và cách sử dụng


Mộc hương hay còn được gọi là Vân mộc hương, Quảng mộc hương, thuộc họ Cúc với danh pháp khoa học là Asteraceae. Trong y học, Mộc hương có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, bổ dạ dày, mạnh tim, trừ đờm, lợi tiểu, đặc biệt là dùng khi cảm thấy hơi đầy lên tới ngực hay ợ. Cây cũng dùng chữa lỵ hoặc cho vào quần áo đề phòng nhậy.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Mộc hương sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Mộc hương cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Mộc hương

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt:  Mộc hương, Vân mộc hương, Quảng mộc hương.
  • Tên khoa học: Saussurea lappa Clarke
  • Họ: họ Cúc (Asteraceae).
  • Công dụng: hỗ trợ tiêu hóa, bổ dạ dày, mạnh tim, trừ đờm, lợi tiểu, đặc biệt là dùng khi cảm thấy hơi đầy lên tới ngực hay ợ. Cây cũng dùng chữa lỵ hoặc cho vào quần áo đề phòng nhậy.

Mô tả cây Mộc hương

Là loài cây thân thảo, sống lâu năm, cao chừng 1,5 – 2m, thân cây mọc thẳng, không phân cành, có hình trụ rỗng và vỏ ngoài màu nâu nhạt.

Lá cây mọc so le từ thân, dài từ 12 – 30cm, chiều rộng khoảng 6 – 15cm. Mỗi phiến lá chia thành nhiều thùy không đều nhau, 2 mặt đều có lông, mép lá nguyên, hơi lượn sóng có răng cưa nhỏ, cuống lá dài 20 – 30cm. Càng gần phần ngọn thì lá cây càng nhỏ, phần cuống cũng ngắn dần.

Hoa mọc thành cụm, có hình đầu, màu lan tím, thường nở vào khoảng tháng 7 – 9 hàng năm.

Đến khoảng tháng 8 – 10 cây đậu quả, quả mộc hương có dạng quả bế, hơi dẹt, cong, màu nâu nhạt đôi khi có đốm màu tím.

cây mộc hương

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây có nguồn gốc từ vùng núi phía bắc Ấn Độ và Nepal. Cây mọc tự nhiên trên các bãi cỏ trong thung lũng hoặc ven sườn núi ở độ cao từ 1500 – 3300m. Sau khi được nhập vào Trung Quốc và Nhật Bản thì ngày nay, Trung Quốc đã trồng được Mộc hương trên diện tích lớn. Tương tự, Việt Nam cũng đã trồng thành công cây Mộc hương ở Sa Pa.

Thu hoạch và chế biến: Phần rễ được thu hoạch vào tháng 12, rửa sạch đất, phơi hoặc sấy khô để dùng. Lấy rễ ngâm nước sau đó vớt lên. Đem ủ trên vải ướt, khi nước ngấm vào, rễ mềm đem đi thái phiến, dùng sống hoặc phơi khô. Hoặc trộn với bột mì bọc lại và đem nước lên dùng dần (theo Đông Dược Học Thiết Yếu). Rửa sạch rễ, đem phơi trong râm cho khô. Sau đó thái mỏng, tán bột để dùng dần. Khi dùng cho phiến mỏng vào thuốc đã sắc, khuấy đều và uống. Hoặc có thể mài và trộn với nước thuốc đã sắc (theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược). Bọc bột và nước chín (theo Bản Thảo Cương Mục).

Bộ phận sử dụng của Mộc hương

Rễ của cây mộc hương được thu hái để làm dược liệu.

mộc hương khô

Thành phần hóa học

Tinh dầu 1 – 2,8%, nhựa sausurin 6%, inulin 18%.

Tinh dầu chứa chủ yếu là aplotacen, betacosten, costus lacton, dehydrocostus lacton, camphen, phelandren.

Tác dụng của Mộc hương

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ, Mộc hương vị cay, đắng, tính ôn, vào các kinh tỳ, can, phế, có tác dụng kiện tỳ hòa vị, điều khí chỉ thống, an thai, chữa đầy bụng, tả, lỵ, nôn mửa, lỵ cấp hậu trọng.

Trong đông y, Mộc hương được dùng làm thuốc hỗ trợ tiêu hóa, bổ dạ dày, mạnh tim, trừ đờm, lợi tiểu, đặc biệt là dùng khi cảm thấy hơi đầy lên tới ngực hay ợ. Cây cũng dùng chữa lỵ hoặc cho vào quần áo đề phòng nhậy.

Theo y học hiện đại

Tác dụng ức chế vi sinh vật

Thử nghiệm in vitro cho thấy cao rễ Mộc hương có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Shigella shigae, Enterococcus faecalis, Escherichia coli, Shigella sonnei, Salmonella typhi, S. paratyphi và Pseudomonas aeruginosa. Cao chiết với cồn cao độ thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh hơn cao chiết với cồn thấp độ.

Tinh dầu Mộc hương cũng có tác dụng kháng khuẩn và tẩy uế mạnh, đặc biệt với liên cầu và tụ cầu khuẩn.

Chuột lang nhiễm Trichophyton rubrum dùng chế phẩm thuốc từ Mộc hương, đã khỏi bệnh sau hai tuần điều trị.

Mộc hương cũng ức chế in vitro Entamoeba histolytica lấy từ bệnh phẩm.

Tác dụng ức chế nhu động ruột

Cao tinh dầu toàn phần đã khử lacton và dihydrocostunolid, các phân đoạn lacton và dihydrocostunolid có khả năng ức chế sự co thắt hồi tràng.

Tác dụng giãn cơ trơn

Các phân đoạn của tinh dầu đều có tác dụng làm giảm sự co thắt phế quản ở chuột lang (gây bởi khí dung histamin và acetylcholin). Saussurin có khả năng làm giãn cơ trơn, đặc biệt với cơ trơn phế quản và làm dịu cơn hen. Hợp chất này có tác dụng tương tự như adrenalin, nhưng không mạnh bằng và xuất hiện chậm hơn, tồn tại trong thời gian dài hơn. Trên chuột nhắt trắng bị loét dạ dày do ngâm chuột trong nước, uống phân đoạn aceton của Mộc hương giúp hồi phục vết loét rõ.

Trên chuột cống trắng, cao aceton Mộc hương có tác dụng lợi mật đáng kể.

Tinh dầu Mộc hương vào phổi gây tác dụng long đờm và một phần đào thải qua thận gây lợi tiểu.

Tác dụng giảm đau

Mộc hương có tác dụng giảm đau trên chuột nhắt trắng (sau tiêm phúc mạc dung dịch acid acetic 1%). Có tác dụng chống viêm trên chuột cống trắng trong hai mô hình thực nghiệm: Gây phù bàn chân với kaolin và gây u hạt thực nghiệm với amiant, đồng thời có hoạt tính gây teo tuyến ức chuột cống đực non.

Tác dụng ức chế thần kinh trung ương

Tinh dầu bay hơi của Mộc hương có tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Động vật thử nghiệm khi được tiêm tinh dầu thì bị giãn mạch ở vùng nội tạng và kích thích tuần hoàn.

Tác dụng dược lý khác

Tinh dầu Mộc hương còn có tác dụng diệt côn trùng.

Bệnh nhân đái tháo đường uống Mộc hương với liều hàng ngày 500mg dưới dạng nước sắc trong 30 ngày, đã tỏ ra có hiệu lực điều trị đái tháo đường và không gây tác dụng phụ.

Mộc hương có tác dụng bảo vệ chống độc lực của nọc rắn, nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian sống ở chuột nhắt trắng được tiêm nọc rắn.

Liều lượng và cách dùng Mộc hương

Ngày dùng 3 – 6g bột hoặc sắc 6 – 12g để uống.

Bài thuốc chữa bệnh từ Mộc hương

Bài thuốc trị cấm khẩu, bất tỉnh, mắt nhắm như trúng phong: Dùng mộc hương tán bột, đem hòa với nước hạt bí đao và uống.

Bài thuốc trị khi đau xóc: Dùng mộc hương 40g và tạo giáp nướng kỹ 40g đem đi tán bột. Trộn bột với hồ làm thành viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 50 viên với nước sôi.

Bài thuốc trị nội điếu, ruột đau thắt: Dùng nhũ hương, mộc hương, mộc dược nấu lấy nước uống.

Bài thuốc trị tai bỗng nhiên ù, điếc: Dùng mộc hương 40g đem ngâm giấm trong 1 đêm, thêm một ít dầu mè và đun sôi 3 lần. Lọc bỏ bã và nhỏ hỗn dịch vào tai 2 – 3 giọt/ lần.

Bài thuốc trị lỵ: Dùng mộc hương 1 tấc với hoàng liên 20g đem nấu với nước cho cạn. Bỏ hoàng liên, đem mộc hương thái mỏng, rang khô và tán bột. Bột chia thành 3 phần bằng nhau. Phần đầu uống với nước sắc trần bì, lần thứ hai uống với nước sắc trần mễ, cuối cùng uống với nước sắc cam thảo.

Bài thuốc trị tiểu đục: Dùng mộc dược, mộc hương bằng lượng nhau, đem tán bột và làm viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên với nước muối.

Bài thuốc trị bụng đau, bụng đầy do hàn thấp trở trệ ở trường vị: Dùng mộc hương, đàn hương, bạch đậu khấu, cam thảo mỗi thứ 4g, đinh hương 2g, hoắc hương 12g, sa nhân 6g đem sắc uống.

Bài thuốc trị táo bón, ruột viêm cấp, lỵ, bụng đầy, bụng đau do khí trệ: Dùng mộc hương, ngô thù, mỗi thứ 4g, hương phụ, khiên ngưu, binh lang, đại hoàng, mang tiêu mỗi thứ 12g, trần bì, nga truật, thanh bì, chỉ xác, tam lăng mỗi thứ 8g sắc nước.

Bài thuốc trị cơn đau thắt túi mật: Dùng nước sắc mộc hương uống đến khi triệu chứng dứt điểm.

Bài thuốc trị đầy hơi: Dùng mộc hương tán bột. Nếu nhiệt uống với sữa bò, ngược lại nếu hàn uống với rượu.

Bài thuốc trị sán khí: Đem mộc hương 160g nấu với nước, mỗi ngày dùng 3 lần.

Bài thuốc trị lưng đau, khí trệ: Dùng nhũ hương, mộc hương mỗi thứ 8g đem ngâm rượu. Sau đó hấp vào nồi cơm trong xôi và uống.

Bài thuốc trị đau trong tai: Dùng mộc hương tán bột, sau đó lấy củ hành nhúng mỡ ngan, chấm bột mộc hương và nhét vào lỗ tai.

Bài thuốc trường phong hạ huyết: Dùng hoàng liên, mộc hương bằng lượng nhau, đem đi tán bột. Sau đó cho vào ruột già của heo, buộc chặt, đem nấu nhừ. Sau khi chín, bỏ bã thuốc chỉ ăn ruột heo.

Bài thuốc trị hôi nách: Đem mộc hương ngâm giấm, tán bột và xát vào nách.

Lưu ý khi sử dụng Mộc hương

Không dùng cho các chứng bệnh do khí yếu hoặc huyết hư dẫn đến táo bón.

Bảo quản Mộc hương

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Mộc hương cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Võ Văn Việt

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Dược sĩ Võ Văn Việt đã có hơn 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chuyên môn tư vấn sử dụng thuốc hiệu quả, cung cấp thông tin về dược phẩm, sức khỏe cho bệnh nhân và chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng thuốc đạt chất lượng đến tay người bệnh.

Sản phẩm có thành phần Mộc hương

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn