lcp

Phenylephrine


Phenylephrine, còn được gọi là Phenylephrine hydrochloride, là một loại thuốc cường giao cảm, có tác dụng trực tiếp lên các thụ thể a1-adrenergic. Thuốc này có tác dụng làm co mạch máu và làm tăng huyết áp.

Thông tin chung

Tên chung quốc tế: Phenylephrine hydrochloride

Mã ATC và loại thuốc:                                

  • C01C A06: Thuốc cường giao cảm a1, co mạch tăng huyết áp, điều trị hạ huyết áp và sốc (thuốc tiêm).
  • R01A A04: Thuốc cường giao cảm a1, co mạch, chống sung huyết mũi (nhỏ mũi).
  • S01G A05: Thuốc cường giao cảm a1, co mạch, chống sung huyết mắt (tra mắt).
  • S01F B01: Thuốc cường giao cảm a1, giãn đồng tử (tra mắt).

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Ống tiêm 10 mg/1 ml.
  • Lọ 5 ml, 10 ml và dạng đơn liều dung dịch 0,12% và 2,5% để tra mắt, chống sung huyết mắt.
  • Lọ 5 ml và 10 ml dung dịch 0,125%; 0,16%; 0,25%; 0,5% và 1% để nhỏ mũi, chống sung huyết mũi.
  • Lọ 10 ml và dạng đơn liều dung dịch 1%; 2,5% và 10% để tra mắt làm giãn đồng tử.

Công dụng của Phenylephrine

Dược lực học

Phenylephrin hydroclorid là một thuốc tác dụng giống thần kinh giao cảm α1 (α1 -adrenergic) có tác dụng trực tiếp lên các thụ thể α 1-adrenergic làm co mạch máu và làm tăng huyết áp. Tác dụng làm tăng huyết áp yếu hơn norepinephrin, nhưng thời gian tác dụng dài hơn. Phenylephrin hydroclorid gây nhịp tim chậm do phản xạ, làm giảm thể tích máu trong tuần hoàn, giảm lưu lượng máu qua thận, cũng như giảm máu vào nhiều mô và cơ quan của cơ thể. Ở liều điều trị, phenylephrin thực tế không có tác dụng kích thích trên thụ thể β-adrenergic của tim (thụ thể β1 -adrenergic); nhưng ở liều lớn, có kích thích thụ thể β-adrenergic. Phenylephrin không kích thích thụ thể β-adrenergic của phế quản hoặc mạch ngoại vi (thụ thể β2 -adrenergic). Ở liều điều trị, thuốc không có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương. 

Cơ chế tác dụng α-adrenergic của phenylephrin là do ức chế sản xuất AMP vòng (cAMP: cyclic adenosin -3’, 5’-monophosphat) thông qua ức chế enzym adenyl cyclase, trong khi tác dụng β-adrenergic là do kích thích hoạt tính adenyl cyclase. Phenylephrin cũng có tác dụng gián tiếp do giải phóng norepinephrin từ các nang chứa vào tuần hoàn. Thuốc có thể gây quen thuốc nhanh, tức là tác dụng giảm đi khi dùng lặp lại nhiều lần, nhưng nhà sản xuất cho là không gây quen thuốc nhanh. Phenylephrin có thể dùng đường toàn thân. 
Trước đây, thuốc đã được dùng để điều trị sốc sau khi đã bù đủ dịch để nâng huyết áp, nhưng hiệu quả chưa được chứng minh và có thể còn gây hại cho người bệnh. Norepinephrin, metaraminol thường được ưa dùng hơn, nhất là khi cần kích thích cơ tim, đặc biệt trong sốc do nhồi máu cơ tim, nhiễm khuẩn huyết hoặc tai biến phẫu thuật. Tuy vậy, phenylephrin có thể có ích khi không cần phải kích thích cơ tim như trong điều trị hạ huyết áp do gây mê bằng cyclopropan, halothan hoặc các thuốc khác dễ gây loạn nhịp tim. Phenylephrin cũng đã được dùng để dự phòng và điều trị hạ huyết áp do gây tê tủy sống, nhưng có người cho là không nên dùng các thuốc chủ vận α-adrenergic thuần túy, vì có thể làm giảm lưu lượng tim.

Dùng phenylephrin để điều trị hạ huyết áp trong khi gây mê cho sản phụ còn tranh cãi, vì có thể điều trị bằng bù đủ dịch và thay đổi tư thế người bệnh để tử cung không đè lên tĩnh mạch chủ dưới. Nếu cần dùng thuốc để nâng huyết áp, thường ephedrin được ưa dùng hơn. 

Phenylephrin cũng đã được dùng để điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, đặc biệt khi người bệnh bị hạ huyết áp hoặc sốc, nhưng một thuốc kháng cholinesterase tác dụng ngắn (thí dụ edrophonium clorid) thường được ưa dùng vì an toàn hơn. Phenylephrin có thể dùng tại chỗ với các dung dịch có nồng độ khác nhau từ đậm đặc (nồng độ từ 2,5% trở lên) đến loãng (nồng độ 0,125% - 0,5%). Khi nhỏ vào niêm mạc mắt, phenylephrin tác động trực tiếp trên thụ thể α-adrenergic ở cơ giãn đồng tử làm co cơ này, nên đồng tử giãn rộng; tác động nhẹ đến thể mi, nên không làm liệt thể mi; tác động đến cơ vòng mi, nên làm giảm sụp mi trong hội chứng Horner hoặc Raeder; có thể làm giảm nhãn áp ở mắt bình thường hoặc bị glôcôm góc mở do thủy dịch thoát ra tăng, hoặc do giảm sản xuất thủy dịch. Phenylephrin còn làm co các mạch máu, nên làm giảm sung huyết ở kết mạc. Khi nhỏ vào niêm mạc mũi, phenylephrin gây co mạch tại chỗ, nên làm giảm sung huyết mũi và xoang do cảm lạnh.

Dược động học

Phenylephrin hấp thu rất thất thường qua đường tiêu hóa do bị chuyển hóa ngay trên đường tiêu hóa thông qua enzym MAO, nên sinh khả dụng của thuốc chỉ đạt ≤ 38%. Vì thế, để có tác dụng trên hệ tim mạch thường phải dùng đường tiêm. Sau khi tiêm tĩnh mạch, huyết áp tăng hầu như ngay lập tức và kéo dài 15 - 20 phút. Sau khi tiêm bắp, huyết áp tăng trong vòng 10 - 15 phút và kéo dài từ 30 phút đến 1 - 2 giờ.

Khi hít qua miệng, phenylephrin có thể hấp thu đủ để gây ra tác dụng toàn thân. Sau khi uống, tác dụng chống sung huyết mũi xuất hiện trong vòng 15 - 20 phút, và kéo dài 2 - 4 giờ

Sau khi nhỏ dung dịch 2,5% phenylephrin vào kết mạc, đồng tử giãn tối đa vào khoảng 15 - 60 phút và trở lại như cũ trong vòng 3 giờ. Nếu nhỏ dung dịch 10% phenylephrin, đồng tử giãn tối đa trong vòng 10 - 90 phút và phục hồi trong vòng 3 - 7 giờ. Đôi khi phenylephrin bị hấp thu đủ để gây tác dụng toàn thân. 

Để làm giảm sung huyết ở kết mạc hoặc ở mũi, thường dùng các dung dịch loãng hơn (0,125 - 0,5%). Sau khi nhỏ thuốc vào kết mạc hoặc vào niêm mạc mũi, mạch máu tại chỗ hầu như co lại ngay.

Thời gian tác dụng làm giảm sung huyết sau khi nhỏ thuốc đối với kết mạc hoặc niêm mạc mũi dao động nhiều, từ 30 phút đến 4 giờ. Phenylephrin trong tuần hoàn có thể phân bố vào các mô với Vd giai đoạn đầu: 26 - 61 lít và Vd ở trạng thái ổn định: 340 lít. Còn chưa biết thuốc có phân bố được vào sữa mẹ không.

Phenylephrin bị chuyển hóa ở gan và ruột nhờ enzym monoaminoxidase (MAO) nhờ phản ứng oxy hóa khử amin và phản ứng liên hợp với acid glucuronic. Thuốc được thải trừ qua thận chủ yếu ở dạng chưa bị chuyển hóa. Nửa đời thải trừ t/2 α khoảng 5 phút và t/2 β khoảng 2 - 3 giờ

Chỉ định của Phenylephrine

Toàn thân: 

Hiện nay thuốc này ít được chỉ định. Trước đây, thuốc đã được chỉ định để điều trị giảm huyết áp trong sốc sau khi đã bù đủ dịch, hoặc giảm huyết áp do gây tê tủy sống; cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất; để kéo dài thời gian tê trong gây tê tủy sống hoặc gây tê vùng. Phenylephrin có thể dùng đường uống để điều trị sung huyết mũi. 

Tại chỗ: 

Nhỏ mắt để làm giãn đồng tử (trong điều trị viêm màng bồ đào có khả năng gây dính; chuẩn bị trước khi phẫu thuật trong nhãn cầu; để chẩn đoán). Nhỏ mắt để làm giảm sung huyết kết mạc (trong viêm kết mạc cấp). Nhỏ mũi để làm giảm sung huyết mũi, xoang do bị cảm lạnh

Liều lượng và cách dùng Phenylephrine

Dùng toàn thân: Dùng liều thấp nhất có hiệu quả và ngắn nhất, nếu có thể. Hạ huyết áp: Liều ban đầu 2 - 5 mg (0,2 - 0,5 ml dung dịch 1%), tiêm dưới da hoặc tiêm bắp; liều sau 1 - 10 mg nếu cần tuỳ theo đáp ứng. Có thể tiêm tĩnh mạch chậm 100 - 500 microgam (0,1 - 0,5 ml dung dịch đã pha loãng 10 lần tức là 0,1%), lặp lại nếu cần sau ít nhất 15 phút. 

Hạ huyết áp nặng: Hòa 1 ống 10 mg trong 500 ml dung dịch glucose 5% hoặc natri clorid 0,9% (được nồng độ 20 microgam/ml), tiêm truyền tĩnh mạch với tốc độ ban đầu tới 180 microgam/phút, rồi giảm dần tùy theo đáp ứng tới 30 - 60 microgam/phút.

Hạ huyết áp trong khi gây tê tủy sống: Dự phòng hạ huyết áp: 2 - 3 mg tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 3 - 4 phút trước khi gây tê tủy sống. Điều trị cấp cứu hạ huyết áp trong khi gây tê tủy sống ở người lớn: Tiêm tĩnh mạch, liều ban đầu 0,2 mg; bất cứ liều nào tiêm sau cũng không được vượt quá liều trước 0,1 - 0,2 mg, và một liều đơn không được vượt quá 0,5 mg. Nhà sản xuất khuyến cáo liều 0,044 - 0,088 mg/kg tiêm bắp hoặc dưới da để điều trị hạ huyết áp trong gây tê tủy sống ở trẻ em

Kéo dài thời gian tê trong gây tê tủy sống: Có thể thêm 2 - 5 mg phenylephrin hydroclorid vào dung dịch gây tê.

Gây co mạch trong gây tê vùng: Theo nhà sản xuất, nồng độ thuốc tối ưu là 0,05 mg/ml (1: 20 000). Chuẩn bị dung dịch gây tê bằng cách cứ 20 ml dung dịch thuốc tê thì thêm 1 mg phenylephrin.

Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất: Để dứt cơn, tiêm tĩnh mạch nhanh (trong vòng 20 - 30 giây) liều khởi đầu khuyến cáo không được vượt quá 0,5 mg; liều tiếp theo có thể tăng thêm 0,1 - 0,2 mg phụ thuộc vào đáp ứng về huyết áp của người bệnh. Huyết áp tâm thu không được cao quá 160 mmHg. Liều tối đa một lần 1 mg

Điều trị sung huyết mũi: Có thể dùng đường uống để điều trị sung huyết mũi với liều 10 mg/lần, cách 4 giờ uống 1 lần, tối đa không vượt quá 60 mg/ ngày

Nhỏ mắt

Liều thông thường ở người lớn và thiếu niên:

Giãn đồng tử và co mạch: Nhỏ thuốc vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5% hoặc 10%, lặp lại 1 giờ sau nếu cần. 

Gây giãn đồng tử kéo dài: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5% hoặc 10%, 2 - 3 lần mỗi ngày. 

Viêm màng bồ đào có dính mống mắt sau (điều trị hoặc dự phòng): Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5% hoặc 10%, lặp lại 1 giờ sau nếu cần, nhưng không được vượt quá 3 lần/ngày. Có thể tiếp tục điều trị vào ngày sau nếu cần. Cũng có thể dùng atropin sulfat và đắp gạc nóng nếu có chỉ định. 

Mắt đỏ (điều trị): Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 0,12%, cách 3 - 4 giờ 1 lần khi cần. 

Gây giãn đồng tử trước khi phẫu thuật: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5% hoặc 10% 30 - 60 phút trước khi phẫu thuật. 

Gây giãn đồng tử để tiến hành chẩn đoán

  • Đo khúc xạ: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt thuốc làm liệt thể mi; 5 phút sau, nhỏ 1 giọt dung dịch phenylephrin 2,5%. Nhu cầu nhỏ thêm thuốc liệt thể mi và thời gian chờ trước khi có liệt thể mi phụ thuộc vào thuốc liệt thể mi đã dùng. 
  • Soi đáy mắt: Nhỏ vào kết mạc 1 hoặc 2 giọt dung dịch 2,5%, 15 - 30 phút trước khi soi, có thể lặp lại sau khoảng 10 - 60 phút nếu cần. 
  • Soi võng mạc: Nhỏ thuốc vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5%. 
  • Test làm trắng (blanching test): Để phân biệt giữa viêm kết mạc và viêm mống mắt - thể mi, nhỏ thuốc vào mắt bị nhiễm khuẩn 1 giọt dung dịch 2,5%; 5 phút sau khi nhỏ thuốc, quan sát vùng trắng quanh rìa củng - giác mạc. 

Liều trẻ em:

Giãn đồng tử và co mạch: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5%, lặp lại 1 giờ sau nếu cần. 

Làm giãn đồng tử lâu dài: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5%, ngày 2 - 3 lần. 

Điều trị viêm màng bồ đào kèm dính phía sau: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5%, lặp lại sau 1 giờ nếu cần. Có thể tiếp tục điều trị ngày sau. Nếu có chỉ định, có thể dùng atropin sulfat và đắp gạc nóng 

Làm giãn đồng tử trước khi phẫu thuật: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch 2,5%, 30 - 60 phút trước khi phẫu thuật. 

Làm giãn đồng tử để tiến hành chẩn đoán: 

  • Đo khúc xạ: Nhỏ vào kết mạc 1 giọt dung dịch atropin 1%; 10 - 15 phút sau, nhỏ 1 giọt dung dịch phenylephrin 2,5% và 5 - 10 phút sau nữa, nhỏ 1 giọt thứ 2 dung dịch atropin 1%. Trong vòng từ 1 đến 2 giờ, mắt đã sẵn sàng để đo. 
  • Soi đáy mắt, soi võng mạc, test làm trắng, mắt đỏ: Liều giống như đối với người lớn. 

Ghi chú: 

  • Không dùng dung dịch 10% cho trẻ nhỏ. 
  • Không dùng dung dịch 10% và 2,5% cho trẻ sơ sinh đẻ nhẹ cân. 
  • Để tránh tai biến do tăng huyết áp ở trẻ em, chỉ nên dùng dung dịch tra mắt 0,5%. 
  • Không nên dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi. 

Nhỏ mũi

Nhỏ mũi để giảm sung huyết mũi:

Người lớn và thiếu niên: Nhỏ 2 - 3 giọt (hoặc phun sương) dung dịch 0,25 - 0,5% vào mỗi bên mũi, 4 giờ một lần nếu cần. Nếu ngạt mũi nhiều, lúc đầu có thể dùng dung dịch 1%. 

Trẻ em

  • Trẻ nhỏ cho tới 2 tuổi: Liều do thầy thuốc chỉ định, tùy theo từng người bệnh. 
  • 2 - 6 tuổi: Nhỏ vào mỗi bên mũi 2 - 3 giọt dung dịch 0,125 - 0,16%, 4 giờ một lần nếu cần. 
  • 6 - 12 tuổi: Nhỏ vào mỗi bên mũi 2 - 3 giọt hoặc phun sương dung dịch 0,25%, 4 giờ một lần nếu cần. Không nên dùng dung dịch 0,5% để nhỏ mũi cho trẻ dưới 12 tuổi. Nếu cần thiết phải dùng thì cần được thầy thuốc theo dõi chặt chẽ. 
  • 12 tuổi trở lên: Liều giống như liều người lớn

Lưu ý khi dùng Phenylephrine

Chống chỉ định

Bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành. Tăng huyết áp nặng, blốc nhĩ thất, xơ cứng động mạch nặng, nhịp nhanh thất. Cường giáp nặng hoặc bị glôcôm góc đóng. Dung dịch 10% không dùng cho trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi. Mẫn cảm với thuốc, hoặc mẫn cảm chéo với pseudoephedrin hoặc với các thành phần khác trong thuốc. Không dùng thuốc dạng uống cùng với các thuốc ức chế MAO hoặc đã ngừng sử dụng thuốc ức MAO chưa quá 14 ngày và phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Thận trọng

Ở người bệnh bị sốc, dùng phenylephrin hydroclorid không phải là để thay thế cho việc bổ sung máu, huyết tương, dịch và điện giải. Cần phải bổ sung dịch trước khi dùng phenylephrin. Khi cấp cứu, có thể dùng thuốc làm chất bổ trợ cho bù dịch, hoặc được dùng như biện pháp hỗ trợ tạm thời để đảm bảo cho sự tưới máu cho động mạch cảnh hoặc động mạch não, cho đến khi hoàn tất việc bù dịch. Phenylephrin hydroclorid không được dùng như một liệu pháp điều trị duy nhất ở người bệnh giảm thể tích máu. 

Liệu pháp bù dịch có thể cần phải bổ sung trong hoặc sau khi dùng thuốc; đặc biệt là nếu hạ huyết áp lại bị tái lại. Theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm hoặc huyết áp thất trái để phát hiện và xử lý giảm thể tích máu; theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm hoặc áp lực động mạch phổi để tránh gây tăng gánh cho hệ tuần hoàn, có thể gây suy tim sung huyết. 

Hạ oxy huyết và nhiễm acid cũng làm giảm hiệu quả của phenylephrin; vì vậy, cần xác định và điều chỉnh trước khi hoặc cùng một lúc với dùng thuốc. Trong thuốc tiêm phenylephrin hydroclorid, để chống oxy hoá, thường có natri metabisulfit, là chất có khả năng gây phản ứng dị ứng, kể cả phản ứng phản vệ, đặc biệt là ở người bị hen. Cần thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, người bệnh cường giáp, nhịp tim chậm, blốc tim một phần, bệnh cơ tim, xơ cứng động mạch nặng, đái tháo đường typ 1.

Cần thận trọng khi dùng thuốc đường uống ở những người bệnh bị hen khí phế quản, tắc ruột, cường giáp trạng, phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Khi dùng thuốc thấy xuất hiện triệu chứng kích thích, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ phải ngừng thuốc và thông báo cho nhân viên y tế.

Thời kỳ mang thai

Dùng phenylephrin hydroclorid cho phụ nữ có thai giai đoạn muộn hoặc lúc chuyển dạ, làm cho thai dễ bị thiếu oxy máu và nhịp tim chậm, là do tử cung tăng co bóp và giảm lưu lượng máu tới tử cung. Dùng phối hợp phenylephrin hydroclorid với thuốc trợ đẻ sẽ làm tăng tai biến cho sản phụ.

Còn chưa đủ số liệu nghiên cứu khẳng định thuốc có đi qua rau thai hay không, nhưng với phân tử lượng 167 nên rất có thể thuốc đi qua được rau thai. Tuy nhiên, do chưa có đủ bằng chứng về tác hại của phenylephrin hydroclorid trên thai, nên chỉ dùng phenylephrin cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết, có cân nhắc về tác hại do thuốc gây ra

Thời kỳ cho con bú

Còn chưa rõ phenylephrin có phân bố được vào sữa mẹ không nhưng với phân tử lượng 167 nên rất có thể thuốc đi qua sữa; vì vậy, phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ nuôi con bú. Biện pháp tốt nhất là nếu buộc phải dùng phenylephrin tiêm, thì nên ngừng cho con bú

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR >1/100 

  • Thần kinh trung ương: Kích động thần kinh, bồn chồn, lo âu, khó ngủ, người yếu mệt, choáng váng, đau trước ngực, run rẩy, dị cảm đầu chi. 
  • Tim mạch: Tăng huyết áp. 
  • Da: Nhợt nhạt, trắng bệch, cảm giác lạnh da, dựng lông tóc. 
  • Tại chỗ: Kích ứng tại chỗ. 

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100 

  • Tim mạch: Tăng huyết áp kèm phù phổi, loạn nhịp tim, nhịp tim chậm, co mạch ngoại vi và nội tạng làm giảm tưới máu cho các cơ quan này. 
  • Hô hấp: Suy hô hấp. Thần kinh: Cơn hưng phấn, ảo giác, hoang tưởng. 
  • Da: Hoại tử hoặc tróc vảy, nếu tiêm để thuốc thoát ra ngoài mạch. Tại mắt: Giải phóng các hạt sắc tố ở mống mắt, làm mờ giác mạc. 
  • Hiếm gặp, ADR < 1/1 000 Tim mạch: Viêm cơ tim thành ổ, xuất huyết dưới màng ngoài tim.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Dùng quá liều phenylephrin làm tăng huyết áp, đau đầu, cơn co giật, xuất huyết não, đánh trống ngực, ngoại tâm thu, dị cảm. Nhịp tim chậm thường xảy ra sớm. Trong điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất, khi tiêm tĩnh mạch nhanh, nếu quá liều, sẽ gây ra cơn nhịp nhanh thất ngắn, hoặc ngoại tâm thu thất. 

Xử trí: Tăng huyết áp có thể khắc phục bằng cách dùng thuốc chẹn α-adrenergic như phentolamin 5 - 10 mg, tiêm tĩnh mạch; nếu cần, có thể lặp lại. Thẩm tách máu thường không có ích. Cần chú ý điều trị triệu chứng và hỗ trợ chung, chăm sóc y tế.

Tương tác thuốc

Phentolamin và thuốc chẹn α-adrenergic: Tác dụng tăng huyết áp của phenylephrin sẽ giảm, nếu trước đó, đã dùng thuốc chẹn α-adrenergic như phentolamin mesylat. Phentolamin có thể được dùng để điều trị tăng huyết áp do dùng quá liều phenylephrin. 

Các phenothiazin (như clorpromazin): Các phenothiazin cũng có một số tác dụng chẹn α-adrenergic; do đó, dùng một phenothiazin từ trước, có thể làm giảm tác dụng tăng huyết áp và thời gian tác dụng của phenylephrin. Khi huyết áp hạ do dùng quá liều một phenothiazin hoặc thuốc chẹn α-adrenergic, có thể phải dùng liều phenylephrin hydroclorid cao hơn liều bình thường. 

Propranolol và thuốc chẹn β-adrenergic: Tác dụng kích thích tim của phenylephrin hydroclorid sẽ bị ức chế bằng cách dùng từ trước thuốc chẹn β-adrenergic như propranolol. Propranolol có thể được dùng để điều trị loạn nhịp tim do dùng phenylephrin. 

Thuốc trợ đẻ (oxytocin): Khi phối hợp phenylephrin hydroclorid (một thuốc gây tăng huyết áp) với thuốc trợ đẻ, tác dụng tăng huyết áp sẽ tăng lên. Nếu phenylephrin được dùng khi chuyển dạ và xổ thai để chống hạ huyết áp, hoặc được thêm vào dung dịch thuốc tê, thầy thuốc sản khoa phải lưu ý là thuốc trợ đẻ có thể gây tăng huyết áp nặng và kéo dài và vỡ mạch máu não có thể xảy ra sau khi đẻ. 

Thuốc giống thần kinh giao cảm: Phenylephrin hydroclorid không được dùng phối hợp với epinephrin hoặc thuốc cường giao cảm khác, vì nhịp tim nhanh và loạn nhịp tim có thể xảy ra. 

Thuốc mê: Phối hợp phenylephrin hydroclorid với thuốc mê là hydrocarbon halogen hóa (ví dụ cyclopropan) làm tăng kích thích tim và có thể gây loạn nhịp tim. Tuy nhiên, với liều điều trị, phenylephrin hydroclorid ít gây loạn nhịp tim hơn nhiều so với norepinephrin hoặc metaraminol. 

Monoaminoxidase (MAO): Tác dụng kích thích tim và tác dụng tăng huyết áp của phenylephrin hydroclorid được tăng cường, nếu trước đó đã dùng thuốc ức chế MAO là do chuyển hóa phenylephrin bị giảm đi. Tác dụng kích thích tim và tác dụng tăng huyết áp sẽ mạnh hơn rất nhiều, nếu dùng phenylephrin uống so với tiêm, vì sự  giảm chuyển hóa của phenylephrin ở ruột làm tăng hấp thu thuốc. Vì vậy, không được dùng phenylephrin hydroclorid uống phối hợp với thuốc ức chế MAO. 

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (như imipramin) hoặc guanethidin cũng làm tăng tác dụng tăng huyết áp của phenylephrin. Atropin sulfat và các thuốc liệt thể mi khác khi phối hợp với phenylephrin sẽ phong bế tác dụng chậm nhịp tim phản xạ, làm tăng tác dụng tăng huyết áp và giãn đồng tử của phenylephrin. 

Alcaloid nấm cựa gà dạng tiêm (như ergonovin maleat) khi phối hợp với phenylephrin sẽ làm tăng huyết áp rất mạnh. 

Digitalis phối hợp với phenylephrin làm tăng mức độ nhạy cảm của cơ tim do phenylephrin. Furosemid hoặc các thuốc lợi tiểu khác làm giảm đáp ứng tăng huyết áp do phenylephrin. 

Pilocarpin là thuốc co đồng tử, có tác dụng đối kháng với tác dụng giãn đồng tử của phenylephrin. Sau khi dùng phenylephrin làm giãn đồng tử để chẩn đoán mắt xong, có thể dùng pilocarpin để mắt phục hồi được nhanh hơn. 

Với guanethidin: Dùng phenylephrin cho người bệnh đã có một thời gian dài uống guanethidin, đáp ứng giãn đồng tử của phenylephrin tăng lên nhiều và huyết áp cũng tăng lên rất mạnh. 

Với levodopa: Tác dụng giãn đồng tử của phenylephrin giảm nhiều ở người bệnh dùng levodopa. 

Không dùng cùng với bromocriptin vì tai biến co mạch và tăng huyết áp

Bảo quản

Dung dịch phenylephrin hydroclorid dễ bị oxy hóa, cần bảo quản ở nhiệt độ 15 - 25 o C, tránh ánh sáng. Thuốc đựng trong lọ hoặc ống thủy tinh bảo quản tốt hơn nhựa polyethylen. Dung dịch phenylephrin hydroclorid hòa loãng trong dung dịch tiêm glucose 5% ổn định được 48 giờ ở pH 3,5 - 7,5. Dung dịch thuốc tương kỵ với kiềm, nhưng dung dịch pha nồng độ 0,02 mg/ ml trong dung dịch tiêm natri hydrocarbonat 5% (kiềm yếu) cũng ổn định được 48 giờ. Dung dịch tiêm phenylephrin hydroclorid dạng thuốc tiêm, tra mắt, nhỏ mũi phải trong suốt không màu hoặc có màu vàng nhạt, có pH 4,0 - 7,5 tuỳ theo dung dịch đệm. Nếu bị biến màu nâu hoặc bị kết tủa phải vứt bỏ. Có những trường hợp thuốc bị oxy hoá, mất hiệu lực, nhưng vẫn không thấy biến màu hoặc kết tủa

Dược sĩ

Dược sĩ Võ Văn Việt

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Dược sĩ Võ Văn Việt đã có hơn 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chuyên môn tư vấn sử dụng thuốc hiệu quả, cung cấp thông tin về dược phẩm, sức khỏe cho bệnh nhân và chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng thuốc đạt chất lượng đến tay người bệnh.

Sản phẩm có thành phần Phenylephrine

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Sản phẩm có thành phần Phenylephrine

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT
Kit test nhanh Covid-19

Cedipect F hộp 100 viên

165.000 đ - 250.000 đ

Cần tư vấn từ dược sĩ

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
Kit test nhanh Covid-19

Siro Coje Cảm cúm 75ml hộp 1 chai 75 ml

18.000 đ - 45.000 đ

Đã bán 3 hộp

XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn