lcp

Tam Thất: Đặc điểm, tác dụng và bài thuốc trị bệnh


Tam thất hay còn được gọi là Sâm tam thất, Kim bất hoán, Thổ kim, Điền thất nhân sâm, thuộc họ Ngũ Gia Bì với danh pháp khoa học là Araliaceae. Trong kho dược liệu Việt Nam, cây Tam thất luôn được ví von như Nhân sâm bởi sự quý giá của nó. Cây Tam thất được coi là dược liệu quý không chỉ vì công dụng bồi bổ sức khỏe mà còn vì công dụng điều trị một số bệnh, đặc biệt là ung thư.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Tam thất sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Tam thất cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

tam thất

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Tam thất, Sâm tam thất, Kim bất hoán, Thổ kim, Điền thất nhân sâm.
  • Tên khoa học: Panax notoginseng (Burk.) F. H. Chen.
  • Họ: Nhân sâm (Araliaceae).
  • Công dụng: Trong dịch chiết rễ tam thất có tác dụng gây hưng phấn thần kinh, từ đó giúp kích thích tâm thần, cải thiện khả năng ghi nhớ, chống căng thẳng, stress. Tăng lưu lượng máu động mạch vành, bảo vệ cơ tim, tránh thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. Tránh hạ huyết áp, bảo vệ tế bào gan, hạ mỡ máu.

Mô tả cây Tam thất

Tam thất là loại cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao trung bình khoảng 40cm. Bề ngoài thân có màu be vàng hoặc màu nâu. Các vân nhỏ đứt nét chạy dọc thân, chỗ thân có ít vân thì hơi có ánh quang. Lá kép hình chân vịt, thường mọc thành vòng, cuống lá dài hoặc có thể dài hơn chiều dài của lá, mỗi lá có từ 3 – 7 lá chét, có răng cưa nhỏ ở mép lá, trên gân chính có một số gân cứng thành gai.

Phiến lá hình mác, diện tích rộng, mọc vòng xung quanh thân. Đầu lá nhọn, góc tù, mép có răng cưa nhỏ đều nhau. Hoa tự hình tán, màu xanh nhạt, mọc thành chùm đầu cành về sau chuyển dần sang màu đỏ, có hình xoắn môi. Quả mọng, hình thận, mọc ở ngọn cây, khi chín có màu đỏ tươi, bên trong có 2 hạt hình cầu. Củ có hình dạng không thống nhất, thường có hình trụ hoặc hình chùy ngược, vỏ ngoài có màu vàng xám nhạt và có mùi thơm nhẹ đặc trưng.

tác dụng của tam thất

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Tam thất phát triển tốt ở những vùng núi cao, nơi có khí hậu mát mẻ, nhiều bóng râm. Những nơi này Tam thất mới chất lượng nhất. Ở Việt Nam, cây tam thất phân bố chủ yếu ở dãy núi Hoàng Liên Sơn vùng Tây Bắc cao hơn 180km (Ba Xát, Mường Khương) và một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn,…Đặc biệt Tam thất vùng Hà Giang có chất lượng tốt nhất do địa hình ở đây phần lớn là núi đá. Ngoài ra, một số nước trên thế giới như Trung Quốc cây Tam thất được phân bố tại một vài tỉnh như: Vân Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên,…

Thu hoạch: Tam thất được thu hái vào cuối hạ, đầu thu, thời điểm thích hợp nhất là trước khi cây hoa nở hoặc sau khi hạt đã chín. Đào lấy rễ củ, loại bỏ đất cát, cắt bỏ thân và rễ nhỏ.

Chế biến: Củ Tam thất:

Đem củ Tam thất rửa sạch sau đó phơi khô một nửa, đem vò xát nhiều lần và phơi khô hoàn toàn.

Củ được thu hoạch vào mùa hạ, thu có chất lượng tốt, thân chắc đầy, được gọi là Xuân thất.

Củ được thu hoạch vào mùa đông chất lượng kém hơn, củ nhỏ, bề mặt teo, nhăn, được gọi là Đông thất.

Rễ nhánh nhỏ được cắt ra gọi là Tiễn khẩu tam thất. Rễ thô cắt ra được gọi là Cân điều. Loại rễ nhỏ nhất được gọi là Nhung căn.

Huyết sâm trồng nhân tạo ở đồng ruộng được gọi là Điền thất.

Nụ hoa tam thất: Đem nụ hoa tam thất rửa sạch, sấy khô.

Bộ phận sử dụng của Tam thất

Các bộ phận của cây tam thất đều được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.

Rễ củ của cây (thường được gọi là củ) được thu hái làm dược liệu. Thường chỉ thu hoạch ở những cây từ 5 năm tuổi trở lên.

Nụ tam thất chưa nở hoa: Nụ Tam thất càng nhỏ, chưa nở bông hàm lượng hoạt chất càng cao.

tam thất

Thành phần hóa học

Các nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng các chất chiết xuất và hợp chất từ cây Tam thất có tác dụng sinh lý khác nhau. Các thành phần hoạt động chủ yếu được công nhận là saponin (với hơn 100 loại) và hơn 200 hợp chất hóa học khác trong đó có flavonoid và cyclopeptides.

Ginsenoside Rb1 có nhiều ở tất cả các bộ phận, trong khi ginsenoside Rg1 thì làm giàu ở rễ và thân rễ. Cần lưu ý rằng ginsenoside Rb3, đã được báo cáo là có tác dụng bảo vệ thần kinh, đặc biệt có nhiều trong nụ hoa.

Tác dụng của Tam thất

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, tam thất có vị ngọt, tính ôn, hơi đắng. Quy vào kinh Can và Vị. Tam thất được dùng chữa thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh, sau khi đẻ huyết hôi không ra, ứ trệ đau bụng, kiết lỵ ra máu, đi tiểu ra máu, có tác dụng hoạt huyết, làm tan ứ huyết, chữa sưng tấy, thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ, vết thương chảy máu.

Theo y học hiện đại

Tăng cường khả năng bảo vệ tim chống lại tác nhân gây loạn nhịp. Nhờ hoạt chất noto ginsenosid mà tam thất có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, làm giãn mạch và làm tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy.

Tiến hành thử nghiệm trên cơ thể chuột, có thể thấy tam thất cũng có tác dụng cầm máu, tiêu ứ máu bên trong nội tạng và làm lành các vết thương nhanh.

Một thí nghiệm mới đây cho thấy, tam thất có thể khắc phục chứng teo dạ dày chuột, đảo ngược sự tăng sản, chuyển sản ruột của biểu mô tuyến, làm chậm sự phát triển của khối u.

Nhà nghiên cứu người Nga cũng phát hiện được tác dụng làm giảm huyết áp, giảm nhịp tim khi sử dụng một lượng tam thất cố định.

Bên cạnh đó, tam thất còn có tác dụng cải thiện phản ứng miễn dịch dịch thể, giảm viêm, giảm đau và làm chậm quá trình lão hóa.

Liều lượng và cách dùng Tam thất

Liều dùng: Về liều nói chung không dùng theo bài thuốc sắc thì dùng 0.6g đến 3g trong điều trị chỉ huyết, 3g đến 6g chữa ngoại thương gãy gân xương,... ngày uống 1 -2 lần.

Cách dùng: Tán bột hòa vào nước ấm uống riêng rẽ hoặc hòa vào thang thuốc sắc. Cũng có thể rắc bột tam thất trực tiếp lên vết thương như một loại thuốc cầm máu, giảm sưng đau.

Bài thuốc chữa bệnh từ Tam thất

Bổ sung dinh dưỡng: Tam thất 3g, chim bồ câu 1 con. Hấp cách thủy để ăn hàng ngày.

Đau bụng kinh: 5g bột Tam thất, chiêu với cháo loãng hoặc nước ấm, uống 1 lần/ ngày.

Cầm máu, giảm viêm tiêu sưng: Dùng Tam thất, Nhũ hương, Huyết kiệt, Sáp trắng, Giáng hương, Ngũ bội, Mẫu lệ, các vị bằng lượng nhau. Đem tán bột và đắp lên vùng vết thương chảy máu.

Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Dùng Tam thất (bột) 12g, Mai mực 3g, Bạch cập 9g đem nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng 3g, ngày dùng 3 lần. Duy trì bài thuốc từ 15 – 21 ngày.

Bệnh mạch vành (phòng và chữa): Bột tam thất 3g ngày uống 5 lần liên tục tới khỏi. Hay bột Nhân sâm và bột Tam thất mỗi thứ 15g, uống ngày 2 lần liên tục tới khỏi. Hoặc dùng bột Tam thất 1,5g, bột Ngọc trai 0,3g, bột Xuyên bối mẫu 3g. Uống ngày 2 lần, liên tục tới khỏi. Đau tức ngực: bột Tam thất 8g. Uống với 15ml rượu nóng. Uống hàng ngày, lâu dài.

Đi tiểu ra máu: Tam thất (bột) 4g. Nước sắc Cỏ bấc đèn và Gừng tươi vừa đủ (200ml). Uống ngày 2 lần tới khi ngừng bệnh.

Lưu ý khi sử dụng Tam thất

Mặc dù tam thất có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe nhưng những đối tượng sau đây không được sử dụng, cụ thể là:

  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị cảm lạnh
  • Phụ nữ mắc chứng rong kinh nặng

Bảo quản Tam thất

Tam thất phơi sấy khô được bảo quản ở nơi có độ ẩm dưới 13%.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Tam thất cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Dược sĩ

Dược sĩ Nguyên Đan

Chuyên ngành: Dược sĩ Đại Học

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.

Sản phẩm có thành phần Tam thất

XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT
XEM CHI TIẾT

Bác sĩ tư vấn

Danh sách bác sĩ
Bạn cần tư vấn ngay với bác sĩ? Đội ngũ bác sĩ tận tâm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn